Tới đầu giờ sáng 21/3, giá vàng thế giới giảm xuống dưới ngưỡng 1.980 USD/ounce (khoảng 57,2 triệu đồng/lượng) trong bối cảnh nguy cơ một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu lắng dịu.
Trước đó, giá vàng đã tăng hơn 100 USD sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào đầu tháng 3. Vàng được xem là một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn tài chính.
Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng ngân hàng dịu bớt sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse theo sự thúc giục của Chính phủ Thụy Sĩ.
Hôm 19/3 (rạng sáng 20/3 giờ Việt Nam), thị trường tài chính thế giới ghi nhận thêm một cú giải cứu lịch sử. Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý “mua lại khẩn cấp” ngân hàng lớn thứ hai nước này - Credit Suisse (có lịch sử 167 năm hoạt động) trong nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng lan ra châu Âu và thế giới.
Credit Suisse thoát khoảnh khắc sụp đổ của Lehman Brothers 15 năm trước.
Trước đó, ngân hàng trung ương nhiều nước và một số ngân hàng lớn trên thế giới đã có những động thái chung tay ngăn khủng hoảng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã vào cuộc để giải quyết vụ sụp đổ của hai ngân hàng SVB và Signature Bank. Trong tuần trước, một số ngân hàng lớn đã có động thái dùng 30 tỷ USD để giải cứu ngân hàng First Republic Bank (Mỹ).
Những nỗ lực này khá tích cực. Thị trường tài chính toàn cầu đã bớt biến động mạnh.
Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ cũng giảm khá mạnh xuống 3,48%, thay vì mức 3,7% cách đây một tuần, hay mức 4%/năm hồi đầu tháng 3/2023.
Giới đầu tư thở phào sau thương vụ lịch sử UBS - Credit Suisse. Dòng tiền không còn ồ ạt tìm đến vàng và USD như một kênh trú bão. Hoạt động bán tháo trái phiếu cũng không còn diễn ra mạnh nữa.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 20/3 đồng loạt tăng mạnh, với kỳ vọng cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đã được giải quyết.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 20/3 (rạng sáng 21/3 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tăng 382,60 điểm (tương đương tăng 1,2%) lên 32.244,58 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng gần 0,9%...
Cổ phiếu các ngân hàng khu vực khởi sắc, phục hồi từ đà lao dốc hồi tuần trước.
Quy mô thị trường chứng khoán Mỹ hiện khoảng 50 nghìn tỷ USD.
Sự bất ổn vẫn còn
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn còn. Giới đầu tư dự báo có thể cần nhiều hành động hơn để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau khi các cơ quan quản lý Mỹ can thiệp vào các khoản tiền gửi không được bảo hiểm của SVB sau khi ngân hàng này sụp đổ hồi giữa tháng. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ phải cung cấp nguồn tài trợ mới cho các ngân hàng gặp khó khăn.
Trên CNBC, Giám đốc điều hành của Wealth Alliance cho rằng, một vấn đề đang tồn tại là: Những người có tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng khu vực đang cảm thấy lo lắng, còn hệ thống ngân hàng phải vận hành dựa trên sự tin tưởng và năng lực.
Theo đại diện Wealth Alliance, khách hàng chỉ gửi tiền tiết kiệm cả đời vào ngân hàng nào mà họ tin tưởng 100%.
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc cũng một phần do giới đầu tư đặt cược vào khả năng Fed sẽ không mạnh tay tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 21/3 tới sau khi thị trường tài chính ngân hàng rơi vào bất ổn hai tuần qua.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, khoảng 76% dự báo khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, 24% còn lại dự báo không.
Nhiều khả năng, Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chiến dịch thắt chặt mạnh tay.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ khó mạnh lên, qua đó làm giảm áp lực tỷ giá ở các nước, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có thể rảnh tay hơn trong việc chống lạm phát và hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.