- Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy chưa rõ, còn trùng lắp, không rõ trách nhiệm con gà hay cái trứng gây khổ sở người dân - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức sáng nay.

Có khi cái khó không phải là thủ tục

Thủ tướng nhìn nhận năm qua và mấy tháng đầu 2015, công tác CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức đã được Chính phủ, bộ ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã có bước tiến, đóng góp vào thành tựu chung kinh tế - xã hội.

“CCHC đã có tác động tích cực đến môi trường cạnh tranh. Đây là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị. Kết quả này cần tiếp tục phát huy chứ không phải thỏa mãn vì so với nhu cầu và mong muốn chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều”, Thủ tướng lưu ý.

{keywords}

Thủ tướng hoan nghênh một số địa phương, bộ ngành đã thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo. Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, Ngân hàng Thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh VN đứng thứ 78/189 nước và trong 10 nước ASEAN đứng thứ 7. Kết quả đó chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tướng cho rằng, còn nhiều thủ tục quy định ngay trong văn bản quy phạm pháp quy, từ thông tư đến nghị định có nhiều quy định không cần thiết vẫn tồn  tại, nhiều quy định không còn phù hợp chưa được sửa, nhiều quy định gây phiền hà tốn kém cho người dân và doanh nghiệp chậm giải quyết. “Chúng ta hội nhập rồi, tại sao các nước quản lí chặt nhưng thủ tục vẫn thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà ta không làm được?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng cũng cho rằng, chức năng nhiệm vụ của tổ chức bộ máy chưa rõ, trùng lắp, không rõ trách nhiệm, giữa con gà, quả trứng rồi quả trứng con gà làm khổ sở người dân, doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan cũng còn nhiều hạn chế. “Tôi rất hoan nghênh Quảng Ninh đã thanh lập Trung tâm hành chính công mà cái chính là giải quyết được sự phối hợp, xử lí được nhiệm vụ chức năng giữa các sở ngành, một đầu mối chứ không để người dân, doanh nghiệp đi từng nơi”, Thủ tướng nêu điển hình.

{keywords}
Mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng khen. Ảnh: V.Anh

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chứ. “Có khi không phải do quy định, do thủ tục mà do phẩm chất, do trách nhiệm, sự tận tình phục vụ. Hôm nay đến gặp nói cho thêm chữ này, ngày mai đến gặp đòi thêm dấu phết kia, rồi đặt ra những đòi hỏi vô lí”, Thủ tướng nhắc nhở.

Vấn đề quyết tâm của người đứng đầu trong cải cách cũng được Thủ tướng lưu ý. Bởi thực tế cơ chế chính sách như nhau nhưng chỉ số cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh khác nhau là do phụ thuộc vào sự lãnh đạo, quyết tâm của cấp ủy và lãnh đạo chính quyền. Nơi nào lãnh đạo có quyết tâm, tập trung cải cách thì nhân dân ủng hộ đồng tình.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần nhìn nhận cái nào chưa đạt được cần nghiêm tục nhìn nhận, rút kinh nghiệm. “Trong toàn cầu hóa, hội nhập thì yếu tố quyết định thành công là năng lực cạnh tranh quốc gia. Muốn có năng lực cạnh tranh thì môi rường đầu tư phải thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Thời buổi này làm gì có ngăn sông cấm chợ

Từ đó Thủ tướng đưa ra năm lưu ý. Thứ nhất là các ngành, các cấp phải quán triệt coi CCHC là khâu đột phá, nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên để từ đó có chương trình kế hoạch hành động, chỉ tiêu cụ thể.

{keywords}

Thứ hai là cải cách thể chế tập trung vào cơ chế chính sách, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN để làm hành lang pháp lí tạo môi trường cho nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng đã là kinh tế thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy tắc, quy luật của thị trường. Là phân bổ nguồn lực theo thị trường, giá cả theo thị trường, công khai minh bạch… “Cái gì chưa thị trường phải hoàn thiện, phải sửa. Thời buổi này làm gì có ngăn sông cấm chợ đâu các đồng chí. Làm gì có chuyện cấm cái này cái kia ra khỏi tỉnh”, Thủ tướng nói.

Vấn đề thứ hai trong cải cách thể chế được Thủ tướng lưu ý là đề cao quyền con người, quyền công dân, quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp mới ban hành. “Phải quản lí, nhưng quản lí để phát triển để đảm bảo các quyền của người dân. Chúng ta phải rà soát bổ sung, hoàn thiện thể chế theo hướng đó”, Thủ tướng yêu cầu.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương chú ý hai việc trong ban hành văn bản pháp quy là theo thẩm quyền và chú ý tính khả thi, hợp hiến, hợp pháp không thể ngăn song cấm chợ được. “Tới thời buổi này mà một tỉnh ra văn bản ngăn sông cấm chợ là không được. Nhiều văn bản đưa ra rồi sửa ngay, không khả thi, thực hiện không được. Ngay người quyết cũng không biết cách thực hiện làm sao”, Thủ tướng nêu thực tế và yêu cầu phải dũng cảm nhìn nhận phản hồi từ cuộc sống nếu thấy quy định nào không đúng thì phải sửa.

Vấn đề thứ ba được Thủ tướng lưu ý là cải cách thủ tục (TTHC) cần tập trung vào các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thủ tục khởi nghiệp, phá sản, thủ tục đất đai… những lĩnh vực liên quan đến chi phí xã hội rất lớn, tốn nhiều thời gian.. “Thủ tục không phải trên trời rơi xuống mà nằm ngay trong văn bản. Phải rà soát xem cái gì phù hợp, không phù hợp, thuộc thẩm quyền ai thì sửa theo hướng tạo thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, thông thoáng nhất cho dân và doanh nghiệp, chúng ta phải nhận phần khó về mình”. Tuy nhiên Thủ tướng cũng nhắc nhở thông thoáng không có nghĩa là không quản lí.

Thứ tư là tổ chức bộ máy cán bộ, công chức, công vụ. Thủ tướng yêu cầu rà soát chức năng nhiệm vụ cho rõ từng bộ phận một. Chức năng nhiệm vụ chưa rõ, chung chung thì khó xây dựng vị trí việc làm. Xác định vị trí việc làm mới xác định chức danh mà để thi tuyển. “Tôi hoan nghênh một số địa phương, bộ ngành đã thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, Bộ Nội vụ lưu ý đề án này để xác định rõ mục đích, yêu cầu, quy trình, quy chế… sớm trình Ban Bí thư để sớm có chủ trương thi tuyển tới đâu, chức danh nào".

Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu đưa ra tiêu chuẩn mới để đánh giá mức độ hoàn thành cán bộ công chức. Bởi vừa qua các nơi báo cáo lên bộ Nội vụ tổng hợp tỉ lệ hoàn thành nhiệm vụ ở các địa phương 0,5% còn các bộ 0,6% thì xã hội không đồng tình.

Vấn đề cuối cùng Thủ tướng lưu ý là chỉ đạo tập trung quyết liệt đưa công nghệ thông tin vào nền hành chính, cụ thể là thực hiện chính quyền, chính phủ điện tử. Làm sao khi cấp phép, nộp thuế… người dân đừng lên cơ quan nhà nước nữa, đừng gặp cán bộ nữa mà thực hiện qua mạng hết. Thứ hai trong nội bộ, họp hành cũng thực hiện trực tuyến, gửi tài liệu thông tin, báo cáo qua mạng, trừ những tài liệu mật để tiết kiệm thời gian, giấy mực…. “Nên sử dụng phương thức thuê dịch vụ bên ngoài làm, không nên mỗi ngành, địa phương thành lập bộ phận công nghệ thông tin gây tốn kém”, Thủ tướng nói.

Phương Nguyên