Theo số liệu của Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN), đồng bằng sông Cửu Long có vị thế quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đặc biệt là nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất canh tác (chiếm 62,9 % diện tích đất tự nhiên cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ. Vùng đất này đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% thuỷ sản, 70% trái cây các loại. Trong đó, 95% sản lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của cả vùng nói riêng. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách cụ thể, như Nghị quyết số 78/NQ/CP ngày 21/6/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng cần triển khai thực hiện, yêu cầu phải phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực quan trọng nhất, có tính đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng tại đây.

Thời gian qua, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số với công nghệ 4.0 tại đồng bằng sông Cửu Long đã giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cụ thể là giúp tự động hóa giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... để thực hiện canh tác an toàn.

Bà con nông dân sử dụng UAV trong canh tác. Ảnh: Hải Đăng

Sóc Trăng là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào, đa dạng, đặc biệt là gạo, thủy sản và nông sản chế biến. Giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, trong đó thủy sản chiếm hơn 1 tỷ USD và gạo 213 triệu USD. Kết quả này có được nhờ địa phương áp dụng thành công kinh tế số trong chuỗi sản xuất tiêu thụ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: Tỉnh đang thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đẩy mạnh chuyển dịch nông nghiệp, thâm canh tăng vụ lúa bằng nhiều biện pháp, đã tăng sản lượng lúa hằng năm của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn; cây màu và cây công nghiệp phát triển và mở rộng, năm 2021 đạt 44.293 ha.

Chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung có kiểm soát dịch bệnh; diện tích nuôi thủy sản đạt 76.530ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 53.000ha. Đặc biệt, việc ứng dụng chuyển đổi số trong khâu tiêu thụ nông sản đã giúp địa phương giải quyết tốt hơn “đầu ra” nông sản. Đến nay có 131 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia từ đầu vụ/tổng diện tích 61.922ha;...

Ở Đồng Tháp, tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) một trong những nơi đi đầu về thực hiện chuyển đổi số trên cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân Ba Thuận, thành viên Hợp tác xã dùng điện thoại thông minh thao tác nhập dữ liệu cho quy trình canh tác, trong khi đó hợp tác xã sử dụng hệ thống cảm biến mực nước chạy bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động.

“Hiện nay nông dân đã nắm bắt khá tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các khâu quan trọng góp phần giảm phát khí thải nhà kính, giúp giảm chi phí sản xuất từ 150-250 đồng/kg lúa, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân hơn 5-8 triệu đồng/ha so canh tác bình thường. Ngoài ra, đã tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam”, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 Ngô Phước Dũng chia sẻ.

Thế Vinh