Từ đầu năm học mới, một “Siêu thị đồng phục 0 đồng” được mở ở Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương.

"Hàng hóa" ở "siêu thị" là quần áo đồng phục mới hoặc đã qua sử dụng do học sinh trong trường quyên góp, để “Ai cần hãy lấy - Ai có hãy tặng”, nhằm giúp cho các bạn trong trường không có điều kiện vẫn có thể thực hiện tốt nội quy mặc đồng phục theo quy định.

                     Cô giáo Nguyễn Hồng Hà – Tổng phụ trách Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) là người đưa ra ý tưởng về "Siêu thị đồng phục 0 đồng". Ảnh: NTCC.

Chia sẻ với VietNamNet, bà Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương - cho hay ý tưởng này của các thầy cô giáo trong trường nảy sinh từ việc từ tháng 10/2022, học sinh sẽ phải đi học nhờ tại nơi khác trong thời gian xây sửa trường. Do vậy, để nhận diện và đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường quy định số ngày mặc đồng phục nhiều hơn so với mọi năm.

“Trong khi đó, qua khảo sát, số lượng đăng ký mua đồng phục đầu năm thấp. Qua tìm hiểu của các giáo viên, chúng tôi biết nhiều gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kinh tế rất khó khăn, không có điều kiện mua nhiều đồng phục.

Như thông lệ đầu các năm học trước, những học sinh trong danh sách có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà trường xin nhà may hỗ trợ đồng phục mới. Song năm nay, theo thống kê, số lượng các học sinh không mua được đủ đồng phục rất nhiều. Việc xin hỗ trợ từ nhà may không khả thi như mọi năm, vì vậy các thầy cô nảy sinh ý tưởng quyên góp đồng phục không dùng đến để trao tặng cho các em không thể mua mới”.

Bà Thảo cho hay trước đây, nhà trường cũng từng tổ chức hoạt động này nhưng thường không phát cho chính học sinh tại trường mà để làm từ thiện ở những vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên năm nay, trước tình hình thực tế cần thiết và phù hợp, nhà trường quyết định hỗ trợ ngay cho các học sinh của chính trường mình.

Hơn 1.300 đồng phục đã được quyên góp tới "Siêu thị 0 đồng" đễ hỗ trợ các học sinh có nhu cầu. Ảnh: NTCC.

Ý tưởng này sau đó đã được toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường hưởng ứng sôi nổi.

Sau khi nhà trường phát động mở "Siêu thị đồng phục 0 đồng", nhiều phụ huynh và học sinh, trong đó có cả những học sinh đã ra trường, nhanh chóng ủng hộ.

Sau khi tiếp nhận đồng phục gửi tặng, các giáo viên phân loại, là phẳng trước khi treo ra "Siêu thị đồng phục 0 đồng". Phần lớn các bộ đồng phục đã được phụ huynh và học sinh giặt sạch, gấp gọn gàng theo từng bộ trước khi tặng.

Bước đầu, toàn trường đã thu được hơn 1.300 chiếc áo, quần đồng phục còn sử dụng tốt, làm sạch và được chính các bạn trong Ban chấp hành Liên đội treo lên, giới thiệu cách thức nhận đồng phục 0 đồng tới học sinh toàn trường.

Chị Lê Hiền (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) chia sẻ rất vui khi nhà trường và các con có một mô hình hoạt động ý nghĩa. Sau khi biết thông tin, chị đã cùng con tìm lại những bộ đồng phục đã bị chật song còn mới để gửi tới trường.

“Mình rất vui khi ở trường con không chỉ có học mà còn được tham gia những hoạt động như thế này. Thông qua những việc tưởng chừng rất nhỏ này nhưng tôi tin các con sẽ được bồi đắp một trái tim biết yêu thương và những suy nghĩ, lối sống nhân văn” - chị Hiền nói.

Đến thời điểm hiện tại, các bộ đồng phục cũng đã được học sinh có nhu cầu nhận gần hết.

“Siêu thị đồng phục 0 đồng” được đặt trước thư viện nhà trường, mở cửa mỗi ngày 30 phút, từ 16h30 đến 17h, và lúc tan học phụ huynh có thể vào lựa đồ cùng con em mình.

"Siêu thị đồng phục 0 đồng" được đặt trước thư viện của Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương để học phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng lựa chọn nếu cần. Ảnh: NTCC

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho hay, Phòng rất ủng hộ, hoan nghênh mô hình xuất phát từ sáng kiến của nhà trường.

“Đây là hoạt động ý nghĩa, giúp hỗ trợ học sinh khó khăn có thêm điều kiện để học tập. Đồng thời qua đó giáo dục học sinh về sự sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong mọi mặt.

Phòng GD-ĐT quận Ba Đình cũng tuyên truyền, động viên, khuyến khích các trường trên địa bàn tham khảo, nhân rộng mô hình.

Đặc biệt không chỉ với đồng phục, các nhà trường cũng có thể triển khai thêm về thiết bị, đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách tham khảo... để thêm nhiều học sinh được giúp đỡ, nhiều nghĩa cử đẹp được lan toả, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc trên toàn quận” - ông Thuận chia sẻ.