- Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Lâu nay các nhà kinh tế và nhà đầu tư đang cố gắng làm rõ vấn đề: Mỹ và Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình ra sao trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Ít nhất là cho tới gần đây hầu như mọi dự đoán đều xoay quanh cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng giữa hai bên.
Cho dù trong giả thiết bi quan nhất kiểu “ngày tận thế” của cuộc chiến đó thì một thứ vũ khí vẫn luôn được cho là không tưởng: Là kẻ nắm giữ khoản nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, hơn 1000 tỷ đô la, Trung Quốc sẽ có thể công khai ngừng mua trái phiếu Mỹ – hoặc tệ hơn nữa là sẽ bán tháo lượng trái phiếu họ đang nắm giữ trên thị trường mở.
Cách suy nghĩ như trên thường bị bác bỏ bởi lẽ: làm như thế thì hai nước sẽ hủy diệt lẫn nhau một cách chắc chắn. Về kinh tế, cách nghĩ ấy rất không hợp lý. Việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ dẫn đến sự tăng lãi suất và gây thiệt hại cho Mỹ, nhưng đồng thời sẽ gây tổn hại nặng nề cho giá trị số trái phiếu Trung Quốc nắm giữ. Đúng như câu nói nổi tiếng của nhà công nghiệp J. Paul Getty: “Nếu bạn nợ ngân hàng 100 USD thì đó là nỗi lo của bạn; nếu bạn nợ ngân hàng 100 triệu USD thì đó lại là nỗi lo của chính ngân hàng". Trong mối quan hệ Mỹ-Trung, hiển nhiên Trung Quốc là ngân hàng.
Nhưng những suy nghĩ thông thường về những gì Trung Quốc có thể hoặc không thể sẵn sàng thực hiện có thể đã sai. Gần đây Trung Quốc đã giảm số trái phiếu Mỹ mà họ nắm giữ. Ngày càng có nhiều chuyên gia tài chính, kinh tế và nhà phân tích địa chính trị lặng lẽ nêu ra một viễn cảnh: Có thể Trung Quốc sẽ dùng khả năng ảnh hưởng tới lãi suất (đồng USD) để làm con bài cuối cùng chìa ra với Trump.
Lâu nay các nhà kinh tế và nhà đầu tư đang cố gắng làm rõ vấn đề: Mỹ và Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình ra sao trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Ảnh: Reuters |
Rốt cuộc Trung Quốc chẳng còn mặt hàng nào nhập từ Mỹ nữa để mà áp thuế; họ cũng đã nhắm mục tiêu vào các vụ đầu tư của các công ty Mỹ, như vậy thì còn lại mục tiêu nào khác?
Nếu Trung Quốc áp dụng sách lược nói trên thì tại thời điểm nhạy cảm này của nền kinh tế Mỹ, sự gia tăng thâm hụt ngân sách sẽ làm tăng nhu cầu vay mượn của Bộ Tài chính Mỹ. Sẽ có nhiều trái phiếu cần được bán mà Fed lại đang tăng lãi suất, làm cho các trái phiếu đó thêm đắt. Hiện còn chưa rõ Trung Quốc có thể dùng cách bán trái phiếu Mỹ khiến lãi suất tăng lên bao nhiêu %, nhưng chắc hẳn điều này sẽ gia cố thêm cho xu hướng tăng lãi suất hiện tại của đồng đô la Mỹ.
Cần nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh không nhất thiết phải là đảm bảo sức khỏe tài chính của mình trong năm nay hoặc sang năm. Nếu Trung Quốc chịu đau trong ngắn hạn để có thể giành được ưu thế thật sự và lâu dài với Mỹ – hoặc ít nhất là không đánh mất bất kỳ ưu thế nào mà họ đã có – thì Trung Quốc có thể sẵn lòng chịu khó khăn một chút trong ngắn hạn.
“Cuộc đàm phán giữa hai nước lớn này sẽ không bàn về việc cuối năm nay hai nước sẽ mua bao nhiêu đậu tương hoặc máy bay Boeing,” Kevin Warsh, một cựu thống đốc của Fed nói. “Chúng ta đang ở vào thời điểm bản lề trong lịch sử. Hành động của chính phủ Mỹ và Trung Quốc trong 12 tháng tới sẽ tạo dựng nền móng cho mối quan hệ giữa hai nước lớn này trong thế kỷ 21”.
Cuộc đấu khẩu sẽ chỉ ngày càng gay gắt. Tuần trước, Phó Tổng thống Mike Pence lên án Trung Quốc lợi dụng “các thủ đoạn chính trị, kinh tế, quân sự và tuyên truyền để nâng cao sức ảnh hưởng của mình, tăng cường các lợi ích của mình tại Mỹ.” Hôm thứ Hai vừa rồi, khi hội đàm trực tiếp với ngoại trưởng Mike Pompeo, ngoại trưởng Vương Nghị lên án Chính phủ Trump “không ngừng leo thang” tình trạng căng thẳng trong thương mại, “phủ bóng đen” lên mối quan hệ hai nước.
Cho tới nay những người không tán thành khả năng Trung Quốc sẽ lật đổ thị trường trái phiếu Mỹ lại nói: Nền kinh tế Trung Quốc quá mong manh, họ không thể liều lĩnh làm bất cứ chuyện gì có thể gây mất ổn định.
Lâu nay ổn định luôn luôn là khẩu hiệu của Trung Quốc. Cuối tuần này Ngân hàng Trung ương Trung Quốc rõ ràng cảm thấy bất an trước tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại đã bơm 175 tỷ USD vào nền kinh tế bằng cách giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, cho phép số tiền đó được tự do lưu thông.
Những người ủng hộ chính sách thuế quan cứng rắn của Chính phủ Trump đối với Trung Quốc sẽ coi phản ứng này của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang nắm được lợi thế đàm phán. Liệu Trung Quốc có thể gây ra tổn hại thực sự cho phía Mỹ qua việc bán tháo trái phiếu Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi chờ lời đáp.
“Theo một nghĩa nào đó, việc bán tháo trái phiếu Mỹ rất dễ đối phó, bởi lẽ Fed hoàn toàn có thể tự mình mua và bán trái phiếu của mình,” Brad W. Setser, nghiên cứu viên cấp cao về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết. “Tôi thường nói rốt cuộc nước Mỹ nắm được thế thượng phong: Fed là cơ quan duy nhất trên thế giới có khả năng mua vào một lượng trái phiếu nhiều hơn lượng trái phiếu Trung Quốc bán ra.”
Cho dù như vậy, vẫn khó có thể dự đoán được sự biến đổi của thị trường. Trong 20 năm qua có những lúc trái phiếu Mỹ được bán đấu giá mà người TQ không tham gia. Nhưng dù họ có tích cực tham gia đấu giá hay không, các nhà đầu tư khác đều ngầm định rằng họ có.
Việc bạn xuất hiện tại một buổi đấu giá của nhà Sotheby và không tham gia đấu giá là một chuyện. Còn việc gửi thông báo công khai rằng bạn sẽ không bao giờ đến các buổi đấu giá của nhà Sotheby nữa lại hoàn toàn là một chuyện khác.
Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc sẽ phải tìm lối ra cho khoản tiền (bán trái phiếu) đó – trong trường hợp này nhà đấu giá là người thường đưa ra những giao dịch tốt nhất trên thị trường.
“Ngay cả khi Trung Quốc có thể bán tháo số trái phiếu Mỹ trị giá trên 1.000 tỷ USD mà không khiến thị trường gây bất lợi cho mình, thì họ sẽ ném số tiền ấy vào đâu?” – Marc Chandler, người phụ trách chiến lược tiền tệ toàn cầu của công ty Brown Brothers Harriman viết trong thư gửi các nhà đầu tư. “Trung Quốc sẽ chẳng có cách nào bảo đảm số tiền đó có được thanh khoản, sự an toàn và lợi suất như khi mua trái phiếu Mỹ".
Nhưng sự căng thẳng đối đầu nhiều khi không mang lại sự suy nghĩ có lý trí. Sự leo thang đối đầu của hai bên, cho dù chỉ là trong vấn đề kinh tế, sẽ dẫn tới rủi ro, đồng thời gây ra tình cảm giận dữ, tất cả đều là những nhân tố kết hợp nguy hiểm.
Trong tình hình đó không tồn tại bãi thử (hạt nhân). Không có tính toán dự trắc, cũng không có mô hình tỷ lệ (của việc thử hạt nhân).
Nếu Trung Quốc muốn sử dụng phương án vũ khí này và thị trường không có phản ứng thì Trung Quốc sẽ đánh mất ảnh hưởng của mình một cách vô vị. Còn nếu họ thành công – mà hiệu quả lại quá mong đợi – thì Trung Quốc sẽ vô tình tự gây tổn thương cho nền kinh tế của chính mình.
Vả lại cho dù một đòn đánh hoàn mỹ mà vô hại với Trung Quốc cũng có thể trở nên nguy hiểm: cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào nền kinh tế Mỹ sẽ đem lại những hậu quả không thể lường được. Nếu đám mây đen xuất phát từ đây phủ kín châu Âu hoặc các thị trường mới nổi, liệu Trung Quốc cũng đã sẵn sàng cho cuộc chiến ấy chưa?
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và việc chấm dứt tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân đến nay, toàn thế giới đã chấp nhận một chính sách giữ gìn sự ổn định chiến lược: giảm bớt các nhân tố có thể kích thích các quốc gia đối địch sử dụng những vũ khí tàn phá ngoài sức tưởng tượng.
Có thể đó cũng là một chính sách kinh tế tốt.
Andrew Ross Sorkin/ The New York Times
Andrew Ross Sorkin là nhà bình luận, và là người sáng lập và biên tập của chuyên mục DealBook trên New York Times. Ông cũng đồng chủ trì tiết mục Squawk Box của CNBC và là tác giả của cuốn “Too Big to Fail”.
Chuyên mục Hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org)
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nhìn từ góc độ chính trị
Cuộc leo thang của Mỹ không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà vào tất cả những nước còn lại, kể cả đồng minh của Mỹ.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Bão xa mà gần, đối sách thận trọng
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể giống như cơn bão đã ngoài khơi xa. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ, bám sát để tham mưu những đối sách thận trọng", đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết.
Năm cuộc 'đại chiến’ chưa từng thấy của ông Donald Trump
Trong lịch sử thế giới cận đại gần 500 năm qua, thế giới chưa từng chứng kiến một nhân vật lãnh đạo nào của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như Donald Trump.
Donald Trump – bản sao của Neville Chamberlain thời nay?
Tổng thống Mỹ Donald Trump “giương cơ” bằng việc sử dụng “vũ khí” thuế đã đẩy thế giới vào cục diện phức tạp.
“Phởn chí” nên chủ quan, giờ ráo riết sửa sai lầm chiến lược
Sau khi Liên Xô tan rã, nước Mỹ "phởn chí" khi không còn đối thủ ngang tầm. Trong khi đó, Trung Quốc âm thầm, quyết liệt thực thi cải cách mở cửa về kinh tế, xây dựng nội lực bên trong,
Rung lắc ngoại giao và "tam giác chiến lược Mỹ – Hàn – Triều"
Các xung lực ngoại giao và chiến lược đang thay đổi chóng mặt trên bán đảo Triều Tiên báo trước các thỏa thuận an ninh tiềm năng, sẽ khác nhiều so với bất kỳ sự mong đợi hay tưởng tượng nào cách đây vài năm.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Người phát bóng"
Nhiều nhà quan sát cuộc chiến tranh thương mại đồng ý rằng Mỹ đang là “người phát bóng” trong cuộc đấu này. Nhưng cuộc chơi vẫn còn dài.
Cuộc chiến Mỹ - Trung: Việt Nam đừng để mất ‘trận đồ’
Cuộc chiến thương mại đã kích hoạt giữa Mỹ - Trung, hai thị trường thương mại lớn của hàng hóa Việt Nam. Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta ở phía trước?