{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng Khai mạc Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020. Sự kiện  thu hút khoảng 1.000 đại biểu 

Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 (diễn ra tại Hà Nội ngày 23/12) là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Diễn đàn lần 2 này có hai phiên thảo luận - là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phá để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. 

Trước đó, Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019 cũng gây chú ý bởi thông điệp "Make in Vietnam", thu hút hơn 1.000 khách mời trong nước và quốc tế.

Sau đây là nội dung tường thuật Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020:

PHIÊN KHAI MẠC: 

Video tường thuật khai mạc Diễn đàn và lễ trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam sáng 23/12:

 

Tham quan gian hàng "thành tựu số của người Việt"

Có mặt từ rất sớm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều đại biểu dành thời gian tham quan toàn bộ các gian trưng bày, trình diễn các sản phẩm công nghệ số. Đây là các ứng dụng được sáng tạo và phát triển bởi người Việt để ứng dụng và giải quyết các bài toán về phát triển kinh tế xã hội mà Việt Nam đang đối mặt. Khu trưng bày kéo dài dọc hành lang hội trường.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 2 từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng diễn đàn 

Trong thư, Thủ tướng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với hơn 60.000 doanh nghiệp là một động lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Trong một năm đầy thách thức như 2020, doanh nghiệp công nghệ số đã phần nào thể hiện vai trò, cùng với những cánh chim đầu đàn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh của Việt Nam.

Thủ tướng: "Doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo"

Thủ tướng: "Doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo"

 

 "Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần đi tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc chuyển đổi công nghệ số vì một Việt Nam hùng cường", lá thư viết.

Cuối thư, Thủ tướng kỳ vọng với những hỗ trợ từ Chính phủ và cơ hội mới, cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

"Không Make in Vietnam thì không thể hùng cường thịnh vượng"

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược Make in Vietnam trong sự phát triển của đất nước. Ngay từ những câu đầu tiên, ông nhấn mạnh "Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng".

Một năm sau khi thực hiện chiến lược, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. "Đây là con số kỷ lục! Những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được giương cao. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025", ông nhấn mạnh.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020


Theo ông, Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19 suốt gần một năm qua: "Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này".

Make in Vietnam: Hãy kể câu chuyện Việt Nam của mình

Make in Vietnam: Hãy kể câu chuyện Việt Nam của mình

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hãy Make in Vietnam và kể câu chuyện Việt Nam của mình.

 

Một trong những bước tiến được ông nhấn mạnh là Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G, theo ông đây là kết quả của sự lao động sáng tạo và quyết tâm bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

Bộ trưởng cho biết, chiến lược của Việt Nam trong tương lai là xây dựng một Việt Nam số. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn. Lời giải vấn đề là công nghệ mở. Năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Chính vì vậy Make in Vietnam sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp cho nước ta phát triển.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng kêu gọi: "Mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc".

PHIÊN 1 - BÁO CÁO CHÍNH:

Con đường Make in Vietnam của Viettel

Câu chuyện Viettel - doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng những thành tựu được ông Nguyễn Thanh Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ tại diễn đàn.

Hơn 30 năm, từ một công ty xây lắp nhỏ thành lập năm 1989, đến nay, Viettel là tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam nhờ chuyển đổi số. Trong dịch Covid-19, doanh số không tăng trưởng âm, tỷ trọng đóng góp doanh thu từ các lĩnh vực chuyển đổi số, các ứng dụng trong nước và 10 thị trường nước ngoài đã bù đắp cho doanh thu ảnh hưởng.

Đến nay, Viettel có doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 40 nghìn tỷ đồng, vào top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Thương hiệu viễn thông của Viettel đứng số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 28 của thế giới.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel).

Tập đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức văn hoá và xây dựng nhân tài. Từ năm 2019,  tái cơ cấu tổ chức, thành lập các tổng công ty chuyên trách về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Viettel xây dựng văn hoá số với các đặc tính như linh hoạt, sáng tạo, hướng tới khách hàng, tư duy số, văn hoá mở... Tập đoàn chú trọng chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ công nghệ thông tin, công nghệ cao với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Trong top 100 cao thủ thế giới của lĩnh vực an ninh mạng, có 4 người làm tại Viettel.

Viettel còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ quản trị nội bộ, đồng nhất, thông suốt, áp dụng công nghệ hiện đại với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Viettel số hoá 100% văn bản giấy tờ, giải phóng 50% công việc thủ công, tự động hoá 30-40% các tác vụ.

Với hạ tầng mạng, Viettel đã phủ sóng tới 100% các xã và 95% dân số cả nước, là hạ tầng 4G lớn nhất Việt Nam, đang bắt đầu giai đoạn xây dựng và phát sóng mạng 5G. Tập đoàn sở hữu hệ thống data center chuẩn tier III, IV.

Hệ sinh thái sản phẩm số cung cấp dịch vụ B2C, B2B trải dài trên nhiều lĩnh vực như tài chính (Viettelpay), digital marketing, OTT (Mocha, Keng), Chăm sóc khách hàng (MyViettel, Viettel++), Chính phủ điện tử, SmartCity, dược phẩm, tiêm chủng...

Đặc biệt, trong dịch Covid-19, Viettel đã triển khai ứng dụng Telehealth, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, trong 2 tháng đã triển khai với quy mô hơn 1.000 điểm, tiến tới sẽ mở rộng tới 4.000 cơ sở y tế cấp xã phường. Mới đây, cuộc gọi 5G đầu tiên của Viettel đã khởi động tại Hà Nội và TP HCM.

Đại diện Viettel cũng đưa ra kiến nghị, việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời thu hút các công ty công nghệ thế giới trên thế giới, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi để xây dựng trung tâm tại Việt Nam, có cơ chế, chính sách xây dựng thúc đẩy thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước, ưu tiên các doanh nghiệp Việt đảm nhận xây dựng các giải pháp an ninh mạng, hạ tầng trọng yếu.

"Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ thế giới"

Trong 15 phút, người đứng đầu Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình đã có những chia sẻ tâm huyết về hành trình phát triển của nền công nghệ Việt Nam. 

Chia sẻ 3 câu chuyện khát vọng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, ông Bình nhắc lại thời điểm khởi đầu của FPT cách đây 20 năm. Tập đoàn lúc đó đứng trước nhiều khó khăn đã quyết định vươn ra thế giới từ rất sớm với đội ngũ kỹ sư công nghệ giàu nhiệt huyết. Tuy nhiên những công ty mở cửa tại Silicon Valley (Mỹ) đều phải đóng cửa vì không tạo ra doanh thu. Nhiều năm sau công ty đầu tiên của FPT mở tại Nhật Bản mới có lãi.

Từ không có khách hàng nào, FPT nay đã có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ.

{keywords}
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT trình bày tham luận.

Theo ông Bình, lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác.

"Sự thật là Việt Nam đã có tên ở trên bản đồ số thế giới", Chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định.

Đến giai đoạn 2, khi cả thế giới hướng về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Việt Nam lại đứng trước một cuộc đua mới, nhưng công bằng hơn về điểm xuất phát. 3 năm trước, FPT đã đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số là robot tự động hoá. FPT xây dựng akabot, giúp doanh nghiệp tự động hoá quy trình.

"Chúng tôi ban đầu xây dựng 135 con akabot để xử lý 135 tác vụ. 50 doanh nghiệp thế giới đã đặt mua akabot của FPT. Sản phẩm này đang nằm trong top 6 hay nhất thế giới", ông Bình chia sẻ.

Kể câu chuyện cuối cùng về tương lai, ông Bình nói kinh tế số là sản phẩm nền tảng và chia sẻ. Lợi thế của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng, quá trình trung gian có thể bỏ qua mà đi thẳng lên chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, startup dễ dàng cùng nhau xây dựng sản phẩm cho người dân, Chính phủ.

Câu chuyện phát triển AI trong y tế của VinBrain

Rời bỏ vị trí cấp cao tại Microsoft AI về Việt Nam sau 36 năm sống và làm việc tại nước ngoài, ông Trương Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty VinBrain chia sẻ 3 câu chuyện phát triển AI trong lĩnh vực y tế với tên gọi Biết, hiểu và cảm.

Câu chuyện đầu tiên - "Biết" được đại diện Vinbrain kể về sự nhận biết tầm quan trọng của một hệ thống trong lĩnh vực y tế. Theo ông, hiện nay có khoảng 2 tỷ người trên thế giới bị chẩn đoán sai, dẫn đến hàng loạt hệ quả tiêu cực trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, bài toán AI cho ngành y tế chưa có định vị, các giải pháp cho lĩnh vực này chỉ nhận được đầu tư rải rác trên thế giới. "Ai cũng biết điện thoại thông minh với những doanh nghiệp hàng đầu là Samsung, Apple, nhưng Ai cho y tế, chưa nghe thấy tên tuổi đứng đầu", ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.

{keywords}
Ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc VinBrain.

Câu chuyện thứ hai là "Thấy". Ông cho biết trong thời gian về Việt Nam chăm sóc mẹ do bị đột quỵ, nhận thấy nỗi khổ của các bệnh nhân phải xếp hàng trong bệnh viện từ 3-4h sáng để đợi khám bệnh. Ông cái nhìn rõ hơn tương lai và sứ mệnh của mình. Thay vì là một người Việt Nam hợp tác với các kỹ sư nước ngoài để thay đổi thế giới, ông trở về nước và xây dựng AI trong y tế.

Theo ông, tại Việt Nam, những thách thức cho AI trong y tế là dữ liệu nằm rải rác ở các vùng miền, kiến thức của các bác sĩ thiếu đồng bộ do sự khác biệt trong môi trường đào tạo và kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, Covid-19 đã phản ánh một cách đặc biệt về Việt Nam với một đội ngũ bác sĩ giỏi và Chính phủ phản ứng tốt. Hệ thống 5G và đám mây sẽ giúp Việt Nam phát triển cao trong AI. Chính phủ đã có một tầm nhìn sâu rộng, đặt quyết tâm vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Nếu phát triển AI trong y tế, các bác sĩ làm việc với nhau hiệu quả và đồng bộ hơn.

Câu chuyện cuối cùng là "Cảm". Người đứng đầu VinBrain cho biết, AI trong y tế sẽ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh và mang đến ý nghĩa cho cộng động. Đồng thời đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số trong y tế, không phim cứng, bệnh án giấy, tạo ra môi trường làm việc nhanh chóng, liên kết hiệu quả cho bác sĩ và bệnh nhân.

Ông Trương Quốc Hùng cho biết, hướng đến giải quyết bài toán cho cộng đồng là một ước mơ. "Hành trình thực hiện ước mơ cũng gắn liền với nỗi sợ thất bại và mất mát, nhưng khi cảm nhận được điều mình đang làm mang lại ý nghĩa trong cộng đồng thì sẽ học được cách trân trọng, yêu những gì mình làm ra".

Tại VinBrain hiện nay, 95% nhân lực là những người Việt Nam từ nước ngoài cùng hơn 50 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đầu ngành tại Việt Nam và hội đồng chuyên môn gồm các bác sĩ, giáo sư đầu ngành Đây là đội ngũ đang hợp sức để xây dựng sản phẩm AI cho y tế của Vietnam đạt chuẩn quốc tế và mang chất lượng của người Việt, với 18 loại bệnh có thể chẩn đoán, nhận 3 bằng sáng chế ở Mỹ và Việt Nam chỉ sau một năm triển khai.

Tuy nhiên để phát triển hơn nữa hệ thống AI trong y tế, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh: "AI sẽ không hoàn hảo nên cần sự phát triển thí điểm đánh giá và kết hợp trí tuệ với các doanh nghiệp hàng đầu".

Vị đại diện VinBrain nhận định, dự án AI luôn cần sự hẫu thuẫn của Chính phủ, bộ, ban ngành trong chế tài về phát triển công nghệ. Để làm AI tốt cần dữ liệu lớn và sạch để tránh rải rác, vì vậy ông kêu gọi sự ủng hộ về chia sẻ dữ liệu để xây dựng thành công cho y tế.

Ngân hàng mở trong kỷ nguyên số

Đại diện đến từ giới ngân hàng, ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank chia sẻ về kinh nghiệm thiết lập nền tài chính số Make in Vietnam trong chính ngân hàng này.

Là một ngân hàng non trẻ, thành lập năm 2008, 4 năm đầu xếp chót trong bảng xếp hạng các ngân hàng thương mại, nhưng chuyển đổi số, hướng về công nghệ là định hướng ngay từ những ngày đầu của TPBank, đặc biệt khi có cổ đông là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như FPT, Mobifone, Softbank.

"TPBank định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số, vì không có sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời", đại diện nhà băng chia sẻ.

Định hướng này đem lại nhiều thành tựu, minh chứng bằng việc từ vị trí đứng thứ 42 trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam, hiện TPBank là 1 trong 10 ngân hàng vững mạnh nhất về chất lượng, với tổng tài sản hơn 200 nghìn tỷ, bình quân tăng trưởng 30-40% mỗi năm, nhưng số nhân sự chỉ tăng 4-5%, vì các lao động giản đơn được thay thế bằng công nghệ.

{keywords}
Ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank.

Hiện TPBank là khách hàng lớn nhất của FPT Akabot, với 70 robot hoạt động ở từng quy trình khác nhau, có thể tương đương vài nhân sự toàn thời gian đến hàng trăm nhân sự, hoạt động liên tục.

Theo ông Hưng, ngân hàng trong thời đại mới chuyển dịch từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống như huy động, cho vay vốn sang coi khách hàng là trung tâm, dữ liệu là quan trọng. Sắp tới, một số nghiệp vụ của ngân hàng sẽ bị thay thế, chuyển từ mô hình truyền thống sang công nghệ mới, tự động hoá, sử dụng công nghệ, trí thông minh nhân tạo.

"Ngân hàng phải xây dựng hệ sinh thái, kết nối với các ngân hàng khác, fintech, doanh nghiệp, nhà bán hàng, nền tảng thương mại điện tử... Ngân hàng đang dần dần trở thành ngân hàng mở. ", đại diện TPBank nhấn mạnh.

Tại TPBank, ngân hàng này có hệ thống Livebank giao dịch tự động 24/7 từ năm 2017, hiện có 330 điểm giao dịch toàn quốc. 3 Livebank có thể tương đương một chi nhánh, mang lại trải nghiệm chưa từng có cho khách hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ, lấy pin... lấy ngay, đảm đương 80% giao dịch truyền thống.

Đặc biệt, hệ thống sử dụng Big Data, AI, Machine learning, dùng khuôn mặt và vân tay để giao dịch, không cần giấy tờ, tài liệu.

Bên cạnh các sản phẩm dịch vụ, TPBank thực hiện số hoá ngay trong quy trình nội bộ, "phải số hóa, paperless". Ông Hưng cho biết, 90% hoạt động của TPBank hiện không cần dùng giấy tờ. 70 robot triển khai trong ngân hàng, dự kiến tăng lên 140 robot trong năm sau.

Với ứng dụng Big Data, Blockchain... theo ông Hưng, TPBank là ngân hàng duy nhất mà các chứng từ, hồ sơ nhận diện bằng OCR, áp dụng vào các giao dịch trên kênh số và quầy giao dịch, cho phép khách hàng truy cứu lịch sử giao dịch... hay chuyển tiền từ Hàn, Nhật qua công nghệ blockchain.

"Phương châm của TPBank là nghĩ lớn, làm từ việc nhỏ, triển khai thành công, nhân rộng sang các lĩnh vực khác. Làm sao để mọi người nghĩ chuyển đổi số không quá khó khăn", đại diện TPBank chia sẻ.

'Khách hàng dùng sản phẩm Việt là thúc đẩy kinh tế số Việt'

Đại diện cho nền kinh tế chia sẻ, bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group dành nhiều thời gian để nói về công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp.

"Công nghệ số xoá đi khoảng cách giữa những lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp. Công nghệ số tạo ra kinh tế số với một tiềm năng rất lớn", bà Hoàng Phương mở đầu.

Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài mang đến những giá trị trước mắt, bà Phương nhận ra rằng nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi sẽ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới.

{keywords}
Bà Nguyễn Hoàng Phương - Tổng giám đốc Be Group.

Với bản thân Be Group, ứng dụng gọi xe đến ngày hôm nay sở hữu 30% thị phần tại Việt Nam, được cho là nỗ lực lớn của một doanh nghiệp Việt trước các đối thủ lớn. Bà Phương mong muốn xây dựng một mạng lưới với vận chuyển, logistics, giao thông, tài chính thanh toán, du lịch. Hệ sinh thái này đảm bảo tính hoàn thiện cho khách hàng khi không phải sử dụng thêm nhiều các ứng dụng khác.

Be đang phát triển từng yếu tố trong hệ sinh thái của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của khách hàng. Trong 2 năm vừa qua, Be cũng gặp một số khó khăn nhất định. Bà Phương cho rằng khối nội phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đang thâu tóm lẫn nhau, sáp nhập dẫn đến tình trạng độc quyền.

"Chúng tôi hy vọng sẽ có những chính sách tốt hơn cho doanh nghiệp thuần Việt song song với quy định chung. Các startup là những mầm cây, khi bước ra khỏi vườn ươm, chúng tôi mong muốn nhận nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ và khách hàng", bà Phương nói.

Make in Vietnam đặt chất lượng lên hàng đầu

Với phần trình bày về "Niềm tin vào Make in Vietnam", ông Phạm Kim Hùng - Founder & CEO của Base.vn nêu quan điểm về phát triển sản phẩm, tương lai của công nghệ được phát triển bởi Việt Nam từ nhiều năm khởi nghiệp.

Thành lập vào 4 năm trước, khi là một công ty non trẻ, các giải pháp do Base phát triển bị từ chối bởi 100% khách hàng. Tuy nhiên, điều đó đã không khiến đội ngũ phát triển dừng bước, bởi "Chúng tôi có một niềm tin rằng công nghệ, phần mềm sẽ là tương lai của thế giới, và một sản phẩm tốt nhất định sẽ có ngày được đón nhận".

Niềm tin vào các sản phẩm tốt, và trong thị trường luôn có chỗ cho các công ty tin vào sáng tạo sản phẩm đã giúp Base phát triển và hiện phục vụ 5.000 công ty lớn trong và ngoài nước.

{keywords}
Ông Phạm Kim Hùng - Founder & CEO của Base.vn

Sau nhiều năm được nghe chia sẻ của 5.000 CEO với hàng nghìn bài toán quản trị mà họ đang gặp phải và chưa thể tìm được lời giải tốt hơn, Base.vn tin rằng các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trên thế giới.

Trong 4 năm qua, Base đã giúp các doanh nghiệp khách hàng hoàn thành 8 triệu công việc, thực hiện 13 triệu lượt tương tác hàng tháng. Để đảm bảo sức cạnh tranh cho các sản phẩm Make In Vietnam, Base cho biết các doanh nghiệp cần phải đặc biệt tập trung vào sản phẩm.

Ông Phạm Kim Hùng cho biết: "Một thực tại mà chung tôi nhận ra là các công ty Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ không những trong nước mà còn trên thế giới. Để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung phát triển sản phẩm, luôn làm việc để kiến tạo các sản phẩm tốt hơn trước".

Theo ông, Make In Vietnam là phải tìm ra cách để phát triển sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh. Nếu không đảm bảo chất lượng sẽ công thể cạnh tranh một cách lâu dài. Các sản phẩm chuyển đổi số được tạo ra phải có chất lượng tốt nhất.

Kết thúc phần trình bày, đại diện Base.vn nhấn mạnh: "Make in Vietnam là sự kế thừa. Đây không chỉ là tinh thần mà còn thôi thúc để các công ty kiến tạo các sản phẩm tốt hơn để Việt Nam và thế giới sử dụng".

Vinh danh các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải Nhất nền tảng số xuất sắc nhất cho ông Phạm Kim Hùng, CEO Base.vn.

Đây là năm đầu tiên Bộ Thông tin Truyền thông trao giải thưởng sản phẩm số Make in Vietnam. Giải thưởng gồm 5 hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc, Nền tảng số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số, và Sản phẩm số tiềm năng. 50 sản phẩm vào Top 10 ở mỗi hạng mục đều là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao giải nhì sản phẩm số xuất sắc cho sản phẩm AI trợ lý bác sĩ DrAid của VinBrain.

14 sản phẩm được vinh danh đều mang đến các giải pháp tiêu biểu, giúp ích cho cộng đồng, thể hiện chất xám, và trình độ công nghệ của Việt Nam và có sức cạnh tranh với thế giới:

Giải thưởng tiềm năng công nghệ số:

- Giải Nhất: AI Smart Warning - nhận diện và đưa ra cảnh báo qua camera AI giám sát.

- Giải Nhì: Mô phỏng 3D cơ thể người - "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" của trường Đại học Duy Tân.

Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số:

- Giải Nhất: VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh.

- Giải Nhì: Vỏ sò - sàn thương mại điện tử của Viettel Post.

- Giải Ba: Hocmai.vn - dịch vụ giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông từ lớp một đến lớp 12.

Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc:

- Giải Nhất: OneATS - giải pháp số của Công ty One ATS

- Giải Nhì: AI trợ lý bác sĩ DrAid - nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác trong X-quang.

- Giải Ba: Viettel OCR - giải pháp nhận diện ký tự tiếng Việt, chuyển từ ảnh sang text.

Giải thưởng sản phẩm số xuất sắc:

- Giải Nhất: Akabot 2 - giải pháp tự động hoá cho từng quy trình của doanh nghiệp.

- Giải Nhì: Viettel Pay - nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

- Giải Ba: VNPT eKYC - nền tảng xác thực danh tính người dùng bằng công nghệ hiện đại.

Giải thưởng nền tảng số xuất sắc:

- Giải Nhất: Base.vn - nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp số

- Giải Nhì: Be - ứng dụng gọi xe công nghệ

- Giải Ba: FPT.AI - nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện

'Make in Vietnam không hàm ý Việt Nam sẽ làm tất cả'

Phát biểu kết thúc phiên làm việc buổi sáng của Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng tới các doanh nghiệp đạt giải trong cuộc thi, nhưng đề nghị hội trường dành tràng pháo tay dài hơn cho tất cả 239 sản phẩm đã mạnh dạn, tự tin tham gia vào giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Việt Nam lần đầu tiên do Bộ TT&TT tổ chức. "Dù được vinh danh hay không, đây là điều chúng ta trân trọng. Chúc mừng Bộ TT&TTđã tổ chức diễn đàn, chính thức định danh cộng đồng doanh nghiệp số - một bước đầu rất quan trọng", Phó Thủ tướng nói.

{keywords}
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn.

Chia sẻ điều đặc biệt của ý nghĩa con số 12 trong ngày 12/12, được đề nghị là ngày doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Phó Thủ tướng nói: "Số 1 và số 2 đặt cạnh nhau như nhịp bước mốt hai mốt. Ngày 12 nằm trong ý tưởng ấy, chúng ta cần đồng lòng, đồng sức, bước cùng nhau để không chỉ đi xa hơn, mà còn đi nhanh hơn nữa".

Người Việt Nam được khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, thôi thúc từng bước làm chủ công nghệ, chủ động để sáng tạo ra các giải pháp mới, thiết kế sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam.

"Việt Nam không đứng đầu thế giới về trình độ y tế, nhưng chúng ta chống được đại dịch Covid-19, điều mà nhiều nước phát triển chưa làm được. Chúng ta vẫn cảnh giác và không chủ quan, có giải pháp của mình, với tâm thế biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, hạn chế là gì, từ đó có giải pháp đúng, nhanh và kịp thời. Kết quả này là tập hợp của cả đội ngũ chuyên gia, kể cả những người không làm y tế, và nhờ công nghệ", Phó Thủ tướng lấy ví dụ.

"Nói đến Make in Vietnam, chúng ta không mong muốn, hàm ý Việt Nam sẽ tự làm tất cả. Việt Nam cần đặt mình là một phần của thế giới, về công nghệ thông tin, kinh tế, xã hội, với tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế. Tinh thần này luôn luôn phải tiếp tục", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

"Không lạc quan tếu"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam có quyền tự tin để phát triển và thực hiện chiến lược về công nghệ. "Chúng ta không lạc quan 'tếu', nhưng nếu tự tin và đồng lòng thì có thể làm được". Phó Thủ tướng nhận định và cho biết, một trong những điểm Việt Nam có thể tự tin là sự phát triển mạnh mẽ trong giáo dục và chỉ số sáng tạo.

"Dù chúng ta không hài lòng giáo dục nước nhà, nhưng trong con mắt thế giới, giáo dục Việt Nam vẫn rất tốt, giáo dục phổ thông tiệm cận chuẩn giáo dục của OECD, giáo dục đại học từng bước nâng hạng. Các chỉ số khác trên bảng xếp hạng quốc tế như thu nhập bình quân, GDP... chúng ta đều đứng thứ 70 - 80, nhưng chúng ta có chỉ số giáo dục khá cao, đặc biệt đổi mới sáng tạo luôn nằm trong top 50", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng cho việc Việt Nam có thể tự tin về giáo dục và sáng tạo để phục vụ sự phát triển công nghệ.

Ông cho biết, sự tự tin về lòng yêu nước cũng sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh hơn, khơi dậy sự sáng tạo và sức mạnh toàn dân để vượt qua những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua. "Dù không hài lòng, chúng ta vẫn thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới trong hơn 20 năm qua", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm nay, xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đứng thứ 49 trên thế giới. Nếu đối chiếu khát vọng chung của thế giới với Việt Nam thì rất phù hợp với các tiêu chí từ hoà bình, chăm lo cho những người yếu thế đến bảo vệ thiên nhiên. "Tại sao một quốc gia thu nhập trung bình ngoài 100 nhưng phát triển bền vững dưới 50, điều này thể hiện tính ưu việt của chính sách và hệ thống chính trị", Phó Thủ tướng nói. Từ những yếu tố trên, đội ngũ công nghệ số có thể tự tin để phát triển nhanh hơn, đẩy mạnh tốc độ phát triển.

Ngành công nghệ là một trong những lĩnh vực được đầu tư để Việt Nam tạo ra sự phát triển bứt phá, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp 100 năm thành lập nước. Phó Thủ tướng cho rằng, phần lớn tất cả các sản phẩm được vinh danh trong sự kiện hôm nay đều hướng đến các nhu cầu thiết yếu của con người như sức khoẻ, học tập, giao thông, vui chơi. Nếu làm tốt sẽ góp phần giúp đất nước phát triển bền vững.

Ông nhấn mạnh Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển, trong đó công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong.

"Cùng nhau đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về công nghệ"

Là người chia sẻ cuối trong phiên sáng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn đến tất cả các diễn giả và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. "Ngày hôm nay chúng ta hãy cùng nhận sứ mệnh mà Phó Thủ tướng giao để phát triển kinh tế, đất nước", ông Hùng nói.

Theo Bộ trưởng, phải đặt những mục tiêu cao để biến những điều không tưởng thành khả thi. Từ những câu chuyện cách đây hàng chục năm, Việt Nam thuê công ty nước ngoài tạo dựng nền móng để thấy rằng không gì là không thể. Trong một bối cảnh thế giới biến động, cơ hội cho Việt Nam là rất lớn.

"Vì thế chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về công nghệ và là nước phát triển vào năm 2045", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.

Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tạm nghỉ trưa và sẽ tiếp tục phiên làm việc buổi chiều từ 13h30. Tại đây, các diễn giả đến từ những doanh nghiệp hàng đầu sẽ bàn thảo về con đường phát triển Make in Vietnam và cách các doanh nghiệp số thúc đẩy phát triển quốc gia.

PHIÊN 2 - CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN MAKE IN VIETNAM (buổi chiều)

Video tường thuật Phiên 2:

'Việt Nam vẫn thiếu không gian cho doanh nghiệp số'

Tiếp nối phiên buổi sáng của Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiều nay với 2 phiên nội dung, các doanh nghiệp sẽ trao đổi về quá trình phát triển ứng dụng sản phẩm, những thuận lợi, khó khăn, cũng như đóng góp nhiều giải pháp để Việt Nam có thể thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi số quốc gia.

{keywords}
Hơn 1.000 khách mời tại Diễn đàn.

Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020, sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Lần thứ hai diễn đàn diễn ra, với 3 phiên thảo luận, đây làn ơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phá để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Doanh nghiệp ngành điện đưa sản phẩm ra thế giới

Phiên 2 diễn ra buổi chiều, bàn về con đường phát triển Make in Vietnam với chia sẻ thực tiễn từ các doanh nghiệp công nghệ Việt. Là người mở đầu, ông Trần Anh Thái, Phó giám đốc công nghệ công ty ATS chia sẻ chặng đường phát triển, đưa sản phẩm vươn ra thế giới của doanh nghiệp này

Là nhà cung cấp giải pháp tự động hóa Trạm biến áp và SCADA/EMS/DMS cho ngành năng lượng tại Việt Nam, các dự án của ATS hiện chiếm tỷ trọng khoảng 38% thị phần lưới điện truyền tải Việt Nam. Theo đại diện ATS, động lực để phát triển công nghệ đến từ truyền thống, bài học ngay trong thời chiến của cha ông: "sáng tạo để chiến thắng".

{keywords}
Ông Trần Anh Thái, Phó giám đốc công nghệ công ty ATS. Ảnh: Cao Tuấn/VNE.

Công ty chú trọng vào yếu tố con người, trong hơn 100 kỹ sư tại ATS, hơn 90% đều từ các trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin hàng đầu như Đại học Bách Khoa Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... 3% là nguồn lực dành cho R&D.

ATS hiện là thành viên của nhiều tổ chức như Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế IEC, với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng, kỹ thuật, có chứng nhận quốc tế. Đơn vị cũng nhận nhiều giải thưởng từ Bộ Khoa học Công nghệ, giải Sao Khuê, Nhân tài Đất Việt.

Đại diện ATS cũng đề xuất các chính sách, trong đó theo ông rào cản kỹ thuật cần tránh làm cản trở các công ty trong nước, ưu tiên cho các sản phẩm Make in Vietnam. Hệ thống điều khiển liên quan đến an ninh quốc gia cần có những quy định liên quan đến các nhà cung cấp.

Việt Nam thiếu không gian cho doanh nghiệp số

Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc VNPT IT cho rằng mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số đến năm 2030, sẽ cần giải quyết khoảng 10.000 vấn đề bởi Việt Nam chưa đủ không gian cho nhiều doanh nghiệp số. Tuy nhiên, ông nói Việt Nam đang đi đúng hướng và có thể dần dần giải quyết mục tiêu này. Với VNPT, trong nhiều năm đã tập trung đầu tư các nền tảng công nghệ mới để khởi đầu nền kinh tế số.

Doanh nghiệp lớn thường có mạng lưới khách hàng lớn và VNPT cũng có đầy đủ các chi nhánh, sản phẩm ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, VNPT thường xuyên tư vấn cho các địa phương, ngân hàng trong việc xây dựng những sản phẩm số sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

{keywords}
Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc VNPT IT trình bày tham luận tại diễn đàn.

Theo ông Ngô Diên Hy, doanh nghiệp lớn có ngân sách để nghiên cứu, thử nghiệm những mô hình hợp tác mới. Nói cách khác, việc tiên phong trong công nghệ khá tốn kém nhưng đem lại nhiều cơ hội. Về đề xuất, kiến nghị, đại diện VNPT IT mong muốn có những cơ chế cụ thể hơn với nhóm doanh nghiệp công nghệ số.

Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp đang sử dụng chữ ký số, còn khá khiêm tốn với quy mô nền kinh tế. "Tôi từng biết một số lãnh đạo doanh nghiệp ngồi ký đến hàng trăm chứng từ mỗi ngày. Khoảng thời gian lãng phí này có thể tiết kiệm nếu chuyển sang chữ ký số", ông Diên Hy nói.

Doanh nghiệp nên chủ động tham gia hệ sinh thái số

Tham gia phiên thảo luận bằng phần trình bày với chủ đề: "Hệ sinh thái doanh nghiệp số, chung tay phát huy nội lực đất nước", ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch công ty MISA đã chia sẻ thông tin chung nhất về tầm quan trọng của việc liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ. MISA hiện là một trong số doanh nghiệp có nhiều sản phẩm trong chuyển đổi số quản lý tài chính, nhân sự... cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Lấy ví dụ về nền tảng MISA AMIS - sản phẩm vừa nhận giải thưởng Make in Vietnam, ông cho biết, nền tảng này giúp kết nối hơn 1.000 đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công ty cung cấp dịch vụ khác. Hơn 175.000 doanh nghiệp đang sử dụng sản phẩm trong hoạt động quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, kinh doanh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, đại diện MISA cho biết, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động là vô cùng lớn. Tuy nhiên mỗi công ty công nghệ chỉ sở hữu một hoặc 2 thế mạnh, và không thể cung cấp dịch vụ toàn diện cho một khách hàng. Chính vì vậy, khách hàng luôn phải sử dụng nhiều nền tảng, dữ liệu không được liên thông, không thuận tiện khi quản lý vận hành.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch công ty MISA trình bày tham luận.

Ông Hoàng nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần tham gia vào nền tảng số, cùng mang lại giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho một công ty. Hệ sinh thái doanh nghiệp số gồm những thành phần như: nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất phần mềm sử dụng nhiều dịch vụ thuê ngoài về tư vấn, đào tạo... Tham gia hệ sinh thái sẽ giúp tạo ra giá trị chung cho cộng đồng.

Đại diện MISA cho biết, hiện nay MISA AMIS đang kết nối với hơn 10 ngân hàng lớn tại Việt Nam. "Một kế toán thường phải dành 4 giờ để xem khách hàng đã trả tiền hay chưa và đối chiếu gạch nợ với bên thu nợ. Khi ứng dụng MISA Bankhub, toàn bộ giao dịch sẽ tự động cập nhật trong phần mềm kế toán và kết nối tự động bằng AI. Thời gian xử lý công việc này rút ngắn còn khoảng 5 phút", ông Hoàng cho biết.

Từ các ví dụ trên, ông nhấn mạnh: "Nếu các doanh nghiệp cùng tham gia hệ sinh thái sẽ giúp chuyển đổi số cho cả một công ty. Các doanh nghiệp nên chủ động tham gia vào hệ sinh thái số để cung cấp sản phẩm toàn diện cho khách hàng".

An ninh an toàn thông tin trong cuộc đua chuyển đổi số

Ông Hà Thế Phương, Phó tổng giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC chia sẻ, an toàn an ninh thông tin là yếu tố quan trọng trên con đường phát triển bền vững của các doanh nghiệp số Việt Nam.

Ông Phương dẫn số liệu, nửa đầu năm 2019, Việt Nam có 67.000 doanh nghiệp mới đăng ký, trong đó 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đóng góp 40% GDP cả nước. "Việt Nam đứng thứ 46 về chuyển đổi kỹ thuật số nhanh, điều này kéo theo vấn đề an ninh thông tin", chuyên gia nhấn mạnh.

Theo thống kê, vào quý I/2020, có 834 nghìn vụ việc lừa đảo, thường nhắm vào các SMEs tại Đông Nam Á. Bối cảnh dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các cuộc tấn công vào doanh nghiệp nhiều hơn. Tại Việt Nam, năm 2019, có 82,5 triệu lượt máy tính nhiễm mã độc.

{keywords}
Ông Hà Thế Phương, Phó tổng giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC.

Theo ông Phương, có 4 lý do khiến việc tấn công mạng trở nên phổ biến với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước hết, việc thực hiện dễ dàng, nhất là khi các doanh nghiệp mới thành lập không đầu tư nhiều về đảm bảo an toàn thông tin. Thứ hai, các hacker muốn sử dụng dữ liệu và tài nguyên từ các SMEs có thông tin, công nghệ mới để phục vụ mục đích. Thứ ba là cạnh tranh không lành mạnh, khi doanh nghiệp muốn triệt hạ, gián đoạn dịch vụ đối thủ. Cuối cùng là mục đích tấn công vào chuỗi cung ứng từ các hacker. Thay vì tấn công các tổ chức lớn, các hacker đi "cửa hậu", tấn công vào các SME cung ứng dịch vụ, giải pháp cho tổ chức lớn này.

Sự chuyển dịch, gia tăng mối quan tâm về an toàn an ninh mạng trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những năm trở lại đây, theo đại diện CMC, đến từ lợi ích tối ưu chi phí vận hành. Các nền tảng điện toán đám mây có thể khai thác nhiều mô hình kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp. Trong đó mỗi đơn vị có thể sử dụng nguồn lực chuyên gia của nhà cung cấp dịch vụ, không cần đầu tư trước về hạ tầng, tiêu chuẩn - trách nhiệm của đơn vị cung cấp. Doanh nghiệp cũng tiếp cận tài nguyên, công nghệ mới hiệu quả hơn.

"Về trách nhiệm của doanh nghiệp lớn, cần tạo ra hệ sinh thái dịch vụ, sản phẩm, với giá trị bền vững lâu dài, kết nối các doanh nghiệp", ông Phương chia sẻ.

Trên 60% điện thoại của Samsung sản xuất tại Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng đối ngoại Samsung Việt Nam mở đầu phần chia sẻ bằng con số ấn tượng: trên 60% tổng điện thoại bán ra của Samsung toàn cầu là sản xuất tại Việt Nam. Từ năm 2008, khi đầu tư vào Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn yếu, trình độ công nghệ và tiếp cận vốn còn hạn chế. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp với khối FDI thấp. Do đó Samsung thường xuyên tổ chức những chương trình hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp nội địa.

{keywords}
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng đối ngoại Samsung Việt Nam.

Năm 2020, Samsung dự kiến có 220 doanh nghiệp nội trong mạng lưới cung ứng của mình ở các lĩnh vực vận tải, an ninh, môi trường. Ông Tuấn cho biết con số này thể hiện năng lực doanh nghiệp Việt đang ngày càng tăng lên.

Trí tuệ nhân tạo đang là trọng tâm mà Samsung nghiên cứu, phát triển và giàu tiềm năng. Doanh nghiệp sẽ tập trung vào công cụ sinh trắc học, trợ lý ảo đồng thời hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam như Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia. Những dự án tương tác kết nối thiết bị, sử dụng sóng điện... có yêu cầu rất cao song hiệu quả mang lại khá rõ rệt.

Trong 1.500 startup của Việt Nam chỉ có 3% thành công bước đầu

Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital chia sẻ những quan điểm về Make in Vietnam từ góc nhìn của nhà đầu tư.

Theo ông, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế tiềm năng, trong đó công nghệ đóng góp vai trò quan trọng cho sự phát triển. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam ngày càng tăng và có thể gấp 5 lần đến năm 2030. Độ tuổi tham gia lao động ở ngưỡng con số vàng, nhiều lợi thế từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại song phương. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết như tỷ lệ thành thị hoá chỉ 35%, chi phí logistics chiếm 25%, phí tạo ra sản phẩm cao hơn nhiều nước trong khu vực.

{keywords}
Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital.

Vị đại diện Vinacapital cũng cho biết, trong hơn 1.500 công ty khởi nghiệp trong nước, có 3% là bước đầu thành công. Đó là các công ty có giá trị trên 10 triệu USD, doanh số 2 triệu USD, với hơn 100 nhân viên và có khả năng gọi vốn vòng sau.

Theo ông có nhiều lý do dẫn đến kết quả này, một trong số đó là sự phối hợp giữa startup với doanh nghiệp lớn còn yếu. Các founder khó khăn khi trình bày ý tưởng và gọi vốn với các doanh nghiệp lớn, chưa kể đến nguyên nhân như quản trị tài chính của các doanh nghiệp nhỏ không sát xao, gây lãng phí. Nhân sự đáp ứng nhu cầu, song chưa đủ để phục vụ sự phát triển.

Ông Hoàng Đức Trung cho biết, nếu nhìn tổng quan, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có khả năng trở thành kỳ lân khởi nghiệp. Tuy nhiên, không ít rào cản kìm chân như: khung pháp lý, thiếu cơ chế để vận hành thử... "Việt Nam có các kỳ lân khởi nghiệp là VNPay, VNG, điểm chung của họ là nhận được sự hỗ trợ của chính phủ về khung pháp lý và vốn", ông nói.

Về thu hút vốn, đa phần vốn cho startup tìm kiếm ngoài, chưa có vốn từ địa phương hay các cấp doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư cho các công ty trong nước. Để thúc đẩy startup gắn với Make in Vietnam, đại diện VinaCapital đề xuất hình thành quỹ địa phương để người Việt đầu tư cho người Việt, huy động nguồn lực trong nước, đầu tư cho các công ty nhỏ và tận dụng nguồn lực của các công ty lớn.

Việt Nam cần tạo ra các bản đồ số để quản lý dữ liệu

Ông Lê Công Thành - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý dữ liệu số. Theo ông, cách mạng thông tin dần bùng nổ và phát triển, thông tin chiếm một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia, và nhân loại đang cạnh tranh về thông tin và dữ liệu.

Để quản lý các không gian số, theo ông cần phải tạo ra các bản đồ số của mỗi quốc gia. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có bản đồ số của riêng mình. Việt Nam có thể tận dụng sức mạnh của các công ty khởi nghiệp. Nếu dữ liệu được coi là một loại "dầu" mới cho sự phát triển, startup có thể là một mũi khoan thăm dò để tìm ra các nguồn dữ liệu mới cho dữ liệu Việt Nam.

PHIÊN 3 - DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA:

Doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận về con đường Make in Vietnam

Sau các bài trình bày của các doanh nghiệp số, trong phần trao đổi thảo luận giữa lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, và đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... trở nên sôi động với nhiều vấn đề phát triển nền kinh tế số được phân tích sâu hơn.

Trả lời câu hỏi đầu tiên của người điều phối về hướng đi của công nghệ tương lai, ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty VinBrain nói AI là trọng tâm của công nghệ số. Bởi AI có khả năng giải quyết nhiều vấn đề có tính lặp đi lặp lại. Trong những bài toán cụ thể như y tế, bản thân Vinbrain cũng đang phát triển những dự án tiên phong.

{keywords}
Đại diện doanh nghiệp cùng các bộ, ngành trong phiên thảo luận buổi chiều.

"Trong quá trình phát triển AI, chúng tôi coi trong yếu tố đội ngũ. Làm sao để mọi người có thể đồng lòng, tạo ra những sản phẩm có tính đột phá không dễ nhưng Vinbrain đã làm được", ông Hùng nói.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ gia công sang làm dịch vụ số, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch MISA chỉ ra những điểm khác biệt nổi bật. Làm sản phẩm Việt khác so với sản phẩm gia công, hay các dự án theo yêu cầu đặt hàng. Một là phục vụ nhiều khách hàng hơn, thứ hai, khách hàng có thể tự triển khai, và theo đúng nghĩa 'Make in Vietnam' là tự nghĩ từ A đến Z, từ ý tưởng, thiết kế, lập trình, đóng gói, triển khai... Việc tổ chức bán hàng, marketing, hỗ trợ khách hàng cũng khác.

"Muốn chuyển đổi, doanh nghiệp cần có tư duy làm sản phẩm, nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng cụ thể, chọn ra tập nhỏ để phục vụ tốt nhất. Sản phẩm phải trau chuốt hơn gấp nhiều lần", ông chia sẻ.

Định hướng của doanh nghiệp này là gộp các nền tảng với nhau thành một nền tảng duy nhất, kết nối với các doanh nghiệp khác, tạo ra một hệ sinh thái.

Tạo điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp

Để giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bản thân mỗi nhân sự cần phải có khát vọng học tập kiếm tiền Theo vị giáo sư với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, các em học sinh phổ thông sẽ có động lực hơn khi tham gia lĩnh vực này.

Ông nhấn mạnh, các trường cần phải định hướng đúng với sở trường và khả năng vì không ít sinh viên muốn khởi nghiệp và kiếm việc làm khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Định hướng đúng để từ đó tạo ra sự thành công của sinh viên và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường.

Về chương trình giảng dạy, theo ông tìm hiểu kinh nghiệm từ nước ngoài thì dễ, nhưng cần phải làm nội dung phù hợp để dạy được ở Việt Nam, tạo điều kiện cho sinh viên làm chủ được kiến thức.

Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa đề xuất xây dựng hệ sinh thái thu hút trường đại học và các doanh nghiệp công nghệ cần nhân lực chất lượng cao tham gia. Trong hệ sinh thái đó, các doanh nghiệp có thể bổ sung kỹ năng mềm, cung cấp trải nghiệm nghề nghiệp thực tế, từ đó giúp ích hơn trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian ngắn để đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay.

{keywords}
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận.

Trả lời câu hỏi của người điều phối về xây dựng hệ sinh thái giữa các công ty công nghệ toàn cầu và Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng đối ngoại, Công ty Samsung Việt Nam cho biết chuyển đổi số cần quan tâm đến nhiều vấn đề.

Đầu tiên với Samsung, con người là yếu tố quan trọng nhất. Người sáng lập Samsung dành 70% thời gian để đi tìm nhân tài, do đó doanh nghiệp luôn tìm cách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Một lượng lớn sinh viên, người Việt Nam học tập ở nước ngoài về nước đang làm việc tại Samsung. "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các trường đại học nhằm tìm kiếm nhân tài thông quan các chương trình đào tạo, cuộc thi", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, những vấn đề xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyển đổi số cũng được Samsung chú trọng.

Chính sách mở cho doanh nghiệp số

Bà Bùi Thu Thuỷ, phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quốc hội vừa thông qua Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2020, so với năm 2015 có nhiều thay đổi lớn, thể hiện tư duy mở. Doanh nghiệp có thể kinh doanh tất cả ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước chưa biết, trừ các lĩnh vực cấm theo luật Đầu tư.

Ngoài ra, còn một số chính sách tạo điều kiện khác như nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào startup sẽ coi như nhà đầu tư trong nước, có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp ngay, các dự án startup, cơ sở ươm tạo cũng hưởng ưu đãi lớn... Trong chính sách hỗ trợ SME, startup, Bộ cũng đang đề xuất mô hình quỹ, khuyến khích đầu tư tư nhân. Đơn cử, Nghị định 38, doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng có thể thành lập quỹ đầu tư startup.

'Make in Viet Nam là hành động, không phải niềm tin'

Chia sẻ cuối diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&T Nguyễn Mạnh Hùng nói về sự khác biệt của doanh nghiệp vĩ đại và doanh nghiệp bình thường, nằm ở khả năng tái sinh, như Microsoft cứ 10 năm lại đặt ra mục tiêu làm mới mình. "Có doanh nghiệp chủ động tái sinh, có những doanh nghiệp do môi trường xung quanh thay đổi. Có doanh nghiệp cần một chương trình, một khẩu hiệu như Make in Vietnam", Bộ trưởng nói.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu bế mạc diễn đàn.

Bộ trưởng lấy ví dụ từ MISA, vốn nhiều năm quen thuộc với phần mềm kế toán cho doanh nghiệp, đã có những bước chuyển mình. "Diễn đàn hôm nay là hành động, không phải niềm tin", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngắt quãng phần chia sẻ, Bộ trưởng Hùng chủ động để xuất các khách mời dưới khán phòng có thể đặt câu hỏi hoặc đề xuất các giải pháp liên quan đến nội dung diễn đàn. Với câu hỏi về vấn đề "cởi trói" chính sách cho các doanh nghiệp số phát triển, Bộ trưởng cho biết, nói đến chuyển đổi số là nói đến chuyện thay đổi vận hành, thay đổi chính sách, vì vậy, các quốc gia trên thế giới mới nghĩ đến sandbox (khung thể chế thử nghiệm). Nhưng để ra được một sandbox lại liên quan đến nhiều quy định của bộ ngành. "Bộ TT&TT là một cửa để các doanh nghiệp công nghệ số tìm đến khi gặp khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những "nỗi buồn" được nêu bật trong khuôn khổ diễn đàn hôm nay là doanh nghiệp Việt không có một quỹ của Việt Nam cho khởi nghiệp sáng tạo, mà đa số là quỹ nước ngoài. Trong khi những quỹ nước ngoài thường có mục đích riêng, tầm nhìn riêng, và mục tiêu có thể không nhắm đến là làm cho Việt Nam phát triển.

Do đó, hiện có một số doanh nghiệp lớn, thành công trên thị trường sẵn sàng vì sự phát triển của đất nước, đồng ý thành lập một quỹ đầu tư và đang tìm một đơn vị uy tín để quản lý. "Nguồn vốn đã có, nhưng đang cân nhắc một công ty quản lý quỹ, nếu thành công, doanh nghiệp Việt sẽ có nguồn vốn Việt", người đứng đầu bộ TT&TT nhấn mạnh.

CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam trở thành nước phát triển

Khép lại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi cuộc cách mạng chỉ biến từ 5 đến 6 quốc gia đang phát triển trở thành quốc gia phát triển. Cuộc CMCN lần thứ 4 cũng chỉ dành cơ hội cho một số nước, và chỉ dành cho những nước đi đầu.

Ở cuộc CMCN 4.0, Việt Nam và các nước phát triển ở cùng chung một vạch xuất phát. Tuy nhiên, các nước lớn không mặn mà với cuộc cách mạng này bởi họ không có nhu cầu để thay đổi.

Thanh toán di động (Mobile Money) đã phát triển bắt đầu từ Kenya - một nước nghèo ở Châu Phi. Chỉ có nghèo khó mới tạo động lực cho việc đi đầu. Do vậy, Việt Nam phải là nước đi đầu trong cuộc CMCN 4.0. Nếu nước ta đi đầu, thế giới sẽ đến đây, sản phẩm Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.

Ở các cuộc cách mạng trước đây, người phát triển và sử dụng công nghệ có vai trò khác biệt và sẽ mãi mãi như vậy. Tuy nhiên với CMCN 4.0, người sử dụng giờ đây lại chính là người phát triển công nghệ.

“Nền tảng chẩn đoán hình ảnh y tế bằng AI - DrAid nếu không được mang ra sử dụng, không có nhiều bệnh nhân thì sẽ không thông minh được. Do vậy, trong cuộc CMCN 4.0, người dùng mới là người quyết định.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Việt Nam đã chính thức tuyên bố khát vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Chúng ta sẽ đến đó bằng con đường khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Đảng và Nhà nước sẵn sàng thay đổi các mô hình để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Nếu có vướng mắc về mặt thể chế, Bộ TT&TT sẽ trở thành đầu mối một cửa để giải quyết cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, CMCN lần thứ 4 có một điểm rất nhân văn, đó là nó giúp cho những người nghèo nhất, khó khăn nhất tiếp cận dịch vụ với giá rẻ nhất. Giá dịch vụ trong thời đại 4.0 gần như bằng 0 bởi càng nhiều người dùng, công nghệ sẽ càng rẻ, càng nhiều người sử dụng, sản phẩm sẽ càng thông minh.

Khác với các cuộc cách mạng công nghệ khác, CMCN 4.0 sẽ giúp người nghèo giàu lên. Việt Nam phải đi đầu để trở thành người dẫn dắt thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc sống còn rất nhiều nỗi đau (pain point) mà các doanh nghiệp có thể giải quyết. Do vậy, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy nhìn ra nỗi đau của đất nước để giải nó bằng công nghệ.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ không chỉ giúp thay đổi tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước mà còn giúp làm thay đổi Việt Nam.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp công nghệ số phải tự tin vào chính mình và đặt ra mục tiêu cao đến mức không tưởng. Chỉ ở trong tình huống khó khăn, chúng ta mới sản sinh ra những năng lượng thần kỳ để tạo ra sự thay đổi đột phá.

VietNamNet 

(Quý độc giả có thể xem toàn văn bài phát biểu tại Diễn đàn Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại đây)

Thủ tướng: "Doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo"

Thủ tướng: "Doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo"

Tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã đọc thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.