Về lý thuyết, cuộc đấu giành tấm vé đại diện Đảng Dân chủ để chạy đua vào Nhà Trắng vẫn tiếp diễn, nhưng thực sự thì có thể nói nó đã kết thúc vì Hillary Clinton đang nắm chắc phần thắng.


Đó là nhận định của Josh Barro, biên tập viên cấp cao phụ trách các chuyên mục chính trị và kinh tế của báo Business Insider.

{keywords}
Bà Hillary Clinton (Ảnh: Reuters)

Theo ông Barro, kết quả này không chỉ vì ứng viên Bernie Sanders dễ dàng thua đậm ở New York ngày 19/4 mà còn bởi ông khó mà đạt được tất cả các khoảng cách cần thiết để vượt qua đối thủ cùng đảng.

Hiện tại, Hillary Clinton đã có trong tay 55% số đại biểu cam kết ủng hộ và hơn ông Sander gần 2,7 triệu phiếu bầu.

Điều này nghe có vẻ không quan trọng nhưng gần 2/3 số đại biểu cam kết đã được phân chia, vì vậy như bình luận của Nate Cohn của báo New York Times, Sanders cần phải chiến thắng các chặng đua còn lại với khoảng cách trung bình 18 điểm thì mới có thể lật ngược tình thế về số đại biểu đã cam kết.

Nhưng đến giờ ông mới chỉ đạt được khoảng cách như vậy ở bang New Hampshire và quê nhà Vermont, trong khi các bang mà Sanders chiếm ưu thế thường có ít dân.

Trang FiveThirtyEight đã đưa ra một lịch trình cập nhật về những gì ông Sanders phải hoàn thành ở những chặng đua còn lại thì mới đạt được đủ số đại biểu cam kết. Ông cần chiếm được tất cả các bang ngoại trừ Maryland và Delaware và phải đạt khoảng cách vừa vững chắc vừa áp đảo.

Dựa trên những kết quả đã công bố hoặc thăm dò dư luận hiện thời thì thành tích này là gần như không thể có được.

Trên MSNBC tối ngày 19/4, Jeff Weaver - người quản lý chiến dịch của Bernie Sanders - đã cố gắng vạch ra một lộ trình để Sanders vượt lên đối thủ. Chẳng hạn, ông nhắc đến Oregon như một bang mạnh cho Sanders. Điều này có thể đúng, nhưng phân tích của FiveThirtyEight cho thấy Thượng nghị sĩ này phải thắng vượt 51 điểm thì mới khả thi.

Biên tập viên Josh Barro kết luận: Sanders bị bỏ lại quá xa phía sau, và quá muộn để ông có thể bắt kịp Hillary Clinton.

Có ý kiến cho rằng Sanders đã chiến thắng ở 7 trong 8 chặng đua cuối cùng trước chặng New York. Đúng là như vậy nhưng phần lớn đều là các bang nhỏ ít người.

Trong khi đó, đến giờ này, Hillary Clinton đã thu về khoảng 57% tổng số phiếu, một phần vì bà giành được nhiều chiến thắng lớn ở miền Nam, chẳng hạn tới 83% số phiếu ở Mississippi. Tính chung, bà đã chiếm được nhiều bang hơn và với các khoảng cách lớn hơn so với ông Sanders.

Cuối cùng, Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng nhờ các siêu đại biểu. Họ là các đại biểu "tự động", trong đó có các quan chức được bầu của Đảng Dân chủ và các thành viên của Ủy ban quốc gia Dân chủ, những người có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ai họ muốn. Hầu hết đều đã xác nhận ủng hộ cựu Ngoại trưởng. Nhưng kể cả không có họ thì nữ chính trị gia cũng đã đạt được một khoảng cách dẫn đầu quá lớn.

Có một giả thuyết là các siêu đại biểu có thể đổi ý và trao tấm vé đại diện cho ứng viên Sanders. Đó là một kịch bản mà đội ngũ chiến dịch của ông đã công khai bàn tính. Nhưng làm sao viễn cảnh này có thể thành hiện thực, bởi nó sẽ phản dân chủ.

Hillary Clinton đã dẫn đầu ở khoảng cách xa và vững chắc về số đại biểu cam kết và phiếu phổ thông, nên việc Sanders kêu gọi các siêu đại biểu cự tuyệt nguyện vọng của cử tri sẽ là điều không thể. Vì vậy có thể nói cuộc đua giành tấm vé ứng viên Tổng thống đại diện cho Đảng Dân chủ đã có kết quả phân định thắng thua.

Thanh Hảo

Donald Trump và Hillary Clinton đại thắng

Cả hai ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Hillary của Đảng Dân chủ đều giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng ở New York.

Hillary Clinton cãi vã kịch liệt với đối thủ

Hillary Clinton đã dùng từ "lố bịch" để mô tả cáo buộc của ứng viên đối thủ Bernie Sanders rằng bà "không đủ năng lực" để trở thành Tổng thống Mỹ.

Donald Trump lại tuyên bố sốc

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin ông có thể giúp nước Mỹ thoát hẳn khoản nợ 19 nghìn tỷ USD chỉ trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống.