CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long vừa công bố một loạt thông tin tích cực, trong đó thị phần thép xây dựng tăng vọt lên mức 32%, thêm 10% chỉ trong vòng 3 năm, thay vì mất 7 năm để có thêm 10% thị phần trước đó.

Sản phẩm thép thành phẩm, phôi thép, tôn,... trong 8 tháng đầu năm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tôn Hòa Phát thậm chí tăng trưởng đột biến 145%. Ông thép xuất khẩu trong 8 tháng đạt 13.688 tấn, tăng 23,3% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong 9 tháng đầu niên độ tài chính 2019-2020 từ 1/4-30/6/2020.

Một điểm đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp Việt không chỉ chiếm lĩnh khá tốt thị trường trong nước mà đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc như trong lĩnh vực nông thủy sản, hay cả ngành thép như của Hòa Phát.

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp này gần đây xuất khẩu sản phẩm thép sang nhiều thị trường như Ấn Độ, Mỹ, Mexico, Thái Lan, Indonesia và nhiều thị trường mới như Kenya, Ghana (châu Phi), Trung Quốc.

Hồi tháng 5, lần đầu tiên Hòa Phát ký được hợp đồng khủng 120 nghìn tấn phôi thép, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng xuất sang Trung Quốc ngay ở vào thời điểm cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Nỗi lo thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam giai đoạn hậu dịch Covid đã giảm đi nhiều.

Trong năm 2019, Hòa Phát cũng đã xuất khẩu 195 nghìn tấn phôi thép, trong đó phần lớn sang Trung Quốc với 190 nghìn tấn. Sang năm 2020, lượng phôi xuất khẩu của HPG tăng mạnh và không chỉ sang Trung Quốc mà cả các nước ASEAN.

{keywords}
Tỷ phú Trần Đình Long.

Các nhà máy cán thép của Trung Quốc trong khi đó cần nguồn cung phôi với giá thành hợp lý để tận dụng chính sách đẩy mạnh đầu tư công, kích thích tăng trưởng của nước này sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đã có thời điểm, thép nhập khẩu từ Trung Quốc đổ về gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình thế này đã dần thay đổi.

Gần đây, Hòa Phát của tỷ phú Long cũng xuất khẩu sản phẩm thép sang châu Phi sau khi chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.

Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát và Hoa Sen là 2 tập đoàn lãi lớn và tăng trưởng mạnh trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn báo lãi giảm sâu thậm chí lỗ nặng. Trong quý II, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.743 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý kể từ khi hoạt động của Hòa Phát.

Cổ phiếu HPG bứt phá trong thời gian gần đây và đang ở vùng cao kỷ lục.. Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng tăng mạnh và hiện ở mức 1,1 tỷ USD theo tính toán của Forbes.

Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt lớn đã có những bước bứt phá ngoạn mục, không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu tới nhiều thị trường trên khắp thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và thị trường lớn như Trung Quốc.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang lấn sân sang lĩnh vực công nghiệp và công nghệ và cũng đã có chiến lược và có những bước đi ban đầu để xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ và châu Âu.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 17/9, chỉ số VN-Index quay quanh ngưỡng 890 điểm.

Theo YSVN, VN-Index tiếp tục giằng co trong vùng 890 - 900 điểm. Dòng tiền vẫn có thể chủ yếu tập trung ở nhóm midcaps cho nên sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục còn diễn ra và nhất là thị trường sẽ đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 9 vào ngày 17/09/2020 và phiên cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF ở phiên 18/09/2020. Đồng thời, ngưỡng 900 điểm vẫn là ngưỡng cản tâm lý của chỉ số VN-Index cho nên thị trường có thể vẫn còn đi ngang trong vài phiên tới. Tuy nhiên, tâm lý vẫn tiếp tục lạc quan với xu hướng hiện tại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/9, VN-Index tăng 1,21 điểm lên 897,47 điểm; HNX-Index giảm 0,06 điểm xuống 127,87 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 59,76 điểm. Thanh khoản đạt 5,8 nghìn tỷ đồng.

V. Hà