Tôm, cua Cà Mau "nhảy" giá

Theo ghi nhận của PV. Dân Trí, những ngày giáp Tết Nguyên đán, giá cua ở Cà Mau ở mức khá cao, dao động từ 350.000-800.000 đồng/kg. Nhiều thương lái thu mua cua ở Cà Mau dự báo, giá cua có thể tăng thêm trong những ngày sát Tết.

Theo các cơ sở thu mua, giá cua tăng cao do thị trường Trung Quốc ổn định trở lại. Mặt khác, hơn hai tuần qua, thời tiết ở Cà Mau chuyển lạnh nên việc thu hoạch cua cũng hạn chế. Một nguyên nhân nữa là sản lượng cua vào mùa này thường thấp hơn các mùa khác khiến nguồn cung thiếu hụt.

Bên cạnh cua thì tôm khô là một trong những mặt hàng luôn đắt khách của Cà Mau. Đặc sản này cận Tết cũng tăng giá từ 10-15% so với ngày thường.

Cua là một trong những đặc sản của Cà Mau (Ảnh: Dân Trí).

Giá tôm nguyên liệu kích cỡ lớn ở miền Tây cũng tăng cao. Tại Sóc Trăng, tôm thẻ kích cỡ 20 con/kg giá 290.000 đồng/kg, loại 25 con giá 240.000 đồng/kg, loại 30 con giá 195.000 đồng/kg. Đối với tôm kích cỡ nhỏ (50-100 con), giá dao động từ 96.000-125.000 đồng/kg.

Giá thanh long tăng gấp 3-4 lần

Sau một thời gian dài có giá rất rẻ, giờ đây giá thanh long vọt tăng mạnh. Các vựa thu mua ráo riết gom hàng với giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, thương lái thu mua thanh long ruột trắng từ 18.000-26.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ dao động từ 35.000-42.000 đồng/kg. Mức giá này tăng gấp 3-4 lần so với cách đây một tháng, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp cả chục lần.

Táo nhập khẩu giá cao vẫn đắt khách

Đứng đầu danh sách các loại trái cây nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam nên táo được bày bán la liệt chợ, siêu thị. Sát Tết Quý Mão 2023, loại táo phúc thần có giá từ 3-4 triệu đồng một hộp 9 quả vẫn đắt khách mua.

Nhân viên một cửa hàng trái cây nhập khẩu tại Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đây là táo Nhật Bản được nhập về Việt Nam. Khác với các loại táo Nhật có bán trên thị trường hiện nay, mỗi quả táo phúc thần đều được vẽ hình các vị thần tiên.

Hàng Trung Quốc đổ bộ chợ Tết, nhiều loại giá siêu rẻ

Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn ngập chợ Tết. Tại chợ truyền thống cũng như trên "chợ mạng", các loại rau quả, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn nhập khẩu từ Trung Quốc được bày bán la liệt với số lượng lớn. Trong đó, nhiều mặt hàng được rao bán với mức giá siêu rẻ, đặc biệt là mứt trái cây.

Đơn cử, mặt hàng hồng treo gió loại trái nhỏ giá 99.000 đồng/kg, rẻ bằng 1/5 so với hồng treo gió Đà Lạt; loại hồng tròn giá sỉ 55.000-65.000 đồng/kg; mứt kiwi xanh giá 75.000 đồng/kg; cherry đỏ, cherry xanh giá 58.000 đồng/kg; các loại mứt xí muội hồng, vàng, đen, xanh giá 67.000 đồng/kg...

Đa phần hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đều có giá rẻ, mẫu mã bắt mắt (Ảnh: NVCC)

Hàng hoá rủ nhau tăng giá sau khi thuế VAT tăng trở lại

Từ 1/1/2023, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá khi thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng trở lại, từ 8% lên 10%. Báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, nước mắm Chinsu cá hồi đang từ 40.000 đồng/chai thuỷ tinh 500ml tăng lên 45.000 đồng/chai. Tương ớt trước có giá 24.000 đồng/chai lên 25.000 đồng.

Đặc biệt, mì tôm tăng rất mạnh. Bột mì đang 10.000 đồng/gói lên 12.000 đồng/gói. Sữa cũng tăng giá.

Giá thịt lợn ở siêu thị rẻ hơn ngoài chợ

Một số siêu thị đã triển khai chương trình bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, giảm về mức chỉ còn từ 88 nghìn đồng/kg, thấp hơn thịt lợn ở ngoài chợ từ 20-30 nghìn đồng/kg, tuỳ loại.

Trong khi đó, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống vẫn neo ở mức cao. So với giá lợn hơi, giá thịt lợn ngoài chợ cao gấp 2-3 lần.

Giá thép xây dựng đồng loạt tăng

Nhiều doanh nghiệp thép thông báo tăng giá sản phẩm thép xây dựng từ ngày 12/1, với mức tăng từ 200.000-210.000 đồng/tấn.

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, các sản phẩm vật tư, vật liệu xây dựng đã quay đầu tăng giá trở lại sau đợt sụt giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022.