- Cả loạt ông chủ ngân hàng (NH) cũ bị bắt, hơn chục NH cổ phần phải tái cơ cấu khi dính nợ xấu cao, thua lỗ, thậm chí là mất sạch vốn. Thế chân vào đó là những ông chủ mới với những thương vụ đầu tư ngàn tỷ.

Ngân hàng khó vẫn bỏ vốn ngàn tỷ

Mới đây, Tập đoàn Kinh Đô đã rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank và trở thành đối tác chiến lược của NH này. Với số vốn bỏ ra, Kinh Đô trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ gần 17% cổ phần của DongA Bank trong đợt tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay.

Trước đó, vào năm 2010, VietA Bank, dưới áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, để tồn tại đã bán cổ phần cho Tập đoàn Đầu tư Việt Phương. Hiện nay, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đang sở hữu 17,36% vốn điều lệ của VietA Bank.

Ông Phương Hữu Việt sau đó vừa làm Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương, vừa giữ ghế Chủ tịch HĐQT VietABank cho đến nay.

Một ngân hàng khác là Tienphong Bank trước áp lực bắt buộc tái cơ cấu đợt đầu vì quá yếu kém đã xuất hiện cổ đông lớn là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji.

Hiện tại Doji đang nắm tỷ lệ cổ phần 20% và Chủ tịch Doji cũng nắm chức Chủ tịch Tienphong Bank.

{keywords}

Xuất hiện nhiều ông chủ ngân hàng mới với những thương vụ đầu tư ngàn tỷ.

Năm 2013, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gạch Đồng Tâm, ông Võ Quốc Thắng, cũng đã trúng cử Chủ tịch HĐQT Kienlong Bank. Dù không nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng này, nhưng con trai ông Thắng là ông Võ Quốc Lợi lại là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 5%.

Trên đây chỉ là những thương vụ lớn được công khai. Thực tế, qua đợt tái cơ cấu vừa qua, cơ cấu cổ đông rất nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi. Qua đó xuất hiện những ông chủ hay nhóm đầu tư mới như ở Ngân hàng Quốc Dân. Hay sắp tới là các cuộc sáp nhập, hợp nhất ở Sacombank – Phương Nam, Eximbank và Nam Á…

Những cảnh báo không cũ

Một trong những sai phạm lớn, điển hình ở nhiều NH yếu kém phải tái cơ cấu vừa qua là các ông chủ tập đoàn tư nhân mua cổ phần với tỷ lệ lớn, trở thành người nắm quyền điều hành đã lợi dụng quyền lực, có nhiều hành vi sai phạm để lại hậu quả lớn.

Các sai phạm điển hình là: cho vay các DN sân sau, tài trợ cho các dự án của chính mình, cho vay sai quy định, thiếu minh bạch và kiểm soát yếu kém ... dẫn đến thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

{keywords}

Một căn bệnh lớn của hệ thống NH Việt Nam thời gian qua là nguồn nhân lực yếu kém cả về trình độ và đạo đức.

Bước vào một giai đoạn mới, với nhiều thương vụ và tên tuổi mới đầu tư vào NH, Chuyên gia ngân hàng Phạm Nam Kim, Cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cho rằng đây vì điều bình thường của hoạt động đầu tư, mua bán DN.

“Việc các ông chủ tập đoàn kinh tế tư nhân, đầu tư vốn vào các NH kiếm lời là hoàn toàn hợp pháp. Nhưng mua cổ phần, để rồi nhảy vào nắm quyền điều hành lại là câu chuyện khác và điều này cần được xem xét và kiểm soát chặt chẽ.

Thực tế, vào thời kỳ BĐS tăng trưởng nóng vừa qua, nhiều đại gia gặp khó khăn khi vay NH và nếu được vay, cũng với lãi suất cắt cổ. Để giải quyết vấn đề này, các đại gia nắm ngân hàng hay có quyền điều hành ở các NH đã vi phạm bằng cách lấy tiền gửi từ NH này, tài trợ những dự án của mình. Và điều này đã để lại nhiều hậu quả. Khi BĐS xì hơi, các đại gia không thanh toán được những khoản vay và nhiều NH bị nợ xấu tăng cao, thua lỗ, thậm chí mất vốn.

Theo ông Kim, tại nhiều nước trên thế giới, NH trung ương kiểm soát rất chặt chẽ những người tham gia điều hành NH. Nếu người nào đó muốn trở thành Chủ tịch HĐQT hay TGĐ phải đạt được các tiêu chuẩn đặt ra, đó là phải có chuyên môn và kinh nghiệm. Không thể có chuyện chỉ cần trở thành cổ đông lớn là có thể nắm quyền điều hành.

NH là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, không phải bất cứ ai, kinh doanh ở các lĩnh vực khác thành công đều có thể nhảy vào điều hành được.

Có thể nói, một căn bệnh lớn của hệ thống NH Việt Nam thời gian qua là nguồn nhân lực yếu kém cả về trình độ và đạo đức.

“Thực tế cho thấy, chính các ông chủ NH vì lòng tham và sự kém hiểu biết đã vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, lợi nhuận ngắn hạn mà bỏ qua mọi quy định, tiêu chuẩn đạo đức cũng như chức năng nhiệm vụ căn bản của một NH. Các NH Ocean Bank, GP Bank, VNCB... là những ví dụ điển hình”, ông Kim nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho biết, theo quy định hiện nay 1 cá nhân không nắm quá 5% và 1 tổ chức không nắm quá 15% số cổ phần của một NH. Còn tổ chức và người liên quan thì có thể nắm nhiều hơn, nhưng cũng chỉ ở mức 20% cổ phần một NH.

Nếu thực hiện đúng, NH là của đại chúng, mọi sự sẽ minh bạch. Tuy nhiên, trên thực tế, có NH thuộc về 1 hoặc 2 ông chủ. Khi cầm trịch rồi thì dễ lạm quyền, vi phạm quy định; thậm chí ban kiểm soát cũng bị vô hiệu. Chính vì vậy, mới sinh ra hiện tượng cho vay bừa bãi, nợ xấu tăng cao, nhiều NH mất sạch vốn.

Hiện nay, nhiều NH khó khăn, thiếu vốn, kinh doanh thua lỗ nên giá cổ phiếu thấp. Thậm chí, giá cổ phiếu trên thị trường OTC còn thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng). Trong khi đó, nhìn về lâu dài, NH vẫn được xem là lĩnh vực hấp dẫn để đầu tư. Vì vậy, nhiều tập đoàn tư nhân nhận thấy đây là cơ hội và đổ vốn vào lĩnh vực này.

“Việc này nếu không kiểm soát chặt chẽ, có thể sẽ đi theo "vết xe đổ" trước đây”, ông Đức nói.

Trần Thủy