Bình luận của ông Antonov được đưa ra, sau khi truyền thông đưa tin Nhà Trắng hiện có kế hoạch cung cấp cho Kiev các xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, dù trước đó đã từ chối nhiều lần. Theo ông Antonov, động thái này sẽ chỉ kéo Mỹ lấn sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine, và vượt khỏi danh mục “vũ khí phòng vệ”. 

“Nếu quyết định chuyển giao các xe tăng M1 Abrams cho Kiev được đưa ra, không nghi ngờ gì việc các xe tăng của Mỹ sẽ bị tiêu diệt như những thiết bị quân sự khác của NATO”, RT dẫn lời ông Antonov nói khi được hỏi về khả năng Mỹ chuyển giao xe tăng cho Ukraine. 

Mỹ được cho có kế hoạch đưa xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Ảnh: Lục quân Mỹ

Theo New York Times, trước đây Lầu Năm Góc tuyên bố các xe tăng Abrams tốn nhiều tiền để vận hành và bảo dưỡng, cũng như mất nhiều năm để đưa ra hoạt động ở vùng chiến sự, nhưng giới chức Mỹ tin rằng cần phải đưa ra quyết định để thuyết phục Đức cho phép gửi xe tăng Leopard 2 của nước này cho lực lượng quân sự Ukraine. 

Một số lực lượng quân sự ở châu Âu đang sử dụng dòng xe tăng Leopard của Đức với khoảng 2.000 chiếc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các nước cần xin Đức cấp phép mới được xuất khẩu xe tăng Leopard sang nước thứ ba. 

Trong khi đó, Moscow nhiều lần lên tiếng phản đối sự can thiệp của phương Tây vào chiến sự ở Ukraine. Theo Nga, việc dòng vũ khí liên tiếp đổ vào Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột và khiến tiến trình đàm phán hòa giải không thể thành công.

Điện Kremlin nhấn mạnh dù số lượng vũ khí nước ngoài đổ vào Ukraine có lớn tới đâu cũng không thể ngăn cản Nga đạt được những mục tiêu đã đề ra, và khẳng định toàn bộ vũ khí của NATO gửi tới Ukraine sẽ bị “thiêu cháy”. 

Đức xác nhận chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

Đức xác nhận sẽ gửi các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine sau nhiều tuần chịu sức ép ngoại giao. 

CNN đưa tin, theo phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit, Thủ tướng Olaf Scholz đã đưa ra thông báo trên trong cuộc họp nội các vào hôm nay (25/1).

“Chính phủ liên bang đã quyết định cung cấp các xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho lực lượng quân sự Ukraine. Đây là kết quả của quá trình tham vấn tập trung giữa Đức và các đối tác quốc tế”, ông Hebestreit nói. 

Tổng thống Nga – Ukraine không nói chuyện nhiều năm

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều năm. 

Đây là thông tin được ông Peskov đưa ra sau câu hỏi của phóng viên RIA Novosti liên quan tới hoạt động liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Ukraine. Lần gần nhất ông Putin gặp trực tiếp ông Zelensky là trong các cuộc đàm phán thuộc “khuôn khổ Normandy” do Pháp và Đức làm trung gian vào năm 2019. Tới năm 2020, hai nhà lãnh đạo Nga - Ukraine đã nói chuyện qua điện thoại hai lần vào tháng Hai và tháng Sáu.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov từng tiết lộ Moscow và Kiev suýt ký một thỏa thuận ngừng bắn trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột theo các điều khoản do phía Ukraine đề xuất. Tuy nhiên, quá trình này đã bị các nhà tài trợ phương Tây của Kiev ngăn chặn. Do chính phủ của Tổng thống Zelensky không kiểm soát được chính sách đối ngoại quốc gia, nên ông Lavrov cho rằng việc nói chuyện riêng với nhà lãnh đạo Ukraine không mang lại ý nghĩa. Ngoài ra, các cuộc đàm phán với Nga hiện bị cấm theo luật của Ukraine.

Theo đó, hội đồng an ninh quốc gia Ukraine đã cấm tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow chừng nào ông Putin còn nắm quyền. Và Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký thành luật vào tháng 10/2022.