ChatGPT chỉ mất 5 ngày để đạt 1 triệu người dùng

Với khả năng trả lời các câu hỏi, làm toán, viết luận văn, soạn nhạc hay lập trình, ChatGPT nhanh chóng bùng nổ và phá kỷ lục Internet khi chỉ mất 5 ngày để đạt 1 triệu người dùng. Để so sánh, Instagram (ra mắt 2010) cần 2,5 tháng hay mạng xã hội Facebook (ra mắt 2004) cũng cần tới 10 tháng để đạt cột mốc này.

OpenAI là công ty chuyên nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), được thành lập bởi một nhóm đầu tư vào năm 2015, trong đó có Elon Musk, Greg Brockman và Ilya Sutskever. Đáng chú ý, sứ mệnh ban đầu của OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận, nhằm “xây dựng AI an toàn và đảm bảo lợi ích của AI được phân bổ rộng rãi và đồng đều”. Không chỉ vậy, startup này còn cam kết “tự rút lui” nếu có 1 công ty khác trong lĩnh vực hoàn thành trước sứ mệnh nêu trên.

OpenAI nằm trong số các công ty công nghệ có dấu ấn sáng lập của Elon Musk

Năm 2019, tỷ phú Elon Musk bất ngờ thông báo rời khỏi OpenAI do bất đồng về đường hướng phát triển công ty. “Tôi không đồng tình với một số nội dung mà đội ngũ OpenAI muốn thực hiện. Bởi vậy tốt hơn hết là đường ai nấy đi một cách êm đẹp”, trích bài đăng trên Twitter của CEO Tesla và SpaceX vào đầu năm 2019.

Microsoft mạnh tay rót vốn cho OpenAI nhằm tấn công mảng lợi nhuận béo bở đang nằm trong tay Google

Sự thành công của ChatGPT đem lại niềm vui cho Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm đã cho thấy sự nhạy bén của một lão làng giới công nghệ, khi nhanh chóng lên kế hoạch rót thêm 10 tỷ USD cho công ty mẹ OpenAI, kèm với điều khoản nắm giữ 49% cổ phần công ty này sau khi thu hồi hoàn toàn khoản đầu tư của mình.

Chatbot này chỉ mất 2 tháng để cán mốc 100 triệu người dùng
ChatGPT hoạt động tốt đến mức đáng sợ. Loài người không còn cách quá xa những AI mạnh mẽ và nguy hiểm. Elon Musk

Sau 2 tháng ra mắt, sức nóng của ChatGPT vẫn ngày một tăng, đưa chatbot này tiếp tục xô đổ kỷ lục đạt 100 triệu người dùng nhanh nhất trong lịch sử. 

Ngày 6/2, Google ra mắt chatbot BARD nhằm cạnh tranh trực tiếp với GPT. Cũng trong tuần này, Microsoft hi vọng có thể hồi sinh công cụ tìm kiếm của hãng - Bing để giành lại thị phần quảng cáo tìm kiếm màu mỡ Google đang nuốt trọn. Báo cáo doanh thu cho thấy, trong năm 2022, quảng cáo tìm kiếm đem lại 100 tỷ USD doanh thu cho Alphabet

Mira Murati, "mẹ đẻ" của ChatGPT, nhận định ứng dụng này vẫn cần thêm nhiều dữ liệu đầu vào khác để hoàn thiện

Mira Murati, trưởng nhóm công nghệ nói với Tạp chí Time rằng công ty khuyến khích đầu vào (input) từ các nhà quản lý, nghệ sĩ và thậm chí là nhà triết học. “Làm thế nào để bạn yêu cầu mô hình thực hiện điều mà bạn muốn? Và làm sao để đảm bảo nó sẽ phù hợp với ý định của loài người và mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho con người?”

Sự phát triển của AI là thách thức không nhỏ với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục đại học

Khả năng không giới hạn của AI khiến nhiều người lo ngại về tính trung thực và pháp lý khi ứng dụng công nghệ này, chẳng hạn như nó có thể trở thành công cụ gian lận hay đạo văn. Nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới, đặc biệt tại bậc đại học, đang xem xét cấm hoàn toàn công cụ này.

ChatGPT đã cho thấy, các giải pháp AI có thể mang lại cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng có thể gây ra rủi ro. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một khung pháp lý vững chắc để đảm bảo AI đáng tin cậy dựa trên dữ liệu chất lượng cao Thierry Breton - Ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU

Nhà Trắng đã công bố “Kế hoạch chi tiết cho Dự luật về quyền của AI” vào tháng 12 năm ngoái, nhưng sự bùng nổ của công nghệ này với thành công vang đội bước đầu của ChatGPT đã khiến hướng dẫn chi tiết của chính phủ trở nên lạc hậu.

Thierry Breton, uỷ viên phụ trách thị trường nội khối EU cho biết liên minh này đang cân nhắc dự luật mới nhằm giải quyét rủi ro liên quan tới công nghệ chatbot ChatGPT và AI nói chung, chẳng hạn sử dụng trong quy trình đánh giá rủi ro cho vay, tài chính...

Theo đó, những công ty như OpenAI cần hợp tác chặt chẽ với những nhà phát triển hạ nguồn của các hệ thống AI có rủi ro cao để tuân thủ hiệu quả dự luật này.

Thế Vinh 

Đừng

Đừng "thần thánh" hóa ChatGPT

Không thể phủ nhận khả năng trả lời nhanh và trò chuyện tự nhiên của ChatGPT. Nhưng với sai số vẫn đang ở mức cao, cỗ máy trí tuệ nhân tạo này chưa thể đuổi kịp Google.