Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tụt hạng nhanh chóng do bán tài sản trả nợ và cổ phiếu tụt giảm, trong khi đó tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng giàu lên thần tốc, có tài sản gấp khoảng 23 lần so với Bầu Đức.

Thị trường chứng khoán (TTCK) tăng dữ dội lên đỉnh cao gần 10 năm và vẫn đang có chiều hướng tiếp tục đi lên với dòng tiền tăng mạnh. Hàng loạt cổ phiếu blue-chips liên tiếp lập đỉnh cao lịch sử. Tuy nhiên, thị trường có sự phân hóa rõ nét, không giống tình cảnh tất cả đông loạt tăng giá như 10 năm về trước. Hàng loạt cổ phiếu vẫn cắm đầu đi xuống hoặc giậm chân tại chỗ bất chấp thị trường đang nóng hừng hực.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã hoàn tất giao dịch bán 23 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức thỏa thuận từ ngày 30/10 đến 20/11/2017 và giảm sở hữu xuống 35% vốn.

Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HAG nhiều giao dịch thỏa thuận với mức giá từ 7-8 ngàn đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu HAG có giá trên sàn là 7.500 đồng/cp. Như vậy, số tiền Bầu Đức thu về khoảng 170 tỷ đồng.

{keywords}

Sau giao dịch, Bầu Đức còn sở hữu khoảng 325 triệu cổ phiếu HAG, có giá trị khoảng 2,44 tỷ đồng. Với số tài sản này, ông Đức đang đứng ở vị trí áp chót trong bảng xếp hạng 20 người giàu nhất trên TTCK.

Từ vị trí số 1 cách đây chưa tới 10 năm (2008 và 2009), ông Đoàn Nguyên Đức đã rớt hạng nhanh chóng. Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức giờ chỉ còn là một cái bóng mờ nhạt trước hàng loạt các doanh nghiệp lớn và làm ăn tốt đẹp khác.

Giá cổ phiếu Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng giờ cao gấp hơn 10 lần so với cổ phiếu HAG của Bầu Đức. Khối tài sản của ông Vượng gấp 23 lần so với tài sản của Bầu Đức. Nếu tính đầy đủ con số này có thể lên tới khoảng 45 lần.

Trên TTCK, hàng loạt các cổ phiếu trục cột như Vinamilk (VNM), Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE), VietJet (VJC), Masan (MSN), GAS, Sabeco (SAB), Vietcombank (VCB)… tiếp tục lên mức cao mới.

Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu vẫn đi xuống như một số thuộc nhóm dầu khí, xây dựng dầu khí, vận tải biển…

Cổ phiếu Vinamilk tăng lên 189 ngàn đồng, cao hơn so với giá trúng thầu cao chót vót 186 ngàn đồng vừa xác lập hôm 10/11. Sabeco cũng đã lên gần 300 ngàn đồng/cp trước thềm phiên đấu giá Nhà nước thoái vốn.

Sabeco hiện có trị giá khoảng 9 tỷ USD. Đây là “con gà đẻ trứng vàng”, một DN bia đầu ngành tại Việt Nam với khoảng 45 thị phần.

Theo kế hoạch, Sabeco sẽ tổ chức buổi hội thảo và gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore vào lúc 8h sáng đến 18h chiều 24/11/2017. Còn tại thị trường London (Anh), sự kiện sẽ diễn ra từ 8h sáng đến 18h chiều ngày 27/11/2017.

TTCK gần đây cũng sôi động với câu chuyện thoái vốn của Vietcombank. Theo kế hoạch trong năm 2017, Vietcombank sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi OCB và trong tháng 1/2018, sẽ thoái vốn khỏi MBBank (MBB) và Eximbank (EIB). Tính theo giá thị trường hiện tại thì khoản đầu tư vào MBB và EIB đã tăng lhơn 2,3 ngàn tỷ đồng so với giá vốn.

Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Theo SHS, VN-Index tăng điểm rất nóng trong phiên ngày 21/11, có lúc lên cao nhất 929,89 điểm, đã vượt qua được mức cao nhất của chỉ số kể từ tháng 1/2008 đến nay tại 926 điểm. Mục tiêu tiếp theo của chỉ số có thể là mức 992 điểm tương ứng với mức cao nhất của tháng 12/2007. Dòng tiền tiếp tục được gia tăng, đẩy giá trị khớp lệnh trên HOSE lên gần 5.500 tỷ đồng; tuy nhiên mục tiêu giải ngân vẫn chủ yếu là nhóm vốn hóa lớn, vẫn chưa có sự lan tỏa sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ để cải thiện độ rộng của thị trường, qua đó tăng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng một phiên điều chỉnh sẽ là điều cần thiết giúp cho mặt bằng giá vững chắc hơn.

Theo BVSC, với áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên hôm nay, nhiều khả năng thị trường sẽ sớm bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn để giải tỏa áp lực chốt lời. Mặc dù vậy, khả năng giảm sốc của thị trường không được đánh giá cao, thay vào đó là nhịp điều chỉnh thoải với sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/11, VN-index tăng 14,75 điểm lên 918,30 điểm; HNX-Index  giảm 0,09 điểm xuống 108,02 điểm. Upcom-Index tăng 0,24 điểm lên 53,57 điểm. Thanh khoản đạt 290 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 7,3 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú