Đại diện các nước tại Hội nghị ngoại trưởng G20. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, hội nghị không đạt được sự nhất trí trong bối cảnh sự chia rẽ Đông - Tây ngày càng sâu sắc, giữa một bên là Trung Quốc và Nga và bên kia là Mỹ và châu Âu. Không có bức ảnh chụp chung hay thông cáo chung cuối cùng nào được đưa ra như những năm trước, tranh luận gay gắt cũng xuất hiện rộng khắp, đặc biệt là giữa Nga và đại diện các quốc gia phương Tây. 

Dù lần đầu tiên có mặt trong cùng một phòng, cùng một thời điểm, kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng phát, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov vẫn ngó lơ nhau. 

Ông Lavrov đã rời phiên họp của G20 ít nhất hai lần. Lần đầu khi người đồng nhiệm Đức Annalena Baerbock chỉ trích Moscow về cuộc giao tranh ở Ukraine và lần thứ hai ngay trước khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại cuộc họp qua video. Ông Lavrov cũng không có mặt khi Ngoại trưởng Mỹ lên án Nga tại cuộc họp kín. 

Ngoại trưởng của các nước thuộc G20 ngày 8/7 đã nhóm họp tại Bali, Indonesia. Nước chủ nhà tổ chức hội nghị là Indonesia đã kêu gọi các ngoại trưởng G20 giúp chấm dứt giao tranh ở Ukraine và những tác động của nó đối với an ninh lương thực, năng lượng. 

Tổng thống Putin cảnh báo việc trừng phạt Nga sẽ dẫn tới thảm họa

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/7 cảnh báo việc tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga có thể dẫn tới việc tăng giá ở thị trường năng lượng, khiến các hộ gia đình trên khắp châu Âu phải chịu mức giá cao hơn nhiều. 

Từ trước đến nay, 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu phụ thuộc vào Nga, phần lớn khí đốt được chuyển qua các đường ống. 

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức cấp cao, Tổng thống Putin nói: "Đúng vậy, chúng ta biết rằng châu Âu đang cố thay thế các nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, chúng ta đều cho rằng kết quả của những hành động đó sẽ làm giá khí đốt tăng lên, số tiền mà người tiêu dùng phải trả cũng tăng.

Tất cả những điều này lại một lần nữa cho thấy các hạn chế, trừng phạt với Nga gây nhiều thiệt hại hơn cho các nước áp đặt các biện pháp đó. Việc tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn, thậm chí là thảm khốc trên thị trường năng lượng toàn cầu". 

Ukraine tố cáo Nga tấn công 40 làng mạc, thị trấn ở Donbass

Hãng tin CNN dẫn nguồn tin quân đội Ukraine cho biết, hơn 40 làng mạc và thị trấn ở vùng Donbass đã bị tấn công trong 24h qua.

Theo Bộ Tham mưu Ukraine, các lực lượng Nga đang tiến về các thành phố Bakhmut và Sloviansk, phía tây biên giới Luhansk và Donetsk. Trong khi đó, chính quyền quân sự vùng Donbass cho hay, Sumy ở phía bắc và Kryvyi Rih ở phía nam bị trúng hỏa lực. Ở phía nam Ukraine, nhiều ngôi làng ở Kherson và Mykolaiv đang bên bờ của sự hủy diệt. 

Trong lúc chống đỡ các cuộc tấn công của quân Nga, các lực lượng Ukraine đồng thời tấn công các nhà kho quân sự của Nga tại Kherson lúc rạng sáng thứ sáu. Cố vấn của người đứng đầu chính quyền quân sự Kherson, ông Serhii Khlan cho biết, hỏa lực của Ukraine đã phá hủy các nhà kho và kho dự trữ của quân Nga. Ông Khlan cho biết, đã có 3 cuộc tấn công nhằm vào các nhà kho ở Nova Kakhovka - một thị trấn ở Kherson.