Trong khi Bộ Tài chính muốn “giảm dần” dự toán chi thường xuyên năm 2017 thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định không thể “giảm dần” mà phải dứt khoát 'giảm dự toán' theo đúng lộ trình cắt giảm biên chế.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) đang xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ KH-ĐT đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính là dự toán thu nội địa năm 2017 tăng bình quân tối thiểu 13-15%. Ban đầu Bộ KH-ĐT dự toán thu nội địa tăng 18%, nhưng Bộ Tài chính không đồng tình mà chỉ đề ra mức 13-15%.

{keywords}

Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng lưu ý, tốc độ tăng dự toán thu nội địa theo đề xuất của Bộ Tài chính là tốc độ tăng thấp nhất trong thời gian vừa qua. Bởi các năm trước đều phấn đấu tăng tối thiểu khoảng 18%.

“Dự toán thu ngân sách nhà nước trong nhiều năm qua có sự chênh lệch rất lớn so với số thực hiện. Cho nên dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 cần phải xây dựng sát hơn để chủ động trong công tác điều hành chi tiêu ngân sách nhà nước của Chính phủ”, Bộ KH-ĐT lưu ý.

Đáng chú ý, hai bộ cũng chưa đồng quan điểm trong việc xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017.

Trong khi Bộ Tài chính muốn “giảm dần” dự toán chi quản lý hành chính của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo lộ trình tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính. Nhưng Bộ KH-ĐT đề nghị “giảm dự toán” không phải “giảm dần” như đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo Bộ KH-ĐT, hiện nay lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính đã được Bộ Chính trị thông qua, Chính phủ cũng đã quy định lộ trình cụ thể. Do đó, dự toán chi thường xuyên kiên quyết cắt giảm theo lộ trình, không nên “giảm dần” như ý kiến của Bộ Tài chính.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, việc xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017 cần phải rà soát chặt chẽ, trên tinh thần triệt để tiết kiệm, theo đúng định mức quy định.

“Không xây dựng dự toán chi thường xuyên quá cao như các năm trước, sau đó lại yêu cầu các cấp, ngành tiết kiệm 10% chi thường xuyên, làm mất kỷ cương, kỷ luật trong việc dự toán chi ngân sách nhà nước”, - Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính cũng còn chưa thống nhất về cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương.

Bộ Tài chính muốn tiếp tục hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong trường hợp đã sắp xếp, sử dụng hết các nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, 50% tăng thu ngân sách địa phương… mà vẫn không đủ nhu cầu. Trong khi Bộ KH-ĐT đề nghị không quy định như vậy.

Theo Bộ KH-ĐT, việc quy định trung ương hỗ trợ để tạo nguồn cải cách tiền lương sẽ không khuyến khích các bộ, ngành trung ương và địa phương tiết kiệm chi tiêu, xây dựng dự toán chi không sát và sẽ lặp lại tồn tại, hạn chế của các năm vừa qua.

Thực tế, trong những năm qua, các địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách không sát, thường xuyên báo cáo thu không đủ các nhiệm vụ thường xuyên phát sinh, nên Trung ương hỗ trợ kinh phí chi cải cách tiền lương cho các địa phương rất lớn.

Sau đó, địa phương vượt thu lớn, lại không có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí này để cải cách tiền lương, lại báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho điều chuyển sang nhiệm vụ khác.

Điều này, theo Bộ KH-ĐT, là “đã làm mất kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nguồn ngân sách nhà nước”.

Hà Duy