Tổng thống Biden và phe Dân chủ đang nỗ lực đạt thỏa thuận với các nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, bao gồm cả ông McCarthy về việc nâng giới hạn nợ của chính phủ lên cao hơn mức 31,4 nghìn tỷ USD như hiện nay.

Tổng thống Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn bất đồng về vấn đề nâng trần nợ công của Mỹ. Ảnh: The Hill

Tuy nhiên, trong khi phe Cộng hòa tiếp tục gây áp lực buộc Nhà Trắng phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang để đổi lấy việc chấp nhận nâng trần nợ công, chính quyền Biden coi yêu cầu “thắt lưng, buộc bụng” này là biện pháp cực đoan và muốn Quốc hội phải thông qua việc tăng trần nợ vô điều kiện để tránh khủng hoảng. Ông Biden cũng tìm cách thúc đẩy các loại thuế mới mà phe Cộng hòa đã bác bỏ.

“Chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng, nguy cơ vỡ nợ là điều không cần bàn cãi và cách duy nhất để tiến về phía trước là thiện chí hướng tới một thỏa thuận lưỡng đảng”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố sau cuộc đối thoại với ông McCarthy tối 22/5 theo giờ địa phương. Lãnh đạo Nhà Trắng cũng mô tả cuộc thương lượng kéo dài hơn 1 giờ với vị chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hòa là “hiệu quả”.

Reuters dẫn lời ông McCarthy phát biểu trước báo giới rằng, các nhà đàm phán lưỡng đảng "sẽ gặp nhau, làm việc xuyên đêm" để cố gắng tìm ra tiếng nói chung.

Dẫu vậy, ông McCarthy nói sẽ không sẵn sàng xem xét kế hoạch của ông Biden về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế đối với những người giàu cũng như lấp các lỗ hổng thuế đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và dược phẩm.

Trước đó trong ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tái cảnh báo nước này hiện còn rất ít thời gian nhằm đảo ngược nguy cơ bị vỡ nợ, khi chính phủ liên bang có thể cạn tiền và không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ sớm nhất vào ngày 1/6.

Nếu viễn cảnh tồi tệ chưa từng có trong lịch sử này xảy ra, hậu quả có thể rất lớn. Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong trường hợp đó, các thị trường chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ lao dốc, người hưởng các khoản chi trả từ ngân sách liên bang sẽ không còn được nhận tiền và nhiều cơ quan chính phủ sẽ phải ngừng hoạt động. Hàng triệu người dự kiến sẽ bị mất việc, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nền kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái cũng như hứng chịu những tổn thất lâu dài. Ngoài ra, việc Mỹ vỡ nợ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế khác khắp toàn cầu.

Liệu nước Mỹ có thể vỡ nợ?

Liệu nước Mỹ có thể vỡ nợ?

Thời gian qua, giới phân tích và các quan chức Mỹ đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ nước này sắp vỡ nợ, nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt thỏa thuận nâng trần nợ công.