Câu chuyện liên quan đến đề xuất giãn thời hạn đăng kiểm, nhất là đối với xe ô tô cá nhân đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Các dẫn chứng cho thấy, Việt Nam đang có chu kỳ đăng kiểm khá "khù khoằm" với mật độ dày bậc nhất thế giới.
Đơn cử một chiếc xe ô tô tô cá nhân dưới 9 chỗ ngồi Việt Nam sẽ phải kiểm định lần đầu ngay từ lúc chưa lăn bánh với thời hạn 2,5 năm (30 tháng); mỗi kỳ sau đó cách nhau 1,5 năm (18 tháng) cho đến năm thứ 7. Từ năm thứ 7-12, chu kỳ đăng kiểm là 1 năm (12 tháng); và sau năm thứ 12, chu kỳ này rút xuống còn 6 tháng/lần.
Với chu kỳ trên, nếu một ô tô con cá nhân sau 15 năm sử dụng sẽ phải kiểm định 16 lần; còn nếu sử dụng liên tục trong 20 năm thì chiếc xe đó phải cần tới 26 lần đến cửa đăng kiểm. Con số này đối với các loại xe kinh doanh vận tải, ô tô chở người trên 9 chỗ ngồi, xe tải hoặc xe có cải tạo còn lớn hơn rất nhiều.
Vậy, các nước trên thế giới có chu kỳ đăng kiểm ô tô như thế nào, có dày như ở Việt Nam không? Thống kê dưới đây (dựa trên số lần đăng kiểm của ô tô cá nhân dưới 9 chỗ ngồi với cùng quãng thời gian là 20 năm) sẽ phần nào cho biết điều đó.
Nhật Bản, các nước EU: 9 lần/20 năm
Tại các quốc gia hàng đầu về sản xuất ô tô như Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU), ô tô chỉ phải kiểm định lần đầu sau khi sử dụng đến 3 năm, sau đó chu kỳ đăng kiểm là 2 năm/lần. Như vậy, với 1 chiếc xe sử dụng 20 năm ở các nước này sẽ đưa đi kiểm định tổng cộng là 9 lần.
Hàn Quốc: 9 lần/20 năm và thêm 10 lần kiểm tra khí thải
Tại xứ sở kim chi, ô tô con sẽ cần kiểm định về an toàn kỹ thuật lần đầu không quá 4 năm kể từ sau khi đăng ký mới, sau đó là mỗi 2 năm/lần. Ngoài ra, Hàn Quốc quy định riêng đối với những xe con sử dụng quá 10 năm phải đi kiểm định khí thải hàng năm.
Như vậy, một chiếc xe con 20 năm tuổi tại Hàn Quốc sẽ phải kiểm định tổng cộng 9 lần về an toàn kỹ thuật cùng với 10 lần kiểm định về chất lượng khí thải.
Singapore: 15 lần/20 năm
Giống như ở Nhật Bản và châu Âu, ô tô tại Singapore cũng chỉ phải đi kiểm định lần đầu sau 3 năm lăn bánh. Chu kỳ tiếp theo là 2 năm/lần và từ năm thứ 10 trở đi là đăng kiểm hàng năm. Một chiếc xe con sử dụng 20 năm ở Singapore sẽ phải kiểm định tổng cộng 15 lần.
Australia (bang New South Wales): 16 lần/20 năm
Mỗi bang của Australia (Úc) có thẩm quyền ban hành luật riêng liên quan đến đăng kiểm, đồng thời có các quy định pháp lý để kiểm tra an toàn của xe cũng như khí thải khác nhau.
Ở New South Wales - tiểu bang đông dân nhất nước Úc, xe ô tô trên 5 năm tuổi mới bắt buộc phải kiểm định hàng năm. Có nghĩa là để lăn bánh được 20 năm, một chiếc ô tô con ở New South Wales phải đăng kiểm 16 lần.
Anh: 18 lần/20 năm
Tại Anh quy định các phương tiện từ 3 năm sử dụng trở lên phải kiểm tra định kỳ hàng năm về an toàn và khí thải. Như vậy, ở Anh sẽ phải mất 18 lần kiểm định cho một chiếc xe lăn bánh 20 năm.
Mỹ: Thậm chí không có khái niệm "đăng kiểm"
Ở Mỹ, không có khải niệm rõ ràng về việc đăng kiểm phương tiện mà được chia thành các quy định riêng, phụ thuộc vào luật của từng bang. Về cơ bản, các quy định này được phân chia theo 4 tiêu chí gồm: kiểm tra an toàn định kỳ; kiểm tra khí thải định kỳ; kiểm tra an toàn trước khi bán xe, sang tên và kiểm tra an toàn tại thời điểm đưa phương tiện từ nơi khác đến địa phương.
Các tiểu bang của Mỹ đều có luật cấm thay đổi cấu trúc xe cộ - Vehicle modifications (cấm việc thay đổi độ cao gầm xe, không thay đèn pha quá sáng, không lắp đèn lên nóc xe tải...), kiểm soát việc này do cảnh sát thực hiện. Ngoài ra, trước khi bán xe hoặc chuyển sang một bang khác, chủ xe phải đăng ký lại, kèm theo chứng nhận kiểm tra an toàn.
Hiện có 15 bang ở Mỹ yêu cầu kiểm tra an toàn định kỳ hàng năm hoặc 2 năm một lần. 31 bang yêu cầu kiểm tra khí thải định kỳ và mức độ khí thải có thể thực hiện tại các cơ sở tư nhân được cấp phép. Một số bang như Iowa, Florida hay Kansas không bắt buộc điều này.
Dựa vào chu kỳ đăng kiểm ở các nước nói trên, có thể thấy tại Việt Nam đang có chu kỳ thuộc loại dày "khủng khiếp", gấp từ 2-3 lần so với nhiều nước trên thế giới. Điều đáng nói là ở các quốc gia nói trên, xe mới lăn bánh hầu như không phải thông qua bước kiểm định.
Việc chu kỳ kiểm định quá dày như ở Việt Nam hiện nay đã và đang dẫn đến rất nhiều bất cập, tốn kém, mất thời gian, công sức và cả chi phí cơ hội của hàng triệu người mỗi năm.
Do vậy, dư luận nhân dân cho rằng, bộ GTVT cần khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh chu kỳ kiểm định cho phù hợp với thực tế, trong đó nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!