Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi họp báo thông tin về việc khai trương Công dịch vụ công quốc gia (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn) |
5 dịch vụ cung cấp tại 63 tỉnh, thành qua Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 9/12
Hôm nay, ngày 7/12/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.chức họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.
Là hệ thống kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp qua phương thức điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia (www.dichvucong.gov.vn) sẽ chính thức được khai trương vào chiều ngày 9/12/2019. Sự kiện dự kiến sẽ được chủ trì bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, sự kiện khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia là một dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.
Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, sau 9 tháng tích cực triển khai, việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia đã cơ bản hoàn thành. Cổng dịch vụ công quốc gia gồm có 6 cấu phần chính: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC) và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến TTHC; Nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; Nền tảng thanh toán trực tuyến; Hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; Hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Bảy chức năng cơ bản được Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp gồm có: Đăng nhập một lần, sử dụng 1 tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng nhập Cổng dịch vụ công của bộ, của địa phương. Tra cứu về thông tin TTHC, dịch vụ công của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc; Theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết TTHC, dịch vụ công; Hỗ trợ thực hiện TTHC, dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, cung cấp các tiện ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công;
Tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết TTHC, dịch vụ công, các quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, các sáng kiến cải cách; chuyển xử lý và theo dõi chi tiết tình trạng xử lý của bộ, ngành, địa phương; Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC, dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán; Đánh giá sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, phản ánh kiến nghị.
“Các giải pháp chức năng, tính năng trên Cổng dịch vụ công quốc gia được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá bảo đảm chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT đánh giá mức độ an ninh, an toàn thông tin của Cổng dịch vụ công quốc gia và đã sẵn sàng các giải pháp bảo vệ, đối phó, ứng cứu bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết.
Về lộ trình tích hợp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ cho biết, các dịch vụ công được lựa chọn tích hợp lên cổng là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở lựa chọn, các dịch vụ công đó được tái cấu trúc, cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với việc thực hiện dịch vụ công tại thời điểm hiện tại.
Tại thời điểm khai trương vào ngày 9/12 tới, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp: 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố (gồm đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp, phục vụ người dân và hộ gia đình; dịch vụ cấp điện trung áp, phục vụ doanh nghiệp; tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện); 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ (cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp).
Ngoài ra, 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ như tại TP.HCM là các dịch vụ đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là dịch vụ đăng ký khai sinh…
Trong quý I/2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…
Chi phí tiết kiệm sẽ tăng tỷ lệ thuận với số dịch vụ tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia
Nói về những lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong quá trình vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, đại diện Văn phòng Chính phủ cho hay, với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn sẽ chính thức được khai trương vào chiều ngày 9/12/2019. |
Chỉ cần truy cập vào một địa chỉ duy nhất tại www.dichvucong.gov.vn và bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Với vai trò đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều do có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.
Theo tính toán chi phí xã hội thực hiện 8 nhóm dịch vụ công, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng. Con số này, theo Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cổng dịch vụ công quốc gia với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.
“Cổng dịch vụ công quốc gia hướng tới việc số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên hiệp quốc”, Văn phòng Chính phủ thông tin.