Sau Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, sáng 7/6, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt.

Nội dung được quan tâm nhất liên quan đến Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Chiến lược phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời trước Quốc hội

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời chất vấn về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Những vấn đề này liên quan trực tiếp đến sự phát triển hay ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong thực tiễn của cuộc sống.

Vấn đề khác là việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng yếu của quốc gia nên việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển được xem là vấn đề quan trọng.

Đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn về việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN quốc gia. 

Bộ trưởng sẽ giải đáp, công khai hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. 

Nội dung cuối cùng là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

"Chia lửa" cùng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT, GD&ĐT, TT&TT tham gia trả lời, giải trình về những vấn đề có liên quan.

VietNamNet tường thuật phiên chất vấn và trả lời chất vấn:

07/06/2023 | 14:46

14h46: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba về lĩnh vực KHCN

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có số lượng kỷ lục ĐBQH đăng ký chất vấn. 32 đại biểu tham gia chất vấn với 20 đại biểu đặt câu hỏi và 12 đại biểu tranh luận.

Còn 92 đại biểu đăng ký chất vấn và 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian nên chưa chất vấn và phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. ĐBQH đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm; một số đại biểu tích cực tranh luận làm rõ hơn vấn đề chất vấn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị Tư lệnh ngành khoa học và công nghệ từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV (từ Kỳ họp thứ 10), nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn.

Là một nhà khoa học và cũng từng lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của nước ta, Bộ trưởng nắm rất chắc thực trạng lĩnh vực quản lý, càng trả lời càng hay hơn, tự tin hơn và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới.

15h: Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, đến Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đăng đàn trước Quốc hội trả lời chất vấn về nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải XEM TẠI ĐÂY.

Thu gọn
07/06/2023 | 14:37

14h36: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong phát biểu làm rõ thêm đã cảm ơn 120 ý kiến của ĐBQH về lĩnh vực KHCN

Lĩnh vực khoa học công nghệ là lĩnh vực khá thuận lợi, có hành lang pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật quy định khá đầy đủ. Hiện nay, Bộ KH&CN cũng đang rất bận rộn đề tổng kết và đề xuất những tư duy đổi mới trong lĩnh vực này…

Thời gian qua KHCN nước ta cũng đã có những đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá: Chỉ số DFP đạt 45% (các nước phát triển 56-60%), tốc độ đổi mới đặt mục tiêu đề ra. Nước ta cũng đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.

Thừa nhận về những tồn tại trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lĩnh vực mang tính liên ngành. KHCN là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo dựa trên nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo, đầu tư, chủ trương thu hút đầu tư... Do vậy, để giải quyết những tồn tại ấy cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý… Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực khoa học công nghệ chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất. Do vậy, chúng ta cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề quản lý các Quỹ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của Quỹ… Đồng thời, hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ…

Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết các chính sách lớn trong lĩnh vực này, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn để triển khai trong thời gian tới.

Thu gọn
07/06/2023 | 14:20

14h20: Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói thêm về đổi mới sáng tạo

Báo cáo thêm về chi cho KHCN, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công; phải đảm bảo đúng nguyên tắc; việc bố trí có trọng tâm, trọng điểm.

Về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ trưởng khẳng định, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến 2030-2045 rất cao, muốn làm được phải có đột phá, động lực, cú hích. Ba đột phá chiến lược đang làm gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực và lần này được lồng ghép thêm hai vấn đề cốt lõi là KHCN, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Do vậy, vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Chúng tôi tiếp cận theo hướng KHCN và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động thế nào đến kinh tế nước ta và nước ta sẽ vận dụng thế nào.

Xuất phát từ quan điểm này, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Chức năng của Trung tâm là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; áp dụng các cơ chế chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước.

Tập trung vào 8 ngành: đô thị thông minh, sản xuất thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, công nghiệp môi trường, bán dẫn, hydrogen và y tế. Chúng tôi lựa chọn ưu tiên phát triển 8 ngành.

Bộ KH&ĐT cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ đang phối hợp với TP.HCM, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên- Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết hiện đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Theo đó, đã hình thành được 8 văn phòng ở các nước phát triển, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới trong mạng lưới này. Đây là một nguồn lực hết sức quý giá, vô giá để kết nối với trần lực lượng nghiên cứu trong nước, hỗ trợ bổ trợ cho trong nước, tranh thủ nguồn lực này phát triển đất nước.

Thu gọn
07/06/2023 | 14:15

14h14: Bộ trưởng Tài chính: Có cơ chế mua lại phát minh, chuyển giao và ứng dụng đề tài khoa học

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách 2.076 tỷ chiếm 0,82%, trong đó chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.

Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt. 

Việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc, cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong KHCN. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu hết sức phức tạp, kéo dài nên dẫn đến kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt các nhà khoa học khi thanh toán sẽ cảm thấy rất phiền phức.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 cho phù hợp hơn. Trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân sẽ sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng, chủ động, căn cứ vào kết quả sản phẩm đầu ra của công việc.

Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với Nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng. Việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu.

Với các đơn vị khoa học ngoài Nhà nước phát huy được tính sáng tạo và sáng kiến, có cơ chế thưởng, hỗ trợ, mua lại phát minh, sáng kiến, có cơ chế chuyển giao và ứng dụng đề tài khoa học. Ví dụ cơ chế hỗ trợ, khi có rủi ro trong nghiên cứu khoa học thì hỗ trợ thu hồi lại máy móc, thiết bị đã mua sắm cho Nhà nước, còn các chi phí đã tiêu hao thì thôi chẳng hạn.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nghiên cứu khoa học, bởi chỉ nghiên cứu và ứng dụng khoa học mới phát triển được sản phẩm. Phát triển sản phẩm thì mới hạ được giá thành, từ đó mới có sức cạnh tranh. Đây là vấn đề sống còn của DN trong chiến lược sản xuất kinh doanh.

Với một số quy định, theo Bộ trưởng, nên bỏ như: điều kiện để được công nhận là chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, kiểm toán viên phải có đề tài khoa học. Bởi dễ làm cho cán bộ công chức sao chép đề tài để đảm bảo cho 1 đề tài được nghiệm thu, chứ không ứng dụng được trong thực tiễn.

Tôi cũng đồng tình trong đột phá KHCN, như ĐB Lê Thanh Vân nói về điểm “kích nổ” KHCN là phải có nhân tài. Nhưng rõ ràng để có nhân tài phải có môi trường để họ cống hiến tốt, cơ chế chính sách phù hợp. Ngày xưa nước ta dù trong điều kiện khó khăn cũng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa sản xuất vũ khí súng ba càng, súng bazooka, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sản xuất Penicillin, hay nhà bác học như Lương Định Của. Hiện nay, chúng ta phải thu hút nguồn lực xã hội để đảm bảo sáng kiến, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học

Thu gọn
07/06/2023 | 14:59

14h13:

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phần chất vấn cát biến sẽ do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời phiên sau. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Tài chính báo cáo về chi cho KHCN, giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng, thanh quyết toán cho KHCN.

Thu gọn
07/06/2023 | 14:09

14h08:

ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) tranh luận việc liên kết giữa các Viện khoa học công nghệ với các DN chưa rõ ràng. Bộ trưởng mới trả lời 1 phần, còn phần rất lớn chưa nêu rõ. Ai cũng biết nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực và DN là trung tâm. Bộ trưởng nói phải phát huy tối đa nguồn lực tư nhân và quốc tế để thúc đẩy, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, Quỹ phát triển KHCN hiện nay đang thiếu, tiền thì thừa quỹ, các sản phẩm khoa học chưa thực sự đi vào cuộc sống và hỗ trợ cho sự phát triển của các DN sáng tạo. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá, làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế mặt trái của cơ chế?

ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) tranh luận về Quỹ phát triển KHCN quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, giải trình của Bộ trưởng chưa làm thỏa mãn cử tri và ĐBQH. Thời gian qua Quỹ này hoạt động hoàn toàn dựa vào ngân sách Nhà nước, mà chưa trở thành kênh huy động thu hút đầu tư từ xã hội, chưa phát huy vai trò cho vay vốn với các DN có nhu cầu nghiên cứu khoa học....

Vấn đề này thuộc về quy định pháp luật còn chung chung, thiếu sự đồng bộ giữa quy định về tài chính đầu tư và quy định về KHCN. Đề nghị Bộ trưởng có đánh giá, làm rõ hơn để có giải pháp thực thi tốt hơn

ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng): Theo số liệu điều tra, tài nguyên cát biển Việt Nam hiện có khoảng 200 tỷ mét khối. Cát biển có thể phục vụ phát triển nhiều ngành kinh tế, trong đó đáp ứng ngay nhu cầu cấp bách làm vật liệu xây dựng, san nền cho các công trình xây dựng đường bộ cao tốc, các công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, đến nay cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học cho việc triển khai còn nhiều khó khăn, bất cập. Trách nhiệm của Bộ trong việc này như thế nào? Bộ đã có nghiên cứu nào về cát biển phục vụ cho mục đích trên? Kết quả ra sao? Xin hỏi thêm các Bộ TN&MT, Xây dựng, GTVT về vấn đề này.

Việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này?

Thu gọn
07/06/2023 | 14:06

14h05: Hồ sơ thanh quyết toán còn dày hơn cả báo cáo khoa học

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) tranh luận về nội dung nêu KHCN chưa lan tỏa trong đời sống và Bộ trưởng trả lời là lôi kéo các DN vào nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ là chưa thỏa đáng. Tôi nghĩ không thể dùng giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức, kêu gọi các DN.

Để kêu gọi các DN vào thì phải cho họ thấy cái lợi gì, tính minh bạch. Bản chất Quỹ phát triển KHCN quốc gia là lôi kéo tư nhân, nhưng đến giờ vẫn hoạt động dựa vào ngân sách Nhà nước, để thời gian quá dài mà không mời gọi được tư nhân vào sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động xã hội.

Ở Israel, nhà nước đầu tư vốn "mồi" giai đoạn đầu sau đó xã hội hóa để DN tham gia nghiên cứu ứng dụng, rồi mới nhân rộng đại trà. Bộ trưởng nên tham khảo những mô hình như vậy ở các cường quốc công nghệ, rồi mới xây dựng chương trình để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp, căn cơ hơn, cũng tránh được tình trạng lãng phí.

Các nhà khoa học kêu đề tài của ta quá manh mún, dàn trải và thủ tục thanh toán quá rườm rà. Thành ra người ta mất thời gian để thu thập chứng từ hoàn ứng hơn là thời gian nghiên cứu khoa học. Hồ sơ thanh quyết toán còn dày hơn cả báo cáo khoa học.

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) tranh luận về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Tại Nghị quyết số 27 ngày 6/8/2008 của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nêu rõ, Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, trường đại học trọng điểm… để thúc đẩy sáng tạo của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý khu đô thị khoa học vẫn chưa được hình thành, trong đó một số các tỉnh đã làm thí điểm các mô hình này.

Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế hành lang pháp lý nào để thực hiện đạt được mục tiêu của Nghị quyết 27 đề ra. Trên cơ sở việc thực hiện hoàn thành mục tiêu này thì chúng ta sẽ có đánh giá và áp dụng vào xây dựng Trung tâm sáng tạo mang tầm khu vực và tầm quốc gia.

Thu gọn
07/06/2023 | 14:05

14h03: Nghiên cứu KHCN cũng có rủi ro, không thành công cũng là một đóng góp cho khoa học

Trả lời ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) và Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) về số liệu chi đầu tư phát triển KH&CN theo Luật Đầu tư công, Bộ trưởng KH&CN cho biết, hiện không xác định được chính xác kinh phí đầu tư tại các địa phương. Bộ Tài chính, KH&ĐT, KH&CN đã có báo cáo với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội về vấn đề này.

Bộ trưởng cho biết, cần sửa đổi quy định để nắm được chính xác con số này nhằm hoạch định đầu tư KH&CN.

Về hạn chế lớn nhất trong thị trường KHCN, Bộ trưởng cho biết, hiện thiếu các tổ chức trung gian để cung cấp các dịch vụ chuyên sâu, kết nối hai bên cung-cầu. Cạnh đó vướng mắc về sở hữu, định giá kết quả, nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước. Chưa khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Bộ đang triển khai các chương trình KHCN quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các viện, trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các DN, tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia. Cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường.

Về tỷ lệ dành kinh phí cho KHCN, Bộ trưởng cho biết, năm 2023 tổng chi thường xuyên 12.000 tỷ (Trung ương 8.800 tỷ, địa phương khoảng 3.200 tỷ). Trong đó cấp Trung ương có chi hỗ trợ cho lương, hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ, còn lại là cho các nhiệm vụ chiếm 89%. Với địa phương thì tỷ lệ này chiếm 55%.

Bộ trưởng cho biết, trong nghiên cứu KHCN cũng có những rủi ro khó thành công, ông mong ĐBQH và xã hội ghi nhận việc này, Vì tính mới, tính dấn thân nên nghiên cứu có thể thành công, hoặc không thành công. Và không thành công cũng là một đóng góp cho khoa học.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài trong KHCN mà ĐB Nguyễn Lân HiếuLê Thanh Vân nêu, Bộ trưởng cho rằng cần sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng bị ràng buộc bởi điều kiện, quy định mang tính hành chính. Cần giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu của Thủ trưởng các tổ chức KHCN.

Về việc thành lập các trung tâm KHCN đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là mô hình mới nên cần thời gian xem xét hiệu quả, đánh giá của các trung tâm này. Trên cơ sở đó nhân rộng ở các địa phương. Tuy nhiên, cần đảm bảo cơ sở vật chất, con người, đầu tư nên cần thời gian chuẩn bị.

Thu gọn
07/06/2023 | 14:12

14h:

Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo, còn 60 phút để chất vấn Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, trong đó có 10 phút để chủ tọa kết luận.

Trong phần chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài chính và KH&ĐT sẽ tham gia báo cáo làm rõ thêm một số nội dung.

Thu gọn
07/06/2023 | 11:52

11h28: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương và một số ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ trả lời vào buổi chiều.

Trong chiều nay, Quốc hội sẽ dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN; Bộ trưởng Tài chính sẽ tham gia phát biểu giải trình về vấn đề bố trí ngân sách và thủ tục thanh quyết toán đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Bộ trưởng KH&ĐT sẽ phát biểu về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương quan với các chính sách khoa học công nghệ...

Thu gọn
07/06/2023 | 13:22

11h: Vải Bắc Giang sắp không phải đưa vào TP.HCM chiếu xạ

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho biết, yêu cầu chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường một số nước, trong đó có Mỹ.

Theo đại biểu, trong những năm qua, quả vải của tỉnh Bắc Giang luôn phải đưa vào TP.HCM để chiếu xạ làm cho chi phí thời gian và giá thành đội lên.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN có giải pháp gì cho việc chiếu xạ quả vải cũng như nhiều loại quả khác ở khu vực phía Bắc để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường một số nước trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo yêu cầu về chiếu xạ quả vải, trước đây phải đưa vào tận TP.HCM và Long An cho nên kinh phí đội lên rất nhiều. 

Vừa qua, Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã triển khai cuộc đàm phán với phía Mỹ, đến nay thành công. Hiện nay, bắt đầu chiếu xạ cho các quả vải ở phía Bắc. 

“Đây là công việc nếu không có sự phối hợp giữa 3 bộ thì rất khó khăn. Từ đây đến cuối năm chắc chắn sẽ chiếu xạ cho các quả vải theo quy trình của Mỹ”, ông Huỳnh Thành Đạt nói.

Thu gọn
07/06/2023 | 10:30

10h30: Bộ trưởng có phương án nào để chiêu mộ nhân tài về làm việc?

Tranh luận với Bộ trưởng KH&CN, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nhắc lại ý ông Huỳnh Thành Đạt đã nói đồng ý coi nhân tài là hướng để phát triển khoa học công nghệ.

“Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó khăn. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng, trong thời gian tới đây, ngay tại Bộ KH&CN, Bộ trưởng có phương án nào để chiêu mộ nhân tài về làm việc?”, ông Nguyễn Lân Hiếu nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, đây là điều rất trăn trở khi ông về Bộ KH&CN, cũng như trước đây làm việc ở cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu giơ biển tranh luận

“Cứ loay hoay là có chủ trương, nhưng khi triển khai ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn bởi nó liên quan đến nhiều quy định khác như Luật Công chức, viên chức và các quy định về tài chính. Phải nói là khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn”, ông Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, khi triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ KH&CN được Chính phủ giao để xây dựng đề án này. Bộ KH&CN nhận thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cơ quan này sẽ hết sức cố gắng để đề án thực sự thu hút được các nhà khoa học, nghiên cứu trong nước, ngoài nước về làm việc với cách hiệu quả nhất.

Trong khi triển khai đề án, người đứng đầu ngành KH&CN sẽ lấy ý kiến các nhà khoa học, địa phương và mong muốn các đại biểu Quốc hội đóng góp cho đề án này.

“Kinh nghiệm việc thu hút nhân tài về các địa phương làm việc thành công không cao. Thậm chí có đề án thất bại. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, tuy nhiên vấn đề này rất khó”, ông Huỳnh Thành Đạt nói thêm.

Thu gọn
07/06/2023 | 10:11

10h11: Đại biểu gợi ý cho Bộ trưởng để bứt phá về khoa học công nghệ

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu tranh luận thêm với Bộ trưởng KH&CN. Đại biểu ghi nhận Bộ trưởng đã cầu thị và hứa sẽ thống kê những đề tài khoa học ứng dụng vào thực tiễn.

Về nội dung tiếp theo, đại biểu cho rằng, điểm “kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Theo đại biểu, thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…

Trả lời câu hỏi trên, ông Huỳnh Thành Đạt ngập ngừng rồi mới diễn đạt rõ ý “kích nổ” trong việc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, trong đề án phát triển khoa học công nghệ từ nay đến năm 2030 cơ quan này sẽ hết sức lưu ý về vấn đề đội ngũ trí thức.

Xem đầy đủ:

Thu gọn
07/06/2023 | 10:01

10h: Tro, xỉ rất ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm 2021, tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước là trên 16 tỷ tấn. Tro, xỉ rất ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Cho nên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN tìm giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng tro, xỉ đến môi trường và con người.

Đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ ngành triển khai những nhiệm vụ để tro, xỉ sử dụng làm vật liệu xây dựng như sản xuất bê tông, gạch không nung, vật liệu xây lắp. Việc này góp phần khắc phục việc phát thải tro, xỉ vào môi trường.

Trong những năm qua, Bộ KH&CN cũng đã trình Chính phủ danh mục, lộ trình các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được sử dụng mới, trong đó có nhà máy nhiệt điện đốt than. Bộ KH&CN cũng đã nghiên cứu nguồn năng lượng mới để bổ sung cho nguồn điện than.

Trả lời thêm câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về việc thống kê các đề tài khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhắc lại vấn đề khoa học công nghệ là lĩnh vực rất đặc thù, có rủi ro và có độ trễ, nên thống kê bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn là rất khó.

“Các đề tài nghiên cứu có thể để đấy, nhưng nó có giá trị trong nhiều năm sau này. Để có số liệu chính thức, xin phép đại biểu Quốc hội, tôi sẽ thống kê chính xác hơn để phục vụ các vị đại biểu. Tuy nhiên, công tác thống kê này là khó”, ông Đạt nói.

Thu gọn
07/06/2023 | 09:17

9h17: Tính toán bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định

Trả lời câu hỏi đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua nhiều công nghệ mới, tiên tiến được triển khai mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, xây dựng, giao thông vận tải. Các ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. Những kết quả trên là sự cố gắng từ các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có những hạn chế, trong đó cơ chế chính sách chưa thực sự phát huy đối với các doanh nghiệp, các dịch vụ kết nối đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hạn chế, đặc biệt là đối với công nghệ tiên tiến.

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn của các đại biểu

Thời gian tới, về cơ chế chính sách, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Cơ quan này cũng sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng KH&CN cho biết, hoạt động KH&CN mang tính đặc thù, đi tìm những cái mới, có thể thành công, có thể thất bại. Cho nên, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.

Điều quan trọng ở đây là làm sao chúng ta xác định được kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học và cũng đóng góp cho uy tín các viện nghiên cứu, các trường đại học.

“Chúng ta thấy, những kết quả nghiên cứu góp phần xếp hạng các trường đại học của chúng ta trong khu vực và quốc tế. Cụ thể 9 trường đại học của chúng ta đã được xếp hạng trong bản đồ khoa học trên thế giới. Đó là kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học của chúng ta”, ông Huỳnh Thành Đạt nói.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, các đề tài nghiên cứu có độ trễ và nhiệm vụ ứng dụng cũng không phải là việc của nhà khoa học, mà là các đơn vị trung gian kết nối với doanh nghiệp. Hiện nay, Nhà nước cũng có những cơ chế, chính sách để ngày càng nhiều nghiên cứu được chuyển giao từ nhà trường, viên nghiên cứu ra xã hội.

Thu gọn
07/06/2023 | 09:15

9h15: Bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách được đưa vào ứng dụng?

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho biết, để phát triển thị trường KH&CN từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý Nhà nước về thị trường KH&CN đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã ban hành.

“Mặc dù vậy, thị trường KH&CN nước ta vẫn còn hạn chế. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao. Trong thời gian tới cần thực hiện giải pháp căn cơ gì để phát triển thị trường KH&CN?”, đại biểu đoàn Ninh Bình nêu câu hỏi.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng KH&CN cho biết, trong 5 năm qua số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước, có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng. Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại hiệu quả thiết thực?

“Đâu là điểm bứt phá về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh của Tổ quốc”, đại biểu Lê Thanh Vân đặt vấn đề.

Thu gọn
07/06/2023 | 09:10

9h10: Đại biểu Quốc hội đặt ra các vấn đề căn cốt, trọng tâm của ngành KHCN

Báo cáo trước khi nhận câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, các nội dung chất vấn được Quốc hội đặt ra đều là các vấn đề căn cốt, trọng tâm của ngành khoa học công nghệ.

Do đó, đây là cơ hội quý báu để Bộ KH&CN rà soát lại việc triển khai các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công và giải trình trước Quốc hội về việc thực thi chính sách khoa học và công nghệ trong thời gian qua.

Thu gọn
07/06/2023 | 09:06

9h06: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về các vấn đề trọng tâm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Mời quý độc giả xem thêm nội dung các phiên chất vấn và trả lời chất vấn:

Thu gọn