CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa thông báo cổ đông nội bộ là ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu HPG sau khi vừa hoàn thành mua 20 triệu cổ phiếu HPG trong tuần vừa qua.
Cụ thể, ông Trần Vũ Minh sẽ mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 27/3 đến 24/4, giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trước đó, ông Trần Vũ Minh đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 17/3 đến ngày 16/4 nhưng đã thực hiện xong trong khoảng thười gian từ ngày 17/3-23/4 theo phương thức khớp lệnh trên sàn, với mức giá biến động từ 18.700-20.100 đồng/cp.
Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HPG tiếp tục giảm mạnh và ông Vũ Minh có thể đã lỗ từ 28-40 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch 24/3, cổ phiếu HPG tiếp tục giảm xuống 17.100 đồng/cp và khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 6,5 triệu cổ phiếu, nâng tổng khối lượng bán ròng lên hơn 41 triệu cổ phiếu HPG.
Mặc dù giá cổ phiếu giảm mạnh và khiến túi tiền gia đình bốc hơi gần 6 ngàn tỷ đồng nhưng nhà ông Trần Đình Long vẫn khá tự tin trong bối cảnh Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của tập đoàn này về cơ bản đã hoàn thành và dự kiến cuối quý II/2020 sẽ cho ra những thép cuộn cán nóng.
Ông Trần Đinh Long, chủ tịch HPG. |
Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2019 tăng khá mạnh, với khoảng 2,776 triệu tấn (tăng 16,8% so với cùng kỳ). Số lượng xuất khẩu đạt gần 10%, với các thị trường chính như Nhật, Hàn, Campuchia, Malaysia, Úc, Mỹ,...
Sản lượng thép của Hòa Phát tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực phía Nam là nhờ nguồn cung dồi dào và ổn định từ các nhà máy của Hòa Phát ở Dung Quất (Quảng Ngãi) - một dự án trọng điểm của tập đoàn này.
Hàng loạt lãnh đạo, người liên quan và chính doanh nghiệp gần đây có kế hoạch bỏ ra một lượng tiền lớn để mua vào cổ phiếu.
Các lãnh đạo và người nội bộ Công ty Đầu tư Thế giới Di dộng (MWG) tiếp tục đăng ký mua 1,7 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh, từ ngày 27/3 đến 25/4.
CEO Trần Kinh Doanh đăng ký mua 720.000 cổ phiếu để nâng lượng nắm giữ lên 4,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1% vốn. Trong khi đó, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 2,7%, tương đương 12,3 triệu cổ phiếu.
Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa đăng ký mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ từ 3/4 trong bối cảnh cổ phiếu HBC giảm gần 40% kể từ đầu năm. HĐQT của Công ty Dabaco cũng vừa thông qua phương án mua 5 triệu cổ phiếu quỹ.
Khoảng một tháng qua, TTCK Việt Nam giảm mạnh, hầu hết các cổ phiếu giảm 20-50% do giới đầu tư lo ngại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Dù vậy, không phải tất cả đều bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp vẫn dự kiến lãi lớn trong năm 2020.
Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh lên kế hoạch chuyển lỗ ngàn tỷ thành lãi sau thỏa thuận với Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Sau cú lỗ 1,1 ngàn tỷ trong 2019, HVG dự kiến đạt sau thuế đạt 790 tỷ đồng.
Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vẫn đặt lợi nhuận sau thế 4.835 tỷ đồng, tăng 26%. FPT của ông Trương Gia Bình cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5,51 ngàn tỷ đồng, tăng 18%...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index tăng mạnh trở lại sau nhiều phiên lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ cuối 2016. Chứng khoán Việt tăng trở lại trong bối cảnh chứng khoán Mỹ và thế giới hồi phục với tín hiệu tích cực từ gói kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD của chính quyền ông Donald Trump.
Quốc hội Mỹ đã bật tín hiệu sẽ thông qua gói kích thích này.
Dù vậy, ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn thận trọng do số người lây nhiễm tại Mỹ vẫn tăng cao, thêm gần 10 ngàn người trong một ngày và lên trên ngưỡng 53 ngàn người, trong đó có 685 người tử vong. Trên toàn thế giới, đã có hơn 420 ngàn người nhiễm SAR-CoV-2, với hơn 18,8 ngàn người chết. Hiện số ca nhiễm virus corona chủng mới của Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc và Ý.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo YSVN, thị trường thị trường có thể hồi phục trong phiên 25/3. Điểm tích cực là lực cầu đã cải thiện đáng kể và tâm lý cũng dần tích cực trở lại, áp lực giảm của thị trường chỉ bị tác động chính bởi bộ ba cổ phiếu nhóm VIC - VHM - VRE. Đồng thời, thị trường tiếp tục rơi sâu vào vùng quá bán cho thấy nhịp hồi phục kỹ thuật có thể sẽ còn xuất hiện trong vài phiên tới. Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn nên tiếp tục thận trọng ở nhịp hồi.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, VN-Index giảm 7,38 điểm xuống 659,21 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm lên 96,95 điểm. Upcom-Index tăng 0,94 điểm xuống 48,51 điểm. Thanh khoản đạt 4,9 ngàn tỷ đồng
V. Hà