Người Việt đã có nhận thức về chuyển đổi số, tuy nhiên không đồng đều
Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, T.S. Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện KHCN Vinasa - VSTI cho biết, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, tác động sâu rộng trên phạm vi toàn cầu và là một thực tế khách quan.
Nền kinh tế số, dựa trên kết nối và dữ liệu với các mô hình kinh doanh đột phá, sáng tạo cùng với các biến động địa chính trị đang biến đổi nhanh chóng các chuỗi cung ứng, tiến tới một hình thái kinh tế hiệu quả hơn.
Mạng máy tính, robot, AI, chuỗi khối… đang thay đổi quan hệ của con người với con người, thay đổi các hệ giá trị truyền thống. Xã hội số đang hình thành với nhiều cái tốt mới và đồng thời nhiều cái xấu mới.
Trong bối cảnh đó, công nghệ số hiện đại cho phép chính phủ tối ưu hóa hơn nữa hoạt động của mình, ứng dụng công nghệ để chuyển từ xây dựng chính phủ điện tử sang chính phủ số, chuyển từ cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng sang cung cấp các dịch vụ thông tin cho xã hội và nền kinh tế.
TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện KHCN Vinasa - VSTI. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Nguyễn Nhật Quang, thông điệp được nhấn mạnh nhất trong nhiệm kỳ này của Chính phủ là “chính phủ kiến tạo” và thực tế đã đạt được nhiều thành tựu về cải cách thể chế, lề lối làm việc.
Những năm qua, Chính phủ đã đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền điện tử và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đi làm các thủ tục hành chính.
Về lưu chuyển văn bản quản lý, bước đầu Việt Nam đã có hệ thống báo cáo từ cấp bộ ngành lên chính phủ. Nhiều địa phương đã triển khai mạnh các đề án dịch vụ hành chính công điện tử đạt mức 3, 4.
Một thành tựu quan trọng khác là Chính phủ đã nhận thức rất sớm về thời cơ, thách thức liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.
Các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã có nhận thức bước đầu về tính cấp thiết phải chuyển đổi số. Các bộ, ngành như Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch đầu tư và đặc biệt là Bộ Thông tin & truyền thông đã có nhiều quyết sách hướng tới đổi mới sáng tạo và tương lai số. Những cơ quan này đang thực sự đóng vai trò kiến tạo trong nỗ lực chuyển đổi số quốc gia.
Tuy vậy, có một thực tế là hiện nay các bộ, ngành, địa phương có nhận thức chưa đều về chuyển đổi số và chính phủ số, chính quyền số.
Chia sẻ về nội hàm của chính phủ kiến tạo tương lai số, TS Nguyễn Nhật Quang cho rằng, khi toàn bộ nền kinh tế và xã hội chuyển lên môi trường số, trở thành “kinh tế số” và “xã hội số”, Chính phủ cũng phải chuyển đổi số để quản lý theo kịp sự phát triển.
Nói cách khác, nếu “năng lực số” của Chính phủ không cao, sẽ không thể quản lý được “kinh tế số” và “xã hội số”. Do vậy, Việt Nam cần ưu tiên đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ số, không chờ làm xong chính phủ điện tử mới làm chính phủ số.
TS Nguyễn Nhật Quang chia sẻ suy nghĩ của mình về tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Những kiến nghị để biến Việt Nam trở thành quốc gia số
Theo TS Nguyễn Nhật Quang, trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4 và chuyển đổi số đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, quốc gia nào có môi trường pháp lý phù hợp với “tương lai số” sẽ có cơ hội bứt phá.
Ở một thế giới như vậy, khát vọng về một Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong tương lai số chỉ có thể đạt được nếu chúng ta có một thể chế kinh tế xã hội được chủ động “thiết kế” cho phù hợp với môi trường mới. Điều đó cũng có nghĩa, Chính phủ cần chuyển mạnh tư duy từ “quản lý theo kịp phát triển” sang “quản lý kiến tạo phát triển”.
Để đẩy nhanh chuyển đổi số kinh tế và xã hội một cách nhanh chóng, tiết kiệm trên quy mô lớn, TS Nguyễn Nhật Quang cho rằng, chính phủ kiến tạo cần tập trung đầu tư vào hạ tầng thông tin, hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng nhân lực, hạ tầng pháp lý và hạ tầng dữ liệu.
Chính phủ cũng cần coi hạ tầng thông tin quốc gia là hạ tầng trọng yếu, hạ tầng của hạ tầng, là “hệ thần kinh” của quốc gia. Các hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác sẽ được thông minh hóa trên cơ sở một hạ tầng thông tin quốc gia hiệu quả, an toàn, hướng tới một quốc gia thông minh.
Theo TS Nguyễn Nhật Quang, Việt Nam cần đổi tư duy “quản lý theo kịp phát triển” sang “quản lý kiến tạo phát triển”. Ảnh: Trọng Đạt |
Để chuyển đổi số quốc gia, chính phủ cần ưu tiên đầu tư và huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng thông tin an toàn, thống nhất và dùng chung.
Hạ tầng dữ liệu chiếm vị trí trung tâm trong chuyển đổi số. Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia, đồng thời xây dựng “Luật thông tin và dữ liệu số”.
Quốc gia số đòi hỏi công dân số. Việt Nam cần ưu tiên chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo, bao gồm cả giáo dục phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp. Điều này là để đảm bảo các công dân, nguồn nhân lực tương lai được trang bị các năng lực cần thiết để thích nghi một cách hiệu quả với tương lai số.
Theo TS Nguyễn Nhật Quang, hạ tầng thông tin quốc gia không thể xây dựng trong một thời gian ngắn. Phương thức hữu hiệu để xây dựng một quốc gia thông minh phải là “cấy gene” thông minh thông qua công tác quy hoạch, quy chế và quy chuẩn.
Để các thành phần đầu tư mới thông minh ngay từ đầu, các hạ tầng đã có phải được ưu tiên “thông minh hóa” cùng với hoạt động nâng cấp, mở rộng, cải tạo. Do vậy, Chính phủ cần rà soát, cập nhật các chương trình, quy hoạch, kế hoạch ở tất cả các cấp để đảm bảo tương thích với tương lai số.
Trọng Đạt
"Doanh nghiệp công nghệ phải giành lại thị trường, đưa Việt Nam phát triển đột phá"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: 'Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam ở mức dưới 10%. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ số từ 15-20% và thậm chí là nhanh hơn nữa.'