Liên quan đến vụ án Việt Á, chỉ trong hơn 5 tháng (từ giữa tháng 12/2021 đến nay), cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam gần 60 người.

Điều đáng chú ý, "đại án" này diễn ra như một “đại dịch” với quy mô rộng khắp cả nước, đối tượng liên quan có cả cán bộ ở cấp địa phương lẫn Trung ương. Họ đều là cán bộ, lãnh đạo tại CDC, bệnh viện, sở Y tế một số tỉnh thành; Bộ Y tế Bộ Khoa học Công nghệ, Học viện Quân y,…

Đặc biệt liên quan đến vụ án này còn có sự liên can của 2 ủy viên Trung ương là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Khoa học Công nghệ (nhiệm kỳ 2016 – 2021) Chu Ngọc Anh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị khai trừ khỏi Đảng. Ảnh: Phạm Hải 

Chỉ tính riêng Bộ Y tế, ngoài tư lệnh ngành là ông Nguyễn Thanh Long vừa bị Trung ương khai trừ Đảng thì trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hàng loạt cán bộ.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế; Nguyễn Nam Liên, nguyên Phó Bí thư, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Y tế, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế. Đây là các nhân vật đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam từ cuối năm 2021.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỷ luật cảnh cáo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh; khiển trách Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Chánh thanh tra Bộ Nguyễn Mạnh Cường.

Cơ quan điều tra cũng đã bắt tạm giam ông Nguyễn Huỳnh, Phó trưởng phòng quản lý giá Cục Quản lý dược (từng là thư ký của ông Nguyễn Thanh Long)…

Với Bộ Khoa học Công nghệ, ngoài ông Chu Ngọc Anh vừa bị Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng vì những vi phạm thời ông làm Bộ trưởng Khoa học Công nghệ, Bộ Chính trị đã khai trừ ra khỏi Đảng với Thứ trưởng Phạm Công Tạc và ngay trong ngày 6/6, Thủ tướng đã có quyết định kỷ luật buộc thôi việc với ông Tạc.

Ông Chu Ngọc Anh vừa bị Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng. Ảnh: Phạm Hải 

Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã ký luật hàng loạt cán bộ khác của Bộ Khoa học Công nghệ. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật. Ông Hùng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam từ cuối năm 2021.

Ủy ban Kiểm tra cũng kỷ luật cảnh cáo các ông: Nguyễn Thiện Thành, nguyên Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Lê Bách Quang, Chủ tịch các Hội đồng tư vấn, Hội đồng nghiệm thu Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm phát hiện Covid-19; khiển trách ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật.

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết những con số giật mình trong "đại án" Việt Á. Đó là Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt khai đã kiếm lãi 4.000 tỷ từ việc bán kit test và đã bôi trơn cho các quan chức khoảng 800 tỷ. Việt Á dùng nhiều phương thức để chuyển tiền cho các lãnh đạo CDC một số tỉnh thành, có cả chuyển qua tài khoản chính chủ và tài khoản nhờ của người nhà (như vợ, mẹ vợ, em vợ của người nhận) và cả đưa trực tiếp bằng tiền mặt.

Và những con số nhận hối lộ của các quan chức trong "đại án" này được cơ quan điều tra kết luận công bố cũng đã lý giải được những gì mà tướng Tô Ân Xô đã thông tin.

Cũng chính vì vậy mà "đại án" Việt Á đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới đây.

Đúng như đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhận định, "nỗi đau lớn hơn" là trong khi cả hệ thống chính trị, các y, bác sỹ, lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả người hy sinh thì lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đến cùng cực.

"Họ ở nhiều địa phương khác nhau và cả ở trung ương nhưng có sai phạm giống nhau. Nếu thực sự như thế ngoài ngành y còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác", đại biểu Trần Quốc Tuấn đặt vấn đề.

Ông cũng đưa ra một câu hỏi cần làm rõ: "Công ty Việt Á là ai? Tại sao lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy?".

Đến nay, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, những đau thương mất mát của người dân đã dần lắng xuống, giai đoạn khó khăn nhất của đất nước đã qua đi nhưng có lẽ một “đại dịch” khác đang còn ở lại. Đó là “đại dịch” Việt Á, đại án Việt Á với nhiều câu hỏi vẫn còn đó.

Việc đưa đại án này vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai” cùng với diễn biến xử lý kỷ luật mà Đảng và các cơ quan đang tiến hành, hy vọng "đại án" Việt Á sẽ sớm có câu trả lời tỏ tường cho câu hỏi mà Đại biểu Quốc hội đặt ra: “Việt Á là ai? Tại sao lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy?".

Thu Hằng

Kit test Việt Á và phép thử với 2 vị bộ trưởng

Kit test Việt Á và phép thử với 2 vị bộ trưởng

Đó là đương kim Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH-CN, những người vừa bị Bộ Chính trị đề nghị Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật.
Việt Á chuyển tiền 'lót tay' qua tài khoản người nhà một số lãnh đạo CDC tỉnh, thành

Việt Á chuyển tiền 'lót tay' qua tài khoản người nhà một số lãnh đạo CDC tỉnh, thành

Việt Á dùng nhiều phương thức để chuyển tiền cho các lãnh đạo CDC một số tỉnh thành, có cả chuyển qua tài khoản chính chủ và tài khoản nhờ của người nhà (như vợ, mẹ vợ, em vợ của người nhận) và cả đưa trực tiếp bằng tiền mặt.
Công ty Việt Á là ai mà chi phối, có sức ảnh hưởng lớn như vậy?

Công ty Việt Á là ai mà chi phối, có sức ảnh hưởng lớn như vậy?

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu câu hỏi, công ty Việt Á là ai mà chi phối, có sức ảnh hưởng lớn như vậy. Liệu có bao nhiêu 'vụ Việt Á' đã và đang len lỏi vào các ngành khác.