Hôm qua (9/5), các nước châu Âu cho biết, họ muốn bảo toàn thỏa thuận hạt nhân với Iran và từ chối các “tối hậu thư” được gửi đi từ Tehran.
Tuyên bố của Iran hôm 8/5 liên quan đến những hạn chế trong việc dự trữ nguyên liệu hạt nhân, là một phản hồi trước những trừng phạt từ phía Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump rút lui khỏi một hiệp định đã thỏa thuận với Tehran vào năm ngoái.
Trước mắt, những động thái đầu tiên của Iran có vẻ như chưa vi phạm đến những thỏa thuận trong hiệp định này. Tuy nhiên, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết nếu các cường quốc thế giới đã kí hiệp định không bảo vệ nền kinh tế Iran trước những trừng phạt từ Mỹ trong vòng 60 ngày, Iran sẽ bắt đầu làm giàu uranium lên quá hạn mức cho phép trong thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. |
“Chúng tôi từ chối tất cả các tối hậu thư từ Iran và sẽ xem xét mức độ tuân thủ của Iran dựa trên những động thái của nước này liên quan đến những cam kết về hạt nhân…”, tuyên bố chung giữa Liên minh châu Âu và Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Pháp và Đức cho biết. Các nước này đều nằm trong thỏa thuận hạt nhân nói trên.
“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục theo đuổi những nỗ lực để có thể tiếp tục giao thương một cách chính thống với Iran”, các nước này cho biết, nói thêm rằng những nỗ lực này bao gồm việc đưa vào hoạt động một cơ chế giao thương được thiết kế đặc biệt để không phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu trong một bài đăng trên Twitter rằng các nước châu Âu nên làm đúng nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hạt nhân với Iran, và bình thường hóa mối quan hệ kinh tế với nước này, bất chấp các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, thay vì yêu cầu Iran phải “đơn phương tuân thủ một hiệp ước đa phương”.
Thỏa thuận hạt nhân này yêu cầu Iran phải hạn chế năng suất làm giàu uranium, để loại bỏ khả năng phát triển bom hạt nhân. Bù lại, nước này sẽ được gỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt quốc tế. Một loạt các điều tra kĩ càng từ Liên Hợp Quốc đã xác nhận rằng Iran đang tuân thủ đúng các yêu cầu trong thỏa thuận.
Iran vẫn luôn bác bỏ việc nước này muốn phát triển vũ khí hạt nhân, và cho biết họ muốn tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, chính phủ của ông Trump tranh luận rằng thỏa thuận này có nhiều lỗ hổng, không bền vững, không đề cập đến chương trình tên lửa của Iran và không trừng phạt Iran cho những hành động can thiệp vào các nước trong khu vực, theo cáo buộc từ Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. |
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã ẩn ý về các quan điểm này trong một phát biểu.
“Cho đến bây giờ, lựa chọn mặc nhiên của chế độ hiện hành ở Iran vẫn luôn là bạo lực, và chúng tôi kêu gọi đến những cá nhân ở Tehran, những người nhận ra lối đi dẫn đến một tương lai giàu mạnh qua những hành động mềm mỏng hơn, để thay đổi cách cư xử của chế độ”, ông Pompeo cho biết. “Đến nay, chúng tôi vẫn đang giữ thái độ kiềm chế, nhưng Iran không nên hiểu rằng điều này nghĩa là chúng tôi thiếu quyết tâm”.
Anh Thư