Theo tờ Guardian, tỷ lệ tăng 6,8% từ năm 2022 đến năm 2023 là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009, đẩy chi tiêu quân sự trên toàn cầu lên mức cao nhất theo số liệu mà SIPRI theo dõi trong 60 năm.
Lần đầu tiên, các nhà phân tích tại SIPRI ghi nhận mức chi tiêu quân sự đều tăng ở cả 5 khu vực là châu Phi, châu Âu, Trung Đông, châu Á, châu Đại Dương, và châu Mỹ.
Nhà nghiên cứu Nan Tian tại SIPRI cho rằng, “sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu quân sự là phản ứng trực tiếp trước sự suy thoái nền hòa bình và an ninh toàn cầu. Các quốc gia đang ưu tiên tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột, giữa lúc tình hình an ninh và địa chính trị ngày càng biến động”.
Hai quốc gia chi tiêu lớn nhất là Mỹ (37%) và Trung Quốc (12%), chiếm khoảng 1/2 chi tiêu quân sự toàn cầu. Hai nước này tăng ngân sách lần lượt là 2,3% và 6%.
Báo cáo của SIPRI cho hay, kể từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crưm thuộc Ukraine, Mỹ đã chuyển trọng tâm từ các hoạt động chống nổi dậy và chiến tranh bất đối xứng sang "phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể được sử dụng trong xung đột tiềm tàng với những đối thủ sở hữu năng lực quân sự tiên tiến".
Trung Quốc với tư cách là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới đã phân bổ khoảng 296 tỷ USD vào năm 2023, tăng 6% so với năm 2022. Trung Quốc đã liên tục tăng chi tiêu quốc phòng trong 29 năm qua.
Chi tiêu quân sự của Nga vào năm 2023, một năm sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã tăng 24% so với năm 2022, và tăng 57% so với năm 2014. Nga chi tiêu quân sự ở mức 5,9% GDP, tương đương 16% tổng chi tiêu của chính phủ nước này trong năm 2023. Đây là mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi Liên Xô cũ tan rã.
Đáng nói, Ukraine trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ 8 thế giới vào năm 2023 với mức tăng 51% và đạt 64,8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ tương đương 59% chi tiêu quân sự của Nga cùng năm. Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Kiev đã tăng 1.270% từ năm 2014 đến năm 2023. Khoản viện trợ quân sự mà Ukraine nhận được từ hơn 30 quốc gia cũng được đưa vào số liệu của SIPRI.
Giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan, chi tiêu quân sự của Ấn Độ năm 2023 đã tăng 4,2% so với năm 2022, và tăng 44% so với năm 2014.
Chi tiêu ở Trung Đông đã tăng 9% lên 200 tỷ USD vào năm 2023, và trở thành khu vực có tỷ lệ chi tiêu quân sự cao nhất so với GDP trên thế giới ở mức 4,2%. Theo sau là châu Âu (2,8%), châu Phi (1,9%), châu Á và châu Đại Dương (1,7%), và châu Mỹ (1,2%).
Mức tăng lớn nhất ở Trung Đông là Ảrập Xêút với 4,3% đạt 75,8 tỷ USD, và tương đương 7,1% GDP. Trong cùng khu vực, Israel có mức tăng lớn thứ 2 với tỷ lệ 24% đạt 27,5 tỷ USD mà chủ yếu do chiến dịch quân sự của nước này ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Iran là nước chi tiêu quân sự lớn thứ 4 ở Trung Đông với mức tăng nhẹ 0,6% lên 10,3 tỷ USD trong năm 2023.