Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu nhiều thông tin liên quan đến biên chế cho ngành giáo dục.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành và Bộ GD-ĐT, hiện nay có tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên giữa các cấp học, bậc học, giữa các địa phương và thiếu giáo viên của một số môn như Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật.

Bộ trưởng Nội vụ là một trong 5 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trước QH. Ảnh: Phạm Thắng

Cụ thể, năm học 2021-2022, các địa phương thiếu 94.714 giáo viên, thừa 2.161 giáo viên. Song tính đến ngày 31/3/2021, các địa phương còn 42.774 biên chế giáo viên chưa được tuyển dụng. 

Theo định mức quy định học sinh/lớp và trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thống nhất số đề nghị bổ sung là 65.980 biên chế.

Trong đó, giai đoạn từ năm 2019-2020 bổ sung 32.567 biên chế, bao gồm: 20.300 biên chế giáo viên mầm non đối với 14 tỉnh tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên, 12.267 biên chế giáo viên mầm non để chuyển số đang hợp đồng tại các trường bán công chuyển sang công lập.

Giai đoạn từ năm 2022-2026 bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, bao gồm: 27.850 cho năm học 2022-2023; từ năm học 2023-2026, tiếp tục rà soát, bổ sung 38.130 biên chế theo nhu cầu thực tế của từng địa phương tại từng thời điểm cho phù hợp.

“Như vậy, tính chung trong giai đoạn 2019-2026, cả nước dự kiến bổ sung 98.547 biên chế giáo viên cho các cấp học”, Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Có biên chế lại thiếu nguồn tuyển dụng

Từ đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu hàng loạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển dụng.

Bộ Nội vụ cùng Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có đội ngũ viên chức giáo viên.

Theo đó, có cơ chế, chính sách về tiền lương; định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp cho phù hợp thực tế và của từng vùng, miền; đẩy mạnh tự chủ, khuyến khích xã hội hóa; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước cũng là vấn đề cần xem xét trong thời gian tới.

Bà Trà cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch (cho cả giai đoạn 2022-2026 và năm học 2022-2023) để tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả số chỉ tiêu biên chế được Bộ Chính trị giao nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh và đổi mới chương trình giảng dạy.

Đồng thời, các tỉnh thành tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Bộ trưởng Nội vụ cũng đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng chiến lược để phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/2013 của hội nghị Trung ương 8 khóa 11.

Để khắc phục tình trạng khi có biên chế lại thiếu nguồn tuyển dụng, các địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, định hướng phát triển của địa phương.

Địa phương cần bám sát quy hoạch, nhu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, học sinh trong từng giai đoạn, từng năm học để lập kế hoạch tuyển dụng giáo viên cụ thể đến từng cấp học, từng ngành cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, có kế hoạch đặt hàng với các cơ sở giáo dục đào tạo.

Bên cạnh đó, tiếp tục hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng số giáo viên để đạt chuẩn trình độ nhà giáo theo quy định của luật Giáo dục năm 2019.