Ngay sau khi giành lại được độc lập, bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế.

Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau đó hơn 1 tháng, ngày 17/10/1945, Bác Hồ đã gửi điện văn cho Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman, đề nghị phía Mỹ công nhận nước Việt Nam.

Trong hai năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes.

Trong chuyến thăm Mỹ vào 7/2013, tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu với Tổng thống Obama bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Truman ngày 16/2/1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ.

Đến tháng 5/2022, nhân dịp thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, ở thủ đô Washington DC, trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ đã nhấn mạnh quan hệ hai nước có lịch sử đặc biệt, ngay từ khi Việt Nam mới giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Truman, trong đó đặc biệt là lá thư ngày 16/2/1946.

Bức thư gốc hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ.

Bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ Truman ngày 16/2/1946.

Bức thư ngày 16/2/1946, Bác viết: “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư viết, mục tiêu của Việt Nam là độc lập hoàn toàn và hợp tác đầy đủ với Mỹ: "Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Trước đó, trong thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28/10/1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”.

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18/1/1946.

Cuối thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng “Mỹ sẽ giúp nhân dân Việt Nam đạt được độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước” và cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Mỹ, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Năm 1969, khi Mỹ ngày càng sa lầy và chịu tổn thất nặng nề cũng như sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và cả trong chính nước Mỹ, Tổng thống Richard Nixon đã phải gửi bức thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/7/1969 thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Thư của Tổng thống Richard Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/7/1969 (trái) và thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 25/8/1969. 

Và hơn 1 tháng sau, tuy sức khỏe suy yếu nhiều, Bác vẫn dành tâm nguyện cho dân cho nước, cho nền độc lập của dân tộc khi gửi lá thư phúc đáp tới Tổng thống Mỹ.

Nội dung thư Bác viết: "Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự...

Trong thư, ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài". 

Chiến tranh đã ngăn lại những bước hợp tác từ hai phía và mọi thứ chỉ thực sự được khởi tạo và phát triển khi ngày 12/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhìn xa hơn về quá khứ để thấy rằng, qua những bức điện/thư với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gần 80 năm trước Bác Hồ đã luôn có ý nguyện về mối quan hệ “hợp tác đầy đủ” hai nước Việt Nam và Mỹ.

Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 8/9, về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, đây là cột mốc rất quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư tháng 2/1946 gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, đó là Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ.

Trần Văn Thường, Lê Thị Thuý Tình, Bùi Thị Thu Hiền

Việt -  Mỹ: Cơ hội lớn để tiến xa và thực chất hơn

Việt - Mỹ: Cơ hội lớn để tiến xa và thực chất hơn

Đại sứ Hà Huy Thông nhận định, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden là cơ hội lớn để hai nước thúc đẩy quan hệ tiến xa hơn, thực chất hơn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Việt - Mỹ và hành trình trở thành bạn hữu

Việt - Mỹ và hành trình trở thành bạn hữu

Gần 30 năm kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, tuy nhiên, giao lưu nhân dân hai nước đã có từ rất lâu, kể cả khi người dân bị ngăn cách bởi chiến tranh.