Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 53-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 19/9/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời thảo luận, đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

w binh dinh 2 1191.jpeg
Ông Hồ Quốc Dũng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định

Ông Hồ Quốc Dũng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định cho biết: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bình Định đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong điều kiện có những thuận lợi song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thuận lợi là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, những thành quả của nhiệm kỳ trước để lại. 

Kinh tế của đất nước, của tỉnh tiếp tục phát triển, chính trị xã hội ổn định; an sinh xã hội được đảm bảo; niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước không ngừng được củng cố. Song, bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, tỉnh Bình Định cũng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Đó là: Tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị, xung đột vũ trang trên thế giới.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh đó, toàn Đảng bộ, chính quyền, dân và quân trong tỉnh đã đoàn kết, chung tay vượt qua đại dịch Covid-19; nỗ lực triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh; tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị; chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường, cải thiện năng lực cạnh tranh…

Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Quy Nhơn, ngoài số lượng công chức được bố trí tiếp nhận hồ sơ còn tăng cường luân phiên 2 cán bộ từ các xã, phường để hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu của UBND thành phố Quy Nhơn là từng bước chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Theo đó, cắt giảm thủ tục hành chính từ 5 ngày xuống 3 ngày đối với một số thủ tục thuộc thẩm quyền của thành phố. Đến nay, TP. Quy Nhơn đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, hầu hết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND TP. Quy Nhơn đều được giải quyết nhanh. 

Đến nay, UBND tỉnh Bình Đình đã phê duyệt phương án đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian giải quyết giảm từ 1 đến 20 ngày đối với 170 thủ tục hành chính của 18 sở, ngành. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định và 100% bộ phận một cửa cấp huyện, xã đã triển khai áp dụng biên lai, hóa đơn điện tử thay thế cho biên lai, hóa đơn giấy. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã tiếp nhận hơn 407.600 hồ sơ, trong đó 99,7% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn.\

anh 6 207.jpeg
Thanh niên Bình Định hỗ trợ người dân tiếp cận chuyển đổi số

Năm 2023, công tác giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Bình Định có nhiều chuyển biến. Kết quả hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%, cao nhất từ trước đến nay.

UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, hiện đại hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính; triển khai kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ, tăng cường kiểm tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước; triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh...

Thời gian qua, công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Bình Định đã có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức 24 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.702/1.737 cán bộ, công chức cấp xã (đạt 97,98% trong tổng số cán bộ, công chức được triệu tập).

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số

Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh đã phát huy hiệu quả tích cực, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành xây dựng hệ thống dữ liệu của từng ngành phục vụ công tác số hóa; kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, nhất là kết nối cơ sở dữ liệu giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, sẽ tiến tới đồng bộ hóa để quản lý công việc trên nền tảng số. 

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử tại Bình Định thời gian qua đã có một số chuyển biến quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển chính quyền số. Cụ thể, chính quyền điện tử liên thông, đồng bộ 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Hạ tầng CNTT từng bước được đầu tư và hiện đại hóa. Dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử được nhân rộng. Giải pháp hội nghị trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng...

anh 4 206.jpeg
Tiềm năng đầu tư dồi dào từ vùng đất Bình Định

Tuy vậy, tổng quan có thể thấy việc triển khai chính quyền điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhận thức về chuyển đổi số giữa các ngành, cơ quan trong tỉnh chưa đồng đều. Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính chưa sâu rộng. Việc chuyển đổi số ở các DN, địa phương còn chậm, thiếu mạnh dạn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật CNTT...

Đến năm 2021, Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) ra đời, đánh dấu một bước ngoặt mới trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Chưa bao giờ sự kết nối, tương tác giữa chính quyền và người dân trở nên thuận tiện và gần gũi đến vậy.

Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, hướng đến năm 2030 xác định tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số -  Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên gồm: Giáo dục, y tế, quản lý hành chính, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải và logistics. Nghị quyết trở thành “kim chỉ nam” định hướng cho sự phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn mới của tỉnh.

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh, “con tàu” chuyển đổi số của Bình Ðịnh đang dần tăng tốc trên hành trình hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh.

“Về đích sớm” trong thu hút đầu tư 

Với 60 dự án đăng ký mới có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13.377 tỷ đồng, Bình Định đã đạt 100% so với kế hoạch cả năm 2023 (60/60 dự án). Đồng thời, thực hiện điều chỉnh 58 dự án với vốn tăng thêm hơn 3.770 tỷ đồng.
Ngày 5/9, thông tin từ Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định cho biết, trong 8 tháng năm 2023 địa phương đã thu hút mới 60 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13.377 tỷ đồng. Theo đó, Bình Định đã đạt 100% so với kế hoạch cả năm 2023 với 60/60 dự án. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh 58 dự án với vốn tăng thêm hơn 3.770 tỷ đồng.

anh 5 205.jpeg
Logistics là một trong những trụ cột của nền kinh tế số 

Cụ thể, có 44 dự án ngoài khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư hơn 11.911 tỷ đồng; 13 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 1.343 tỷ đồng và 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 122 tỷ đồng.

Phân theo lĩnh vực 34 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 15 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản; 6 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, hạ tầng và 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, các dự án đầu tư trong nước tập trung tại huyện Tây Sơn 14 dự án; huyện Phù Mỹ 8 dự án; thị xã Hoài Nhơn 6 dự án; TP Quy Nhơn 8 dự án; huyện Phù Cát 4 dự án; huyện Hoài Ân 2 dự án; huyện Tuy Phước 3 dự án và huyện Vân Canh một dự án. Trong KKT, KCN có 14 dự án.

Một số dự án đáng chú ý như nhà máy gạch, ngói Takao vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng (cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn); nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tekcom Central vốn đầu tư 980 tỷ đồng (TP Quy Nhơn); khu đô thị và du lịch An Quang hơn 5.228 tỷ đồng (huyện Phù Cát); Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 hơn 762 tỷ đồng (TP Quy Nhơn)…

Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng cho rằng, toàn Đảng bộ, chính quyền, dân và quân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Để hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ. 

Linh Chi