Tổng CTCP Viglacera (VGC) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2019. Theo đó, có 2 nội dung quan trọng liên quan tới nhóm đầu tư kín tiếng vừa vào doanh nghiệp này: Nhà nước tiếp tục thoái vốn và Viglacera mở rộng đầu tư vào bất động sản công nghiệp.

Nhóm cổ đông liên quan tới Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex (GEX) do ông Nguyễn Văn Tuấn làm chủ tịch hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Viglacera chỉ sau Bộ Xây dựng. Đây cũng là nhóm cổ đông hiếm hoi có kế hoạch tiếp tục có ý định đầu tư vào Viglacera để vực dậy thương hiệu xây dựng và bất động sản một thời ở vị thế hàng đầu tại Việt Nam.

Theo tài liệu ĐHCĐ, Viglacera sẽ triển khai đầu tư 2 khu công nghiệp mới gồm KCN Yên Mỹ (Hưng Yên) với diện tích 280 ha và KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh) với diện tích 221 ha. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị thủ tục đầu tư KCN Đồng Văn IV mở rộng, KCN Thuận Thành (Bắc Ninh).

Sở dĩ nhóm cổ đông do ông Nguyễn Văn Tuấn muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là bởi đây là một lĩnh vực được đánh giá có nhiều triển vọng trong nhiều năm tới khi mà dòng vốn đầu tư từ nhiều nơi sẽ đổ vào Việt Nam trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành cuộc chiến trên nhiều lĩnh vực đối với Trung Quốc.

Quyết định đầu tư vào Viglacera cũng giúp Gelex của nhóm cổ đông do ông Nguyễn Văn Tuấn đại diện có thể sản xuất nhiều loại vật liệu xây dựng như kính nổi siêu trắng, kinh tiết kiệm năng lượng, sản xuất gạch bê tông khí, tấm trần thạch cao…

Hồi tháng 3, Bộ Xây dựng đã bán thành công 69 triệu cổ phiếu, tương đương 18% vốn của Viglacera cho 3 nhà đầu tư với giá bình quân 23.000 đồng/cp. Nhóm Gelex hiện nắm giữ tổng cộng gần 44 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,8% cổ phần Viglacera và có kế hoạch đầu tư tiếp vào doanh nghiệp này.

Gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tăng rất mạnh, có cổ phiếu tăng tới 84% trong 3 phiên như trường hợp cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG mới lên sàn hôm 17/6. 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tịch Gelex đang đầu tư vào Viglacera.

NTC của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên cũng là một cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua, có thời điểm vượt ngưỡng 150.000 đồng/cp, tăng 90% so với đầu năm.

Hàng loạt các cổ phiếu bất động sản công nghiệp (hạ tầng khu công nghiệp) khác như ông trùm Sonadezi (SNZ) tại Đồng Nai, Long Hậu (LHG), … đều tăng mạnh thời gian gần đây sau khi tổng thống Mỹ Donald nói về xu hướng nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc và tìm đến Việt Nam.

Theo ông Trump, trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại đang căng thẳng leo thang, nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước như Việt Nam hoặc vài quốc gia châu Á khác.

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu bất động sản hạ tầng khu công nghiệp vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và tương đối ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đều đặn chảy mạnh vào trong nhiều năm qua.

Trong năm 2018, một đại gia khác cũng tấn công vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Sacomreal của nhà ông Đặng Văn Thành đã bất ngờ đổi tên thành TTC Land và lấn sân sang BĐS khu công nghiệp.

TTC Land hiện sở hữu Khu Công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ) tại Tây Ninh có quy mô 1020 ha, Khu Công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Long An hơn 53ha. Các khu công nghiệp đều nằm trong vùng trọng điểm Kinh tế phía Nam, hiện tỷ lệ lấp đầy của 2 khu công nghiệp trên đã đạt 60%.

Các doanh nghiệp quản lý khu công nghiệp từ lâu đã được đánh giá là có triển vọng và có sức hấp dẫn lớn. Dòng vốn ngoại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… vẫn dồn dập đổ vào Việt Nam với số dự án FDI cho tới này lên tới hàng chục ngàn dự án, với tổng vốn đăng ký hàng trăm tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch khởi sắc đôi chút. Nhưng sức cầu mạnh đối với hàng loạt các cổ phiếu chủ chốt đã giúp kéo VN-Index tăng vọt hơn 9 điểm. Nhiều mã tăng điểm như Vinhomes, VietJet, Bảo Việt, GAS, Thế Giới Di Dộng, Vietcombank, Vinamilk, Chứng khoán Sài Gòn, Đất Xanh…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 965-966 điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, phiên giao dịch ngày mai cũng là thời điểm cuối cùng để các quỹ ETFs thực hiện tái cơ cấu danh mục trong kỳ review quý 2/2019. Do vậy, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp biến động, rung lắc mạnh trong phiên cuối tuần.

Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng và dầu khi đang bước vào nhịp hồi ngắn như dự báo của BVSC. Quá trình hồi phục của hai nhóm ngành này có thể sẽ diễn ra với độ dốc thoải và đan xen các phiên điều chỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/6, VN-Index tăng 9,49 điểm lên 959,18 điểm; HNX-Index tăng 1,29 điểm lên 105,06 điểm và Upcom-Index tăng 0,29 điểm lên 55,15 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,9 ngàn tỷ đồng.

V. Minh