- Hàng loạt ngân hàng (NH) lớn báo lãi ấn tượng trong nửa đầu năm 2015. Điều này giải thích tại sao các đại gia sẵn sàng đổ hàng ngàn tỷ vào đây, bất chấp nhiều NH đang trong quá trình tái cấu trúc và nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông.
Sáu tháng đầu năm 2015, bên cạnh việc sáp nhập Ngân hàng Nhà ĐBSCL một cách gọn ghẽ thì BIDV đã có mức lãi khá lớn. Theo đó, BIDV đạt 3.016 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, BIDV cũng có tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản rất lớn với 25% so với cùng kỳ, lên 730 ngàn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm trước và 9,1% so với đầu năm. Huy động vốn thị trường 1 đạt trên 574 nghìn tỷ, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước, 11,2% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung 4,4% của toàn ngành ngân hàng.
Một “ông lớn” khác là Vietcombank (VCB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ và đạt 51,5% kế hoạch của năm. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của VCB đạt đến 6.034 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Dự phòng rủi ro của VCB ở mức 2.994 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,4%.
VietinBank (CTG) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3,9 ngàn tỷ cho dù NH cũng đã tăng trích lập dự phòng.
Hàng loạt ngân hàng lớn báo lãi ấn tượng trong nửa đầu năm 2015. |
Theo kế hoạch, trong năm 2015, ba NH này đều có kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế của BIDV là 7,5 ngàn tỷ đồng, Vietcombank 5,9 ngàn tỷ đồng và VietinBank 7,3 ngàn tỷ đồng. Mức cổ tức của CTG là 9% và BID chia là 9,4%, VCB là 10%.
Trong khi đó, nhiều NH cổ phần quy mô nhỏ hơn cũng liên tục báo lãi và vượt kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm 2015.
Eximbank ghi nhận lợi nhuận vượt 50% chỉ tiêu 1 ngàn tỷ đồng trước thuế đề ra cho năm nay.
AnBinhBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt 122,2 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 63.344 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2014; Dư nợ đạt 24.260 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014; Huy động là 40.949 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Tiên Phong Bank (TPBank) là một trong những NH đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015. Trong thời gian này, TPBank đạt 342 tỉ đồng, vượt 112% kế hoạch và đạt 55% kế hoạch cả năm.
Các đại gia sẵn sàng đổ hàng ngàn tỷ vào đây, bất chấp nhiều NH đang trong quá trình tái cấu trúc và nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông. |
Khá nhiều NH đang trong giai đoạn quyết liệt xử lý nợ xấu nhưng vẫn ghi nhận lợi nhuận ấn tượng. Eximbank dưới sự dẫn dắt của ông Phạm Hữu Phú trong 6 tháng đầu năm vẫn lãi 570 tỷ đồng. Trên thực tế, NH đã lãi gần 1,6 ngàn tỷ đồng nhưng đã dành phần lớn để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.
DongABank cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu. Đây cũng là lý do NH này quyết định không chia cổ tức 2014. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy, nhiều đại gia sẵn sàng đổ vốn vào NH này để nâng vốn lên 6 ngàn tỷ đồng ngay trong năm nay.
Có thể thấy, cho dù phải tăng cường trích lập dự phòng để phục vụ quả trình tái cấu trúc đang ở giai đoạn căng thẳng nhất nhưng không ít NH đã hoàn thành trên 50% chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm.
Lợi nhuận tăng cao một phần là nhờ vào tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Tăng trưởng toàn hệ thống NH trong gần 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt gần 6,1%, cao hơn rất nhiều so với mức 3,7% cùng kỳ năm trước.
Gần đây, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho một loạt NHTM như: VCB, CTG, VIB, TCB, TPBank, SHB, NCB… Trong đó, nhiều NH được giao chỉ tiêu cao tới hơn 30%. Đây là cơ sở để các NH mở rộng tín dụng và nâng cao lợi nhuận.
Những tín hiệu nửa đầu năm mới cho thấy, chỉ cần tín dụng tăng trưởng ở mức tương đối, các NH đã có kết quả lợi nhuận ấn tượng. Đấy là trong thời điểm khó khăn, lợi nhuận NH bị bào mòn bởi nợ xấu. Khi NH tái cấu trúc xong, đưa nợ xấu về dưới 3% thì chắc chắn kết quả kinh doanh còn ấn tượng hơn.
Không những thế, trong tương lai, lợi nhuận của các NH còn đến từ nhiều nguồn tiềm năng khác như: dịch vụ NH điện tử, chứ không còn thuần túy từ tín dụng như trong nhiều năm vừa qua. Gần đây, rất nhiều NH và tổ chức đầu tư trên thế giới bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực NH của Việt Nam. Hàng loạt các dịch vụ NH như: thanh toán qua mạng, thẻ tín dụng, ATM… đang thực sự là những mỏ vàng để các đại gia thèm muốn.
M. Hà