Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) vừa chứng kiến một phiên tăng điểm mạnh chưa từng có kể từ năm 1933 với chỉ số Dow Jones tăng kỷ lục gần hơn 2.100 điểm, tương đương mức tăng 11%, lên trên 20,7 ngàn điểm.

Đây là mức tăng trong 1 phiên mạnh nhất kể từ năm 1933.

Các chỉ số chứng khoán khác cũng tăng vọt. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 9,4%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 8,1%.

Như vậy, cả Dow Jones và S&P 500 đều hồi phục từ mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016 ghi nhận trong phiên liền trước sau khi liên tục giảm giá, mất tổng cộng từ 30-37% kể tử đỉnh cao trên 29.400 điểm ghi nhận hôm 14/2/2020.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh chưa từng có, từ đáy 4 năm.

Giới đầu tư dồn dập bắt đáy và đánh cược vào những chính sách mới của chính quyền ông Donald Trump sẽ được quốc hội Mỹ thông qua sau 2 lần bị bác bỏ trong ngày đầu tuần.

Theo CNBC, các nhà đầu tư tin thỏa thuận sẽ đạt được vào "một thời điểm nào đó" sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết có sự "lạc quan" tại Quốc hội rằng một thoả thuận về gói kích thích kinh tế lớn sẽ đạt được. Bà Pelosi cũng cho rằng, dự luật đã “hướng đủ về phía công nhân”.

{keywords}
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết có sự "lạc quan" tại Quốc hội rằng một thoả thuận về gói kích thích kinh tế lớn.

Các cổ phiếu hàng không, ô tô, bán lẻ… đều tăng mạnh, nhiều mã tăng từ 15-20% và là động lực chính cho thị trường. Thị trường kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sẽ nhận được những khoản tín dụng lên tới hàng chục tỷ USD để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo CNBC, giới đầu tư cũng tin tưởng các biện pháp mà chính quyền ông Donald Trump đưa ra, trong đó có phong tỏa… có thể ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.

Chứng khoán tăng điểm còn do Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý muốn mở cửa lại nền kinh tế, vừa chống dịch vừa vực dậy nên kinh tế trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Ông Trump muốn điều chỉnh biện pháp cách ly và để người lao động đi làm trở lại nhằm giúp nền kinh tế đang khó khăn.

Trên Fox News, ông Trump cho biết đã tìm cách nới lỏng các khuyến cáo người lao động nên ở nhà và đóng cửa trường học do lo sợ những biện pháp trên sẽ dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ và phá hủy đất nước. Ông Trump mong muốn các doanh nghiệp Mỹ sẽ mở cửa trở lại vào Lễ Phục sinh 12/4.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra một kế hoạch kích thích chưa từng có,  gồm một chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn. Ngân hàng trung ương Mỹ đã dùng tới cụm từ “không giới hạn” (unlimited) để nói về các khoản tiền mà cơ quan này sẽ sử dụng cho hoạt động mua tài sản sắp tới.

Cụ thể, Fed sẽ mua trái phiếu và chứng khoán có tài sản đảm bảo với khối lượng không giới hạn để bơm tiền vào nền kinh tế và thiết lập các chương trình cho vay khối lượng lớn để đảm bảo dòng chảy tín dụng thông suốt tới các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 lan mạnh.

Đây cũng là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, Fed can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nó cho thấy mức độ trầm trọng của nền kinh tế do những gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trước đó, Fed cũng đã có một cú đảo chiều chính sách gây sốc: trong vòng hơn 1 tuần đã hạ lãi suất 150 điểm phần trăm từ mức 1,5-1,75% xuống còn 0-0,25% nhằm bơm thêm tiền vào vực dậy nền kinh tế.

Trước đó, Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương Mỹ Fed đã lên kế hoạch về gói hỗ trợ vốn 4 ngàn tỷ USD để giúp doanh nghiệp đối phó dịch Covid-19. Với khoản tiền khổng lồ này, chính quyền ông Trump tin sẽ sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua 90-120 ngày sau đó.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh chưa từng có kể từ 1933 nhưng không có nghĩa là đã chạm đáy.

Chương trình cho vay này sẽ được thực hiện cùng gói kích thích tài khóa trị giá 2 ngàn tỷ đồng đang được thảo luận tại quốc hội Mỹ và đã thất bại trong phiên bỏ phiếu đêm qua.

Dù vậy, ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn thận trọng do số người lây nhiễm tại Mỹ vẫn tăng cao, thêm gần 10 ngàn người trong một ngày và lên trên ngưỡng 53 ngàn người, trong đó có 685 người tử vong. Trên toàn thế giới, đã có hơn 420 ngàn người nhiễm SAR-CoV-2, với hơn 18,8 ngàn người chết. Hiện số ca nhiễm virus corona chủng mới của Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc và Ý.

Hôm qua, Mỹ cũng đã công bố 3 thủy thủ trên tàu sân bay Theodore Roosevelt có kết quả dương tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2. Theodore Roosevelt hiện có khoảng 5.000 người trên tàu.

M. Hà