Giới đầu tư dồn dập đón nhận những thông tin từ tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam: Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, từ sự ra mắt của Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart, thông tin tái cấu trúc các doanh nghiệp nội bộ cho đến kể hoạch đầu tư tỷ USD để bán xe điện vào thị trường Mỹ. Và mới nhất là đóng cửa Adayroi, trang thương mại điện tử của tập đoàn
Ngày 14/12, Vingroup đã chính thức ra mắt những mẫu tivi thông mình đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android TV được sản xuất tại Khu CNC Láng Hòa Lạc, Hà Nội và sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của hai ông lớn Samsung và Sony.
Thông tin này đến trong bối cảnh chỉ 2 tuần trước đó tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố 2 tin bất ngờ: bán mảng bán lẻ và dự kiến bán 10% cổ phần để có 2 tỷ USD tài sản cá nhân đầu tư vào dự án Vinfast và sẽ xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ trong vòng 2 năm tới.
Thông tin mới nhất cho biết, Vincommerce cũng đã tạm dừng toàn bộ hoạt động bán hàng trên trang thương mại điện tử Adayroi sau hơn 4 năm hoạt động để đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của công ty trong giai đoạn phát triển mới.
Ông Vượng còn đầu tư vào lĩnh vực hàng không. |
Adayroi hoạt động khá trầm lắng trong cuộc đua khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử với sự bứt phá mạnh của Shopee, Tiki, Sendo, Thegioididong và Lazada.
Trước đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng công bố một cuộc chơi lớn: không tính 11.000 tỷ lãi vay và khấu hao hàng năm vào giá xe Vinfast, sớm tung mẫu xe mới với mức giá được dự đoán ở tầm 600 triệu đồng trở lên, phân khúc B và C và tiết lộ khả năng sẽ sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Một mảng được Vingroup cũng quan tâm phát triển mạnh là giáo dục đại học với VinUni, lần đầu tiên công bố chuẩn chất lượng rất cao và mức học phí cũng rất cao, lên đến hàng tỷ đồng cho các năm đào tạo, sau khi đã thành công vang dội với Vinschool ở các cấp học dưới.
Cũng ngay trong tuần cuối tháng 12 này, Vingroup sẽ hoàn thành sáp nhập CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI). SDI sẽ hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCom vào ngày 27/12/2019 để hoán đổi cổ phiếu VIC.
Hoạt động tái cấu trúc của Vingroup còn diễn ra dồn dập ở nhiều mảng khác trong năm 2019.
Giữa năm 2019, Vinpearl đã dịch chuyển dần từ bán bất động sản sang dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí, nhận chuyển nhượng mảng y tế Vinmec từ Vingroup và nông nghiệp VinEco từ SDI.
Tới cuối 2018, Vinpearl có 32 khu khách sạn nghỉ dưỡng, 4 công viên vui chơi giải trí Vinpearl Land, 2 công viên safari, 2 sân golf. Doanh nghiệp này tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi: dịch vụ khách sạn và vui chơi giải trí.
Trong tháng 7/2019, Vingroup nhận chuyển nhượng công ty tổ chức cuộc đua F1 (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) tại Hà Nội từ Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast. Việt Nam Grand Prix là đơn vị ký hợp đồng với Tập đoàn F1 đứng ra cùng chủ trì tổ chức Giải đua Công thức 1 và các sự kiện bên lề tại Hà Nội.
Các công ty con của Vingroup cũng cân đối lại việc phát triển các dự án bất động sản. CTCP đầu tư xây dựng Thái Sơn vừa bán 4 lô đất trong Khu đô thị Vinhomes Smart City cho Công ty Cổ phần HBI với giá gần 5,6 ngàn tỷ đồng.
Trong tháng 3/2019, Vingroup đã thoái vốn tại 2 công ty bất động sản: Prime Land và Ngôi Sao Phương Nam và thu về 2,7 ngàn tỷ đồng.
Vingroup và các doanh nghiệp con của ông Phạm Nhật Vượng trong vài năm qua đẩy mạnh mở rộng quy mô và và lĩnh vực hoạt động theo cấp số nhân, bên cạnh nguồn vốn từ phát hành trái phiếu và từ cỗ máy in tiền Vinhomes chuyên về bất động sản của Vingroup.
Trong năm 2018, Vingroup và các đơn vị thành viên đã huy động 4,2 tỷ USD từ các tổ chức quốc tế, còn nếu tính từ 2013 tới tháng 10/2019 thì con số vốn ngoại đã lên tới 7,6 tỷ USD. Vốn huy động gần đây đổ mạnh vào VinFast (sản xuất ô tô) và VinHomes. Khoản tiền lớn gần đây chính là gần 1 tỷ USD từ SK Group, hay thương vụ 500 triệu USD của Quỹ GIC của Chính phủ Singapore rót vào công ty mẹ của Vinmart (Vincommerce - đơn vị vận hàng hàng ngàn cửa hàng và hệ thống khoảng 115 siêu thị của Vingroup).
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 18/12 chỉ số VN-Index giảm nhẹ. Nhóm cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục giảm giá. Cổ phiếu ngành tiêu dùng MSN tăng nhẹ trở lại.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.
Theo YSVN, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 950 điểm trong phiên giao dịch giữa tuần. Lực cầu sẽ có chiều hướng gia tăng tại các vùng giá thấp, điểm tích cực là nếu đồ thị giá của chỉ số VN-Index có thể giữ được vùng hỗ trợ 950 điểm và hồi phục trong phiên hôm nay thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu đã giảm nhẹ cho thấy chiến lược ngắn hạn là tạm thời quan sát thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12, VN-Index giảm 7,44 điểm xuống 954,03 điểm; HNX-Index giảm 0,32 điểm xuống 102,9 điểm. Upcom-Index giảm 0,2 điểm xuống 55,33 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà