Nhiệt huyết chung đối với cách tân công nghệ và hợp tác trong thương mại, đầu tư và tài chính quốc tế, cùng các lĩnh vực quan tâm khác, tất cả tạo ra một nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác. Nhưng quan trọng nhất là quan điểm của hai nước về các lợi ích cốt lõi liên quan đến an ninh quốc phòng.

LTS: Ngày 23/05, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chương trình thăm chính thức Việt Nam. Tuần Việt Nam/ báo VietnamNet giới thiệu bài viết dưới đây của TS. Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, thành phố Hồ Chí Minh, xung quanh một số trọng tâm của chuyến thăm, trong đó nổi bật nhất là về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. 

“Chiếc áo” quan hệ Việt - Mỹ ngày càng được nới rộng theo thời gian. Và chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Obama chính là thời điểm quan trọng để tiếp tục nhận định về chiều rộng và độ giãn của “chiếc áo” này.

Sự kết nối kinh tế của hai bên được hứa hẹn chuyển động “bằng vận tốc tên lửa” với chất xúc tác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với thiết kế luật chơi của hiệp định này, các thành tựu sắp tới sẽ không chỉ tập trung vào việc giảm hàng rào thuế quan, mà còn là sự thay đổi các cơ cấu sản xuất trong nước của Việt Nam.

Chẳng hạn như thị trường đầu tư và xuất nhập khẩu. Mỹ và Nhật hiện là hai thị trường chính của hàng xuất khẩu Việt Nam sang các nước TPP. Đây cũng là hai trong số bốn quốc gia có tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.  TPP có thể sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn tương đối của Việt Nam trong vai trò một điểm đến mới của công xưởng thế giới.

Trong năm năm qua, tiền lương tăng ở Trung Quốc và lo ngại về rủi ro chuỗi cung ứng đã trở thành nhân tố trở ngại với một số hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương ở Việt Nam thấp hơn một phần ba mức lương ở Trung Quốc. Trong bối cảnh này, TPP có thể thành tác nhân thúc đẩy các công ty Hoa Kỳ và có lẽ cả Nhật Bản chuyển việc lắp ráp từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu các điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ của hai nước này được đảm bảo, xu hướng trên sẽ tăng tốc trong những năm tới. 

{keywords}

Những hình ảnh đầu tiên của Tổng thống Obama ở Việt Nam. Ảnh: Phạm Trần

Việc tiếp thu công nghệ mới, tăng hàm lượng nguyên liệu nội địa và tái cơ cấu ngành dệt may - thể hiện qua việc tăng cường vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong năm qua, cũng như tăng cường đầu tư vào các nhà máy sợi, là mục tiêu trong dài hạn. Và chắc chắn không chỉ với ngành dệt may.

Lập luận quan trọng nhất của các ý kiến cổ súy TPP là làm ăn thông qua cơ chế hiệp định này với Mỹ là cơ hội để các nước phát triển thấp hơn như Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới mà hai quốc gia Mỹ và Nhật Bản giữ “công nghệ nguồn”. Apple kiểm soát chuỗi cung ứng iPhone, không phải Foxconn; Sony kiểm soát chuỗi cung ứng TV Sony, chứ không phải các công ty Hàn Quốc sản xuất các linh kiện chính và cho lắp ráp tại các tỉnh Trung Quốc. 

Cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu không quá dựa vào Trung Quốc còn thể hiện rõ ràng hơn qua việc hình thành và phát triển những chuỗi cung ứng mới. Dệt may, ngành chủ lực của Việt Nam chẳng hạn, đang đứng trước thách thức lớn từ nguyên tắc xuất xứ “tất cả từ sợi” (“yarn-forward”) của TPP. Nguyên tắc này yêu cầu tất cả các công đoạn từ xe sợi trở đi đều phải được xác định có xuất xứ nội khối theo các phương thức xác định được quy định trong Hiệp định. Do hàm lượng nội địa thấp và nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước ngoài TPP lớn, với cơ cấu sản xuất hiện tại, ngành may mặc Việt Nam sẽ không có được lợi nhuận cao từ TPP.   

Yếu tố chiến lược trong kinh tế sẽ thúc đẩy nới khung dư địa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

ASEAN đang gặp vấn đề, cả về quy mô để trở thành một đòn bẩy có thực lực, cả về sự đồng thuận trong nội khối. Xuyên suốt các vòng đàm phán của hiệp định, các nước thành viên ASEAN theo đuổi những mục tiêu khác, tùy vào những tính toán của họ với các nước láng giềng - thị trường tuy sát sườn và quan trọng, nhưng luôn tồn tại những điểm yếu mang tính cấu trúc. Liên tục trong cả chục năm, tỷ trọng thương mại nội khối ASEAN chỉ dao động xấp xỉ 25%, nền kinh tế của các thành viên mang tính cạnh tranh hơn là bổ sung, khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên chênh lệch, v.v…

Trong khi Washington nỗ lực “tái cân bằng kinh tế”, thì thương mại ASEAN - Trung Quốc và Trung Quốc với từng nước thành viên vẫn tăng đều theo từng năm, vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực  (RCEP) giữa ASEAN và sáu đối tác Đông Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand tăng tốc); Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” khởi xướng dưới thời Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vẫn đang trong tầm ngắm tham gia của nhiều quốc gia khu vực…

Thương mại và đầu tư Việt – Mỹ tăng tốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đa dạng các chương trình hợp tác tiếp theo về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng hay đào tạo nguồn nhân lực, v.v… Nhiệt huyết chung đối với cách tân công nghệ và hợp tác trong thương mại, đầu tư và tài chính quốc tế, cùng các lĩnh vực quan tâm khác, tất cả tạo ra một nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác.

Nhưng quan trọng nhất là quan điểm của hai nước về các lợi ích cốt lõi liên quan đến an ninh quốc phòng. Hiệp định 123 về hợp tác hạt nhân dân sự, mối quan tâm chung về đảm bảo tự do hàng hải và thương mại tại Biển Đông, việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và đặc biệt Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt (JVS) ký năm 2015 là những minh chứng quan trọng cho quá trình tiệm cận về quan điểm giữa hai nước. 

Thông tin và sự phát triển của các kênh tương tác có thể làm sâu sắc sự nhất trí giữa hai nước về các thang giá trị hay không? Dư địa phát triển của quan hệ Việt - Mỹ được định dạng thông qua câu hỏi này. 

TS. Trương Minh Huy Vũ

>> XEM THÊM: