Sáng 24/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 5 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 (TP.HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang) có tỷ lệ giải ngân thấp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số giải ngân của 5 địa phương đến hết tháng 3/2023 là hơn 2.553 tỷ đồng, đạt 2,74% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước (10,35%). Trong số này, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang giải ngân trên 5%, riêng TP.HCM giải ngân rất thấp, chỉ đạt 0,89%.

Lãnh đạo TP.HCM, An Giang, Sóc Trăng đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023 được giao.

Trong khi đó, Trà Vinh cam kết giải ngân trên 98% kế hoạch; Vĩnh Long cam kết giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 100% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương là 95% kế hoạch. 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, cần xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc mới triển khai thực hiện tốt. Ảnh: VGP

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề cập đến những vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật nêu trong báo cáo, có những nguyên nhân “nêu cho có chứ không sát thực”, chẳng hạn như “địa phương gặp khó khăn vì không thể chủ động quyết định việc nâng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương theo khả năng thu thực tế, dẫn đến không thể chủ động bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án mới để làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm”.

Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch đầu công trung hạn 5 năm Quốc hội đã phê duyệt danh mục cụ thể. Thủ tướng đã phân bổ vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư. Phần việc còn lại về mặt thủ tục phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu… là của địa phương. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân phải hết sức rõ ràng, không cần dài dòng nhưng phải trúng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn, chậm trình chủ trương đầu tư. Chẳng hạn như nguồn vốn 296 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của TP.HCM vẫn chưa được phân bổ, hơn 1 năm chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư.

Ông khẳng định: “Bộ KH&ĐT trình mà đủ thủ tục, không bao giờ tôi để chậm. Trong vòng 3-4 ngày ký để báo cáo hoàn thiện thủ tục cho các đồng chí làm”.

Phó Thủ tướng nêu vấn đề, trong điều kiện pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo như nhau, không ưu ái nơi nào, công bằng, công khai, minh bạch, tại sao các địa phương khác làm được, giải ngân đạt tỷ lệ cao, có nơi thiếu tiền phải xin thêm, có nơi lại không làm được. 

Đánh giá các địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, đối với những công trình trọng điểm, các bộ, ngành, địa phương bám sát văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023.

Đồng thời, cần xem nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ chính trị trong năm 2023 và kết quả giải ngân là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, sử dụng, đề bạt cán bộ. 

Theo Phó Thủ tướng, trong thời điểm hiện nay, có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, nếu không có chỉ đạo kịp thời, giao nhiệm vụ, quản lý, xử lý cán bộ một cách bài bản, đúng quy định thì việc đẩy mạnh giải ngân sẽ rất khó.

Ông cho rằng, giao nhiệm vụ phải có kiểm tra, đánh giá, không hoàn thành phải phê bình, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm, làm tốt phải được khen thưởng, đề bạt. Yếu tố cán bộ là rất quan trọng, công việc có được đẩy nhanh, sát sao, phương án có phù hợp, sáng tạo hay không chính là ở khâu này.