Mặc dù việc dự báo thị trường nông sản không phải bây giờ mới được thực hiện, nhưng theo các chuyên gia, khả năng theo dõi, dự báo thông tin thị trường nông sản hiện nay vẫn chưa bám sát đúng nhu cầu thị trường, từ đó người dân và các hợp tác xã vẫn loay hoay với bài toán sản xuất sao cho phù hợp.
Cần thiết xây dựng cổng dữ liệu nông sản thời gian thực
Thực trạng hiện nay, các sở ngành mới chỉ dừng ở việc thống kê, so sánh giá các mặt hàng giữa các tháng mà chưa thực hiện được việc điều tra, nghiên cứu, dự báo nhu cầu của thị trường... một cách có hệ thống.
“Ngay như thông tin về ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng rất ít dữ liệu, có thì cũng thiếu chính xác và tính tổng quát nên quy hoạch chăn nuôi còn xa thực tế và cũng khó dò về mặt thị trường. Chính vì vậy mà không ít HTX, doanh nghiệp hiện nay phải tự nghiên cứu, tự dự báo thị trường để định hướng sản xuất, kinh doanh cho riêng mình”, ông Phan Văn Danh, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết.
Tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể nào cũng có đủ khả năng và công cụ phân tích thị trường đầy đủ và chính xác. Bởi vậy, người dân vẫn đang sản xuất theo lối mòn tự mở rộng diện tích và bán hàng theo kinh nghiệm. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa một số sản phẩm nông nghiệp thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây, cứ đến mùa là lại kêu gọi “giải cứu”.
Thậm chí, do thiếu thông tin thị trường nên hiện nay, nhiều hộ dân, HTX vẫn sản xuất kinh doanh ngược quy trình sản xuất chuẩn. Thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, ký hợp đồng rồi mới đầu tư sản xuất, lựa chọn diện tích phù hợp, lên kế hoạch thu hái, vận chuyển…, các hộ nông dân lại quá tập trung đến mở rộng diện tích, lựa chọn cây trồng, vật nuôi theo kinh nghiệm nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, thậm chí là phá vỡ quy hoạch, khiến cung vượt cầu.
Trong khi đó, một số nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản… đều có hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ về hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu thị trường của các loại nông sản, nên dự đoán trước được chuyển động của thị trường. Thậm chí, công tác dự báo nông sản của các nước này khá chính xác về sự tăng, giảm cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đây là cơ sở rất quan trọng để công tác quản lý của ngành chức năng đến việc sản xuất là các nông dân, HTX đều có thể ở thế chủ động hoặc nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường thế giới.
Công nghệ đưa người nông dân bám sát kinh tế thị trường
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa như hiện nay, muốn sản xuất kinh doanh hiệu quả thì yếu tố thị trường cần được quan tâm đầu tiên trong chuỗi sản xuất. Bởi dự báo thị trường sát với thực tiễn không chỉ giúp sản xuất nông nghiệp ít bị phụ thuộc vào thời tiết khí hậu mà còn giúp người dân, HTX tuân thủ theo những quy luật của thị trường, đó là quan hệ cung - cầu, quan hệ hệ giá cả...
Nhằm giúp công tác dự báo thị trường được chuyên nghiệp, sát thực tiễn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản. Hy vọng rằng, thông qua đề án này, tình hình thị trường nông sản được phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các HTX, từ đó tạo nền tảng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, sản xuất phải xuất phát từ thị trường vì thị trường là yếu tố quyết định đến sản xuất, có thị trường thì kế hoạch cho sản xuất mới cụ thể, đầu ra cho nông sản mới đúng và trúng.
Chính vì vậy, thay vì chỉ để doanh nghiệp, HTX, người dân tự tìm hiểu thị trường theo cách riêng thì các cơ quan quản lý cần thực hiện công tác dự báo thị trường cho nông sản trong nước và trên thế giới một cách bài bản, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, theo từng ngành hàng cụ thể.
Đặc biệt, dự báo thị trường cần đi liền với việc nhận định, dự báo về xu thế thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước, đến diễn biến các loại dịch hại, thị trường tiêu thụ... một cách sát với điều kiện thực tế. Các đơn vị chuyên môn cũng cần khảo sát, phân tích, đánh giá các yếu tố tác động từ chủ quan đến khách quan, tác động trên các mặt tích cực lẫn tiêu cực để HTX, người dân có cái nhìn khách quan, tổng quát. Trên cơ sở đó có những khuyến cáo, định hướng đến chính quyền các địa phương và bà con nông dân, HTX bằng các giải pháp sản xuất phù hợp.
Khi việc dự báo thị trường được thực hiện cũng là cơ sở để quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa dựa trên thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương, sau đó tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Và khi bình ổn được thị trường thì sẽ bảo vệ được lợi ích chính đáng của người nông dân, thành viên HTX. Ngược lại, khi bảo vệ lợi ích của nông dân, HTX cũng chính là đưa ngành nông nghiệp phát triển một cách thực sự bền vững.