Sự lớn mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc di dân khổng lồ vào châu Âu hiện nay.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã góp phần đưa tới khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, theo tờ National Interest, thì chính quyền của Tổng thống George W. Bush mới là nguyên nhân tạo ra những rắc rối địa chính trị ngày nay.

Trước tiên, Tổng thống Bush đã lấy vụ tấn công khủng bố của những người Saudi được huấn luyện ở Afghanistan gây ra, để làm cái cớ tiến hành cuộc chiến xâm lược nhằm vào Iraq, một mục tiêu từ lâu của những người tân bảo thủ nhằm lập lại trật tự tại Trung Đông.

{keywords}

Những người chủ chiến lên kế hoạch thiết lập một chính quyền tự do thân phương Tây, làm con rối cho Mỹ, thân thiện với Israel, và là nơi Mỹ đóng các căn cứ quân sự chống lại các nước láng giềng. Những kế hoạch này đều thành vô ích.

Hơn một thập niên sau đó, các nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng, cuộc xâm lược Iraq là một sai lầm lịch sử, một sai lầm tồi tệ nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Thứ hai, sau khi lật đổ Saddam Hussein, chính quyền Mỹ đã quản lý rất kém về mọi mặt trong thời gian đóng tại đây. Mỹ không thể nắm quyền kiểm soát, để tình trạng cướp bóc xảy ra tràn lan, giải tán quân đội, gây nên sự bất mãn và thất nghiệp trong giới trẻ.

Sau đó, Washington tìm cách tái thiết lại xã hội Iraq, thúc đẩy thể chế kiểu Mỹ và bố trí các nhân sự chính trị kiểu Mỹ, thậm chí ngay đối với các quy định giao thông tại Baghdad.

Tuy nhiên, chính quyền đã lập một chế độ có tính bè phái tại Iraq, trong bối cảnh xung đột nổ ra và Iraq bị xé lẻ. Khoảng 200.000 người Iraq đã bị thiệt mạng, hàng trăm ngàn người Công giáo bỏ xứ, và hàng triệu người Iraq mất nhà cửa.

Giữa cơn bạo loạn chết chóc và bất hòa nội bộ thì chính quyền lại bảo trợ cho ‘sự trỗi dậy của dòng Sunni’ mà thông qua đó, các bộ tộc dòng Sunni chống lại al-Qaeda tại Iraq. Tuy nhiên, Washington không đạt được mục tiêu then chốt và cơ bản trong việc hòa giải các phe phái.

Chính quyền Tổng thống Bush tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ Thủ tướng Maliki ngay cả khi họ tấn công người Sunni, tạo đà cho sự tan rã của Iraq. Lực lượng al-Qaeda tại Iraq sống sót, và chuyển hóa thành IS.

Chính quyền Bush sau đó còn trở thành một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu cho IS, khi mà các binh sĩ Iraq đào ngũ và gia nhập lực lượng IS, bỏ lại các vũ khí đắt đỏ và công nghệ cao mà năm ngoái máy bay Mỹ đã phải phá hủy.

Thứ ba, Iraq đã không chấp nhận để cho quân đội của Tổng thống Bush tiếp tục hiện diện tại đây. Thực tế, quân đội Mỹ không có nhiều ảnh hưởng tới các chiều hướng chính trị tại Iraq, trừ khi họ trợ giúp và triển khai các chiến dịch chống bạo loạn – điều mà họ không hề làm.

Tóm lại, nếu chính quyền Bush không quyết định thổi bay Iraq, thì IS sẽ không xuất hiện. Cuộc xâm lược này là sai lầm then chốt. Sự chiếm đóng vụng về đã làm cho sai lầm ban đầu thêm trầm trọng. Tổng thống Bush chính là người chịu trách nhiệm chính cho cơn hồng thủy mang tên IS.

Giống như người tiền nhiệm, chính quyền Obama đã can thiệp quá sâu trong khi đáng ra phải làm ngược lại.

Tổng thống Obama vẫn hậu thuẫn cho chính quyền ông Maliki bất chấp các hành động quá giới hạn về mặt phe phái. Điều này đã khiến Washington chẳng tác động được là bao tới các chính trị gia dòng Shia để buộc họ nhượng bộ cho những người dòng Sunnis bất mãn.

Còn tại Syria, Washington đã tình cờ ngăn một nhượng bộ được thỏa thuận giữa Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập ôn hòa bằng cách nhất quyết đòi phương án ông này phải ra đi. Nhiều người phản đối chính quyền tin rằng, Mỹ sẽ giúp sức lật đổ ông Assad, cản trở một thỏa thuận có thể đã giúp chấm dứt hoặc ít nhất là có thể hạn chế xung đột sớm hơn.

Sau đó, chính quyền Mỹ bác bỏ sáng kiến của Nga. Tờ Guardian mới đây đưa tin rằng, cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisarri đã tổ chức hội đàm hồi tháng 2/2012 với các đại diện thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó Moscow có đề xuất việc ông Assad ra đi như là một phần của đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, Washington cùng với Pháp và Anh tin rằng, ông Assad buộc phải bị lật đổ. Do đó, họ bác bỏ đề xuất của Nga. Vào thời điểm đó đã có 7.500 người Syria thiệt mạng, nhưng chưa thấm tháp vào đâu so với con số 250.000 người chết hiện nay.

Tổng thống Obama đã không làm hơn ngoài việc kiềm chế IS. Thậm chí, Mỹ trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho IS, sau khi các phong trào nổi dậy ‘ôn hòa’ do Washington hậu thuẫn liên tục đầu hàng trước các lực lượng cực đoan hơn.

Một trong những chỉ huy tốt nhất của IS là Abu Omar al-Shishani đã từng được Mỹ huấn luyện làm thành viên đặc nhiệm Gruzia. Hai năm trước, al-Shishani gia nhập IS và đóng vai trò hàng đầu trong việc tổ chức tấn công vào lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.

Thảm kịch đang tràn ngập khắp Trung Đông. Và Washington chịu trách nhiệm chính cho thảm kịch xung đột này. Dù Tổng thống Obama có chia sẻ trách nhiệm thì chính Tổng thống George W. Bush mới là người đưa ra các quyết định quan trọng dẫn tới sự trỗi dậy của IS.

Lê Thu