Theo hãng tin RT, hôm nay (25/7) trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga đã chia sẻ một đoạn video về cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander-M vào cơ sở được cho là thuộc sở hữu của một công ty xây dựng. Vụ tấn công đã tiêu diệt khoảng 100 tay súng bao gồm 40 huấn luyện viên nước ngoài, và 60 quân nhân Ukraine.

Một video khác Bộ Quốc phòng Nga chia sẻ vài giờ sau đó ghi lại cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander-M vào Nhà máy Thiết giáp Kharkiv. Hai xưởng sửa chữa xe bọc thép đã bị phá hủy trong cuộc tấn công, khiến hoạt động của cơ sở này bị tạm dừng.

Hồi đầu tuần, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết một cuộc tấn công đã nhằm vào một điểm triển khai dành cho các huấn luyện viên nước ngoài ở thị trấn Dergachi ở vùng Kharkiv. Cơ sở này đã bị phá hủy bằng hệ thống Iskander-M, và khoảng 50 người nước ngoài được cho đã bị tiêu diệt trong vụ tấn công. 

Các cuộc tấn công trên diễn ra sau khi Moscow nhiều lần cảnh báo bất kỳ nhân viên quân sự, hoặc vũ khí được gửi từ nước ngoài tới hỗ trợ Kiev đều bị coi là mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga.

Hiện không rõ có bao nhiêu huấn luyện viên nước ngoài đang hoạt động ở Ukraine. Tuy nhiên, đầu tháng này, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga cho hay quân đội Pháp ngày càng “lo ngại” về số lượng gia tăng người Pháp thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố các huấn luyện viên quân sự phương Tây đã “có mặt từ lâu” ở Ukraine “dưới vỏ bọc lính đánh thuê”, và tiếp tục hứng chịu thương vong.

Đức ra điều kiện với Nga 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố để ngăn chặn việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở Đức, trước tiên Nga phải dừng xung đột với Ukraine. 

“Điều đầu tiên Nga nên làm (để ngăn chặn Đức tiếp quản vũ khí của Mỹ) là chấm dứt xung đột chống lại Ukraine, và từ bỏ nỗ lực chinh phục Ukraine”, tờ European Pravda dẫn lời ông Scholz.

Theo ông Scholz, việc triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Đức sẽ có tác dụng răn đe, đảm bảo Đức không bị tấn công. Thủ tướng Đức cũng bác bỏ những lo ngại cho rằng, kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với Nga.

Cũng theo ông, Đức "cần lực lượng và khả năng răn đe bên cạnh những gì đã có như tên lửa hành trình, và vũ khí tầm xa thông thường".

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Mỹ và Đức đã đồng ý triển khai tên lửa Tomahawk ở Đức để tăng cường khả năng răn đe, và bảo vệ các đối tác NATO.

Tuy nhiên, hôm 13/7, phát ngôn viên Điện Kremlin tuyên bố các thủ đô châu Âu có thể trở thành mục tiêu "tiềm năng", nếu như các nước châu Âu đồng ý triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ.