Tôi ủng hộ việc cấm xe máy, trước mắt ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM...
LTS: Xung quanh ý kiến đề xuất cấm xe máy gây tranh cãi hiện nay, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của tác giả Phúc Lai, mời độc giả cùng thảo luận.
Có lần làm việc với cán bộ phòng CSGT thành phố Hà Nội, tôi hỏi một câu ngoài lề: “Chắc vi phạm nhiều lắm phải không?” – Anh cán bộ tham mưu trẻ trả lời: “Vâng, xe đông quá, vi phạm cực nhiều và chúng em cũng chẳng xử lý nổi được.”
Có thể nói, xe máy hay gọi chung là phương tiện cá nhân đang là nguyên nhân chính gây tắc đường ở các đô thị lớn Việt Nam. Hệ lụy mà nó mang lại có lẽ không cần phải kể ra: thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường và là phương tiện nguy hiểm nhất, có tỷ lệ cao nhất trong số vụ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, những giải pháp giao thông tĩnh là mở rộng đường không phải là giải pháp lâu dài vì người đông mà đất đai là có hạn. “Vấn nạn” tắc đường hiện đã nghiêm trọng, không thể không nghĩ đến việc hạn chế phương tiện cá nhân.
Cấm xe máy có giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông? Ảnh: Lê Anh Dũng |
Khoảng 15 năm trước, khi tôi đến Nam Ninh, Trung Quốc, thành phố này bắt đầu cấm xe máy. Để chuẩn bị, thành phố đã có một lộ trình rõ ràng. Họ thông báo trước về thời điểm cấm xe máy khoảng 8 năm, để người dân từ từ bỏ xe cũ đang đi và không mua thêm xe mới. Thành phố cũng ban hành một chính sách rõ ràng về việc hỗ trợ cho các chủ xe – bỏ xe càng sớm trước lệnh cấm càng được hỗ trợ nhiều; xe càng mới, hỗ trợ càng cao.
Các doanh nghiệp sản xuất xe máy cũng được hỗ trợ để chuyển sang các mặt hàng khác, hoặc sản xuất các phương tiện khác thân thiện với môi trường, như xe đạp… Những xe có tuổi đời trên 8 năm bị cấm ngay lập tức. Những xe chưa đủ 8 năm được đi tiếp, chỉ những xe vừa mới mua trước thông báo một thời gian ngắn là được đi đến khi sát lệnh cấm mới phải bỏ.
Với chính sách đó, ngay lập tức một phần lớn số xe máy bị “loại khỏi vòng chiến” đã làm thành phố thông thoáng rất nhiều, tạo điều kiện cho phát triển giao thông công cộng, chẳng hạn xe bus có đường đi và tốc độ di chuyển cũng nhanh hơn nhiều.
Đồng thời, thành phố ngừng đăng ký những xe máy mới mua, không cấm mua bán nhưng chỉ để mang về nông thôn đi, hoặc những thành phố chưa bị cấm. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu xe máy sẽ phải tính toán để có một kế hoạch phù hợp mà chuyển đổi sang mặt hàng khác.
Trong thời gian đó, thành phố có những chính sách rất cụ thể và thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải công cộng: bù giá vé, cho hưởng tín dụng ưu đãi đầu tư xe.
Thành phố Nam Ninh cách đây 10 năm (2007) chưa có tàu điện ngầm, và mạng lưới xe bus cũng chưa hoàn thiện, nhiều xe cũ và nhiều khu vực chưa được “phủ sóng xe bus,” nhưng nếu có phải đi bộ cũng không đến nỗi xa, khoảng 2km là xa nhất. Cũng có nhiều loại xe bus không có cửa kính kín để không phải chạy điều hòa, giảm chi phí. Mọi hình thức quảng cáo trên xe được tận dụng, từ poster lớn dán trên thành xe đến màn hình lắp bên trong… đều góp phần giảm giá vé.
Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, tôi ủng hộ việc cấm xe máy, trước mắt ở hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng cần phải có lộ trình hợp lý. Để làm được việc đó, khi mà chúng ta nghĩ đến ở thời điểm khá muộn thì cái giá phải trả cũng rất lớn, nhưng không làm sẽ không có chỗ mà đi nữa.
Muốn vậy, một điều rất quan trọng là mỗi cá nhân phải từ bỏ thói quen tạt ngang tạt ngửa. Cái được đầu tiên của việc hạn chế phương tiện cá nhân là sức khỏe nhờ môi trường trong sạch bớt khói bụi do xe cộ dày đặc trên đường. Cái “được” thứ 2 là chất lượng cuộc sống nhờ chúng ta giảm thiểu được thời gian đi lại, thêm thời gian cho công việc, nghỉ ngơi, giải trí.
Đổi lại, Việt Nam cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ, phát triển mạng lưới cửa hàng tiện ích đến từng khu dân cư, đảm bảo chất lượng hàng hóa và giá cả thống nhất.
Người dân cũng nên dần dần mạnh dạn bỏ suy nghĩ, “trường này tốt, trường kia không tốt” để giảm dần nhu cầu đưa trẻ con đi học đầu này thành phố, rồi lại tất bật chạy về đầu kia thành phố để đi làm. Suy cho cùng cũng đều là các thành kiến của phụ huynh áp đặt vào suy nghĩ của nhau thôi, chứ với trẻ con thì nhiều khi… không phải như thế. Giảm được suy nghĩ đó đi, thì bản thân các thày cô trong ngành giáo dục cũng… bình tĩnh trở lại.
Chúng ta không cần quá xa xỉ hay quá tiện lợi, mà cần một sự công bằng. Hãy nhìn sang Singapore, để sở hữu và sử dụng một chiếc ô tô bên đó, đắt hơn Việt Nam nhiều lần – mà sao người ta không phàn nàn là các khoản “nuôi” nó quá đắt. Đơn giản vì họ hành xử công bằng. Tất cả mối quan tâm của xã hội là dành cho cộng đồng, ngay trong lĩnh vực giao thông công cộng, tạo ra một sự công bằng chung không phân biệt. Khi giao thông công cộng tiện lợi như thế so sánh với chi phí quá cao cho ô tô riêng, thì ngay cả ô tô riêng cũng không còn là lựa chọn ưu tiên của người dân nữa.
Phúc Lai