Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ chiều nay, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu nhiều vướng mắc liên quan đến biên chế giáo viên.

Cụ thể, ĐB phản ánh, việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức của Bộ GD-ĐT.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên hoặc bố trí giáo viên không đúng việc làm. Năm nay, tỉnh Đắk Lắk thiếu khoảng 1.700 giáo viên, nhiều địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự. 

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt

“Trách nhiệm của Bộ và giải pháp để giải quyết thực trạng này như thế nào để đảm bảo nguyên tắc mà Thủ tướng đã nhấn mạnh tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc 'ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên?'", ĐB Nguyệt chất vấn.

Bộ Nội vụ không có thẩm quyền giao biên chế viên chức hàng năm

Lý giải điều này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thực chất, Bộ không có thẩm quyền giao biên chế viên chức hàng năm mà chỉ thẩm định. Biên chế viên chức cụ thể do các địa phương thông qua HĐND.

Bộ Nội vụ chỉ đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế viên chức, nhất là viên chức giáo dục để đáp ứng yêu cầu “có học sinh thì phải có giáo viên”. Nhưng việc này phải đảm bảo hợp lý và theo định mức của Bộ GD-ĐT.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

“Ví dụ, năm học 2021-2022, chúng tôi xác định số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu 65.980 người. Trên cơ sở định mức của Bộ GD-ĐT, chúng tôi báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để giao biên chế giáo dục cho giai đoạn 2022-2026.

Trước mắt, chúng tôi đề nghị việc giao biên chế phải căn cứ trên cơ sở định mức, còn nếu căn cứ theo từng điểm trường sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Trà lý giải. Bà mong các địa phương cố gắng sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống trường liên cấp, dồn bớt các điểm trường lẻ.

Theo bà Trà, có nhiều tỉnh làm rất tốt việc này, giảm tới 700-800 điểm trường, có những tỉnh giảm được 400-500 điểm trường để đưa con em đồng bào dân tộc về học ở trường nội trú, bán trú. Qua đó, chất lượng được nâng lên và giảm được đầu mối, giảm biên chế, có tỉnh giảm hơn 1.000 biên chế giáo viên. 

“Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Bộ GD-ĐT để phân bổ tiếp số còn lại của biên chế đã được Bộ Chính trị giao cho giai đoạn 2022-2026”, tư lệnh ngành Nội vụ cho hay.

Tạm tuyển giáo viên đạt tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới

Chia lửa cùng Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết tổng số giáo viên thiếu tính đến năm 2026 là 107.000, chỉ tiêu được duyệt hơn 65.000.

“Ngành GD-ĐT cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ưu ái, bố trí được biên chế trong bối cảnh tinh giản biên chế” - ông Nguyễn Kim Sơn nói.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ông Sơn cho rằng một trong các khâu cần làm ngay là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Tới đây, việc sắp xếp cần đảm bảo khoa học, các học sinh có điều kiện học tập thuận tiện nhất, giáo viên cũng không quá khó khăn trong việc dạy.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Ngoài ra, ông cũng cho hay từ nay đến 2026, tuy có 65.000 chỉ tiêu nhưng ở một số địa phương vẫn còn những chỉ tiêu cũ.

Nhắc lại con số thiếu 1.700 giáo viên mà ĐB Nguyệt đề cập, ông Sơn thông tin hiện Đắk Lắk còn 2.358 biên chế chưa tuyển và phân bổ năm nay thêm 243 chỉ tiêu nữa. Vì vậy, nếu tỉnh tuyển hết số này sẽ giải quyết cơ bản việc thiếu giáo viên. 

Một trong những giải pháp cần thực hiện, theo Bộ trưởng GD-ĐT, là tiếp tục tuyển theo chỉ tiêu cũ, vừa khẩn trương tuyển theo chỉ tiêu mới.

Bộ GD-ĐT đã đề xuất tạm tuyển giáo viên đạt được tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới, đồng thời đề ra lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho họ để đạt được tiêu chuẩn mới vào năm 2030.

Về giải pháp để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang diễn ra, ông Sơn cho hay việc tăng lương,  phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học cần được thực hiện cấp bách. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn.

Bộ trưởng mong xã hội, phụ huynh và học sinh, cộng đồng xã hội có sự chia sẻ với các thầy cô, vì lợi ích của con em.