Sáng 25/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”. 

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hiện nay, chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng như triển khai các mối quan hệ phối hợp công tác.

Bộ Chính trị sẽ ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam". Ảnh: Minh Đạt 

Một số chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 chưa được cụ thể hóa để tổ chức thực hiện. Chức năng, nhiệm vụ của một số ban, đơn vị của MTTQ chưa quy định rõ và đang có sự chồng lấn.

Thêm vào đó, một số nhiệm vụ quan trọng nhưng chưa có ban chuyên môn chuyên trách nào theo dõi thực hiện; một số nhiệm vụ còn giao cho nhiều đơn vị cùng thực hiện, chưa rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; chưa phát huy được hiệu quả của các Hội đồng tư vấn...

Vì vậy, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chủ trì xây dựng đề án, để trình Bộ Chính trị ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam".

Cần ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận phải nhận thức rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt Mặt trận phải quyết tâm làm những việc mà chỉ có Mặt trận mới làm được đó là gần gũi, sâu sát với các tầng lớp nhân dân để phản ảnh ý kiến, kiến nghị tới Đảng, làm cho Đảng hiểu được lòng dân.

Ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nên tập trung vào những nhiệm vụ mà nhân dân mong mỏi nhất đó là kinh tế xã hội phát triển, tham nhũng tiêu cực ít đi. Vì vậy, MTTQ Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức thành viên để quan tâm nắm bắt tình hình nhân dân ở khu dân cư, từ đó tạo được sự thống nhất về nhận thức để nhân dân hiểu Đảng, hiểu Mặt trận và Đảng cũng có cơ sở để hiểu dân.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Ảnh: Minh Đạt 

Nhấn mạnh đây là đề án quan trọng, cần thiết nhưng cũng rất khó, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý, việc đổi tên cần phải tạo được sức bền và tạo động lực để các ban chuyên môn đủ sức gánh vác nhiệm vụ chính trị của mình.

Ông Lê Truyền bày tỏ mong muốn MTTQ làm đúng vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân thì báo cáo của Mặt trận phải có chất lượng. Đây là việc làm rất khó, sẽ thành nhàm chán nếu không có sự “đo đếm” chính xác sự lên xuống, những vấn đề quan trọng trong tâm tư tình cảm nguyện vọng và cả những phản ứng của nhân dân.

Vì vậy, trong việc xây dựng báo cáo tình hình nhân dân cùng với hệ thống báo cáo từ trung ương đến địa phương cần đặt ra vấn đề điều tra dư luận xã hội để phục vụ cho báo cáo của Mặt trận có cơ sở khoa học.

"Đề án cũng nên đề xuất một ban chuyên môn đảm nhận, phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng giúp Mặt trận nâng cao và phát huy được vị thế của mình trong quá trình thực hiện toàn bộ chương trình hoạt động”, ông Lê Truyền nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Lê Truyền cũng đề nghị nên thành lập một một viện nghiên cứu hoặc thành lập một học viện bao gồm cả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học để đảm bảo được yêu cầu đặt ra đối với công tác Mặt trận trong tình hình mới.

Nên rút gọn đầu mối các ban chuyên môn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lưu ý, đề án cần xác định được khái niệm, làm rõ chức năng của cơ quan chuyên trách giúp việc cho Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Hầu A Lềnh mong muốn bên cạnh việc hoàn thiện, pháp lý hóa bộ máy chuyên trách thì hoạt động của bộ máy giúp việc thông qua các Hội đồng tư vấn cũng cần được hoàn thiện. Bởi lẽ trong thực tiễn hoạt động của các Hội đồng này là rất cần thiết, đây là cơ chế để tập hợp, huy động trí tuệ và sự đóng góp của các tầng lớp trí thức.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tán thành với quan điểm của Đảng đoàn xác định tại điều 3 Luật MTTQ Việt Nam quy định 7 nhiệm vụ cơ bản của MTTQ Việt Nam và mỗi nhiệm vụ được giao cho một Ban chuyên môn thực hiện.

Theo ông Thường, hiện nay Ban Dân chủ - Pháp luật đang thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản và tại Luật MTTQ Việt Nam có 21/41 điều liên quan đến hoạt động của Ban Dân chủ - Pháp luật. Vì vậy, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới trong sắp xếp nhân sự, phân công nhiệm vụ để đảm bảo hoạt động của ban và phù hợp với nội dung Luật MTTQ Việt Nam và Điều lệ MTTQ Việt Nam đã quy định.

“Nên thành lập một ban mới lấy tên là Ban Giám sát và phản biện xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị.

Ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Minh Đạt 

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc xác định đầu mối các ban cần gắn với rà soát chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận để đảm bảo không sót việc, không chồng chéo và phù hợp với đầu mối của các đơn vị ngành dọc, cũng như phù hợp với biên chế được giao.

Ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu rút gọn đầu mối các ban chuyên môn và tên gọi cần ngắn gọn để có sự tương thích, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giữ mối liên hệ giữa cấp vụ cơ quan Trung ương và các ban chuyên môn của các tỉnh, thành phố.

Đối với tên gọi các ban chuyên môn của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, ông Tuấn Anh đề nghị Trung ương có sự hướng dẫn thống nhất về tổ chức bộ máy, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ theo số biên chế của cơ quan, đơn vị để đảm bảo sự đồng nhất và thuận lợi trong giữ mối liên hệ với ban chuyên môn.

Từ các ý kiến góp ý, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề án bảo đảm theo đúng tinh thần cương lĩnh chính trị và những quy định tại Luật MTTQ Việt Nam trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt.