Con đường này mang tên "Biết ơn". Sự Biết ơn cũng là chủ đề hướng tới của Trường Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) ở năm học mới 2022-2023. Nhà trường thiết kế con đường ở vị trí trung tâm, để hàng ngày học sinh đến trường, vào lớp đều phải đi qua và trải nghiệm, kể cả những ngày không có giờ học liên quan. 

Trước đó, trong lễ khai giảng năm học 2022-2023, Trường Tiểu học - THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) đã tổ chức những hoạt động như: Kết nối yêu thương: con và cha mẹ rửa chân cho nhau, Tiệc trà biết ơn, Tọa đàm biết ơn... Nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt, xúc động khi được con thể hiện tình cảm hay lần đầu tiên được con rửa chân cho mình...

Con đường mới "thông xe"

Con đường được hình thành từ ngày khai giảng năm học mới này, được chia thành 5 trạm biết ơn: Nước, Đất, Cây xanh, Người và người, Chính mình.

“Ở con đường này, rất nhiều thông điệp, hình ảnh để gợi lên những suy nghĩ. Như ở phần nói về mẹ, chúng tôi muốn để cho đứa trẻ hiểu được rằng khi sinh con ra mẹ đã phải chịu những rủi ro, đau đớn và những mất mát như thế nào, rồi mẹ đã chăm con từng bữa ăn, từng giấc ngủ , khi ốm đau... ra sao.  

Nhưng thay vì gợi lên những điều đó để giáo điều sự biết ơn, thì chúng tôi đặt ra những câu hỏi như: Bạn đã hành xử như thế nào khi đón nhận những điều này? Bạn đã vô tâm như thế nào khi không biết đến những điều này? Bạn đã ôm mẹ một lần để nói lời cảm ơn chưa? Bạn đã từng hỏi mẹ đau, mẹ khổ như thế nào mỗi lúc con không nghe lời, làm việc sai trái?...

Tức là, thay vì bảo đứa trẻ “Hãy biết ơn đi” thì chúng tôi gợi cho các em nhận ra những điều mà mình còn vô ơn, từ đó mới dần khởi sinh sự biết ơn trong chính các em” - thầy Phạm Tuấn Đạt, Giám đốc điều hành của Hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức chia sẻ.

Một số bức tranh về sự biết ơn được trưng bày dọc lối con đường Biết ơn

Thông qua những câu chuyện, mô hình, hình ảnh được trưng bày dọc con đường mà học sinh, phụ huynh và giáo viên thêm hiểu sự hữu ích của những điều xung quanh như đất, nước, cây xanh, con người và chính mình. Qua đó, mọi người có thể thức tỉnh và trân trọng những gì mà mình đang có.

“Xuyên suốt hết các chủ đề, điểm kết thúc của con đường là một tấm gương. Mục đích là để khi các em soi vào, thông điệp sẽ là còn một người nữa để nói lời biết ơn, đó là chính mình.

Bởi chỉ khi học sinh và ngay cả phụ huynh, giáo viên hay tất cả chúng ta biết trân trọng cơ thể, mạng sống, biết yêu quý và bảo vệ mình thì mới có sự trân trọng, bảo vệ những thứ khác xung quanh” - thầy Đạt giải thích và cho rằng con đường này cũng giúp nhà trường giáo dục thể chất ngay từ tư tưởng, tinh thần.

Thầy Phạm Tuấn Đạt cho hay với mỗi năm học, nhà trường đều xác định một chủ đề để cho toàn bộ những sự kiện, hoạt động diễn ra trong năm học đều xuyên suốt, hướng theo chủ đề đó. Năm học của sự Biết ơn là tiếp nối từ các chủ đề của những năm học trước như sự Hiểu biết, sự Tử tế, sự Trưởng thành.

“Thường khi đưa ra một chủ đề, chúng tôi nghĩ đến việc làm sao để không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà phải được cụ thể hóa vào trong từng hoạt động hằng ngày của học sinh - hoạt động chung ở trường lớp và khi các em ở nhà”.

Ý tưởng xây dựng Con đường Biết ơn bắt nguồn từ việc nhà trường muốn chỉ cho học sinh thấy rằng có quá nhiều thứ mà các em nhận được hàng ngày song thường coi là chuyện hiển nhiên và qua đó gợi lên, để các em hiểu rằng cần trân trọng và biết ơn những điều đó.

Con đường không chỉ để đi qua

Không chỉ thiết kế để học sinh đi qua hàng ngày, con đường Biết ơn còn chính là nơi học tập của học sinh nhà trường.

Với những môn văn hóa như Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử, Đạo đức..., giáo viên hoàn toàn có thể chủ động lấy chất liệu từ con đường này để thiết kế đưa vào bài giảng. Hiện, nhà trường đang thiết kế 2 tuần sẽ có một tiết trong chương trình để học sinh mỗi lớp trải nghiệm con đường này.

“Vẫn là những chủ đề trong sách giáo khoa, tức vẫn giữ được khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT, nhưng chúng tôi lồng ghép, nhưng đưa các chất liệu này vào để trải nghiệm, làm minh họa cho bài học” - thầy Đạt chia sẻ.

Trên con đường biết ơn này còn thể hiện những cam kết hay in dấu vân tay của học sinh để hành động. Cam kết của học sinh có thể từ những điều nhỏ và đơn giản nhất như một nụ cười, ánh mắt, một câu cảm ơn, tiết kiệm nước, bỏ rác đúng chỗ, không lãng phí đồ ăn…

Các giáo viên cũng sẽ sử dụng con đường Biết ơn này cho một loạt các hoạt động xuyên suốt trong cả năm học của mỗi lớp.

Chẳng hạn như học sinh, phụ huynh, thầy cô có thể tự trải nghiệm con đường hoặc theo từng nhóm có giáo viên hướng dẫn và giải thích. Với những học sinh lớp 1 và lớp 2 có thể sau trải nghiệm là thực hành vẽ, miêu tả lại con đường biết ơn và cảm xúc của mình. Khối 3 có thể đúc kết về con đường Biết ơn như thế nào thông qua sơ đồ tư duy và trình bày những gì học được... Hay học sinh lớp 8 và 9 có thể đưa những chất liệu, thông điệp rút ra từ con đường Biết ơn vào những bài văn, bài kiểm tra...

Qua đó, nhà trường có thể truyền đạt thông điệp một cách có kết nối và giáo viên cũng có thể đánh giá học sinh.

Thầy Đạt trao đổi với học sinh về chủ đề Sự Biết ơn.

Cô Lê Thị Thúy Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A5 Trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức chia sẻ: “Có những việc mà từ trước tới giờ học sinh chưa nhận thức được, và có thể chỉ nghĩ biết ơn những điều mà bản thân nhận được rõ ràng như biết ơn cha mẹ, thầy cô vì cho mình kiến thức, nuôi ăn học, dạy bảo... Nhưng các em không biết những điều mà cuộc sống, thiên nhiên ban tặng như nước, cây, đất...

Qua sự giáo dục về lòng biết ơn, rồi hiểu và cảm nhận, các em sẽ có tinh thần bảo vệ, cam kết với chính mình qua từng hành động rồi truyền thông tới bố mẹ, gia đình, người thân và xã hội...”.

Tuy nhiên, theo cô Hằng, việc này cần có cả quá trình chuẩn bị. Trước đó, giáo viên đã yêu cầu các học sinh tự tìm hiểu tài liệu, trang bị kiến thức nền về những chủ thể liên quan. Để sau đó, khi tiếp cận với những hình ảnh, thông điệp trực quan từ con đường Biết ơn sẽ tạo nên kết quả tốt nhất.

“Tất nhiên, có thể không phải tất cả học sinh đều có thể cảm nhận được đến hết những thông điệp mà chúng tôi mong muốn truyền tải. Tuy nhiên, chắc chắn khi đã được khám phá, trải nghiệm thì ít nhiều các em cũng “chạm” được tới điều đó.

Ở ngày họp phụ huynh gần nhất, tôi thấy các em đã tự thể hiện được sự biết ơn với bố mẹ bằng việc đón tiếp, pha nước mời... mà giáo viên không phải định hướng.

Tôi nghĩ, chúng tôi phần nào đó đã gieo được trong các con những hạt mầm của sự biết ơn và muốn thể hiện tình yêu thương”, cô Hằng nói.

Cô Hằng giúp học sinh tiếp cận với những hình ảnh, thông điệp trực quan từ Con đường Biết ơn sẽ tạo nên kết quả tốt nhất. 

Em Nguyễn Ngọc Hải Anh (học sinh lớp 8A5) cũng bày tỏ thông gia những buổi trải nghiệm ở Con đường Biết ơn này, em cảm nhận được những điều mà trước đây ít hoặc thậm chí chưa từng để ý và trân trọng.

“Em cũng có chút hối hận vì trước đây cũng đã có những hành động như xả rác bừa bãi... Giờ đây em thay đổi, không vứt rác bừa bãi mà thay vào đó, mỗi khi trên đường gặp rác sẽ cúi xuống nhặt và cho vào đúng vị trí.

Em cảm thấy những cảm xúc trong mình cũng dồi dào hơn” - Hải Anh bày tỏ. 

Hải Anh (ngoài cùng, bên phải) cùng với những người bạn đọc những thông điệp trên mô hình.

Theo kế hoạch ban đầu, con đường này sẽ chỉ được duy trì 1-2 tháng và được thay bởi những hoạt động khác. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm, học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên nhà trường đều đề xuất giữ con đường đến hết năm học bởi ý nghĩa của nó mang lại.

“Phụ huynh cũng đề xuất làm sao đưa các tiết học kết nối, tương tác nhiều hơn với Con đường Biết ơn” - thầy Đạt vui mừng chia sẻ và cho biết thêm Con đường Biết ơn là một trong chuỗi những hoạt động mà trường tổ chức trong năm học 2022-2023 này như: Kỷ niệm về ngày quốc tế Hòa Bình, Ngày thế giới tử tế, hoạt động Lớp học hạnh phúc, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ...

Nhiều em cảm thấy hào hứng và thích thú với các loại mô hình và ý nghĩa thiết thực của tiết học.