Nhà trị liệu tâm lý Oleh Hukovskyi, người gia nhập quân đội Ukraine khoảng 6 tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, đang điều hành một nhóm hỗ trợ tâm lý cho các binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới biệt động số 67 tại thị trấn Lyman. 

Các lớp hỗ trợ bao gồm lý thuyết tâm lý cơ bản, và các kỹ thuật đối phó căng thẳng như bài tập thở. Trong khi hàng chục binh sĩ tham dự buổi trị liệu sẵn sàng trả lời các câu hỏi và đề xuất, ông Hukovskyi hiểu rằng bản thân chỉ có thể làm hết sức trong thời gian cho phép.

ke thu giau mat.jpg
Binh sĩ Ukraine bị thương tham gia trị liệu tâm lý tại một trung tâm y tế. Ảnh: Reuters

"Họ có nghĩa vụ, và phải quay trở lại tiền tuyến. Bất kỳ sự can thiệp nào của chúng tôi cũng chỉ có thể ổn định phần nào tâm lý cho binh sĩ. Họ không thể phục hồi hoàn toàn. Điều đó là không thể trong điều kiện làm việc hiện tại của chúng tôi", hãng tin Reuters dẫn lời bác sĩ Hukovskyi (41 tuổi). 

Nhiều binh sĩ sau khi được hỗ trợ tâm lý sẽ quay trở lại chiến đấu. Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng sẽ được đưa tới điều trị tại các trung tâm phục hồi nằm cách xa tiền tuyến.

Ông Hukovskyi là một trong hàng trăm chuyên gia và tình nguyện viên tham gia điều trị cho các binh sĩ Ukraine đang gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây cũng là vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong quân đội Ukraine. Bởi nhiều người tham gia quân đội Ukraine với tư cách tình nguyện viên, nên họ không có sự chuẩn bị để đối mặt những trận chiến khốc liệt dưới sự tấn công từ pháo binh, súng cối, và máy bay không người lái (UAV).

Quân đội Ukraine đang cố tuyển thêm người làm nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý cho binh sĩ trên tiền tuyến. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng và số binh sĩ đang phải điều trị tâm lý không được tiết lộ, vì đây được xem là bí mật quân sự

Reuters đã phỏng vấn 13 người tham gia hỗ trợ tâm lý, và 4 binh sĩ Ukraine đang điều trị từ vài ngày cho tới hàng tuần tại trung tâm phục hồi do bị chấn thương nặng hoặc mất chi. Họ đã nói về sự mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và tội lỗi, cùng tình đồng đội khiến họ có ý thức phải nhanh chóng trở về đơn vị chiến đấu. 

Ác mộng và sợ hãi

Theo ông Hukovskyi, các binh sĩ Ukraine không được luân chuyển thường xuyên. Trong bối cảnh xung đột kéo dài và các tuyến phòng thủ của Nga vô cùng chắc chắn, Kiev đối mặt với áp lực phải huy động thêm quân. 

“45 ngày là khoảng thời gian quan trọng mà một người lính có thể trụ lại trên tiền tuyến, và có cơ hội giữ được tinh thần khỏe mạnh. Nhưng hiện tại, các binh sĩ có thể bị triển khai với thời gian lâu hơn, khiến họ phải chịu nhiều chấn thương tâm lý và mệt mỏi khi chiến đấu", ông Hukovskyi nói.

ke thu giau mat 1.jpg
Nhà trị liệu tâm lý Oleh Hukovskyi hỗ trợ cho các binh sĩ Ukraine. Ảnh: Reuters

Tham gia lớp hỗ trợ tâm lý hồi tháng 11 của ông Hukovskyi có "DJ", một cựu công nhân nhà máy ở miền trung Ukraine, chia sẻ: “Tôi thường gặp ác mộng, và nó khiến tôi kiệt sức. Khi tôi được nghỉ ngơi, tôi cũng không thể ngủ được”. 

“Lần đầu tiên tham chiến và ra tiền tuyến, tôi chợt nhận ra tôi không hiểu gì về pháo cối, pháo xe tăng, pháo binh. Tâm lý của tôi không thể chịu đựng mãi được”, ông DJ (50 tuổi) tâm sự. 

Khi được điều tới mặt trận Lyman và chứng kiến hỏa lực của Nga tấn công 24/7, ông DJ giống như một số người khác đã mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, và sang chấn tâm lý.

Trong khi đó, binh sĩ Dmytro (24 tuổi) thuộc Lữ đoàn cơ giới biệt động số 21, thừa nhận “sau khi hứng chịu một trận pháo kích, tôi bắt đầu sợ hãi khi phải quay lại tiền tuyến”.

Sau thời gian điều trị, Dmytro cho hay “tôi hiện không còn sợ hãi và có thể quay trở lại vị trí chiến đấu. Nhưng chúng tôi cần các bác sĩ tâm lý vì rất nhiều binh sĩ đang bị căng thẳng”. 

Sau cuộc phỏng vấn của Reuters, ông DJ được giữ lại để điều trị thêm, trong khi Dmytro đã trở lại đơn vị chiến đấu.