- Lãi suất cơ bản đang là một vấn đề gây tranh cãi lớn vì có sự vênh nhau giữa các luật. Đặc biệt, trên thực tế, khái niệm lãi suất cơ bản gần như không tồn tại trong hoạt động tín dụng.
Vậy có nên tiếp tục đưa khái niệm lãi suất cơ bản (LSCB) vào Bộ Luật Dân sự (BLDS) sửa đổi đang là đề tài được thảo luận sôi nổi trong diễn đàn của các tổ chức tín dụng (TCTD), các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp... Người thì nói cần đưa vào bởi trong BLDS năm 2005 đã có rồi, nay chỉ cần sửa cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống; người thì cho rằng LSCB từ nhiều năm nay đã là con số không có thực trên thị trường, trên thế giới không có, nên cần phải bỏ...
Có cũng như không
Từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không công bố LSCB mới, vẫn "đóng đinh" ở con số 9% trong khi thị trường thay đổi từng ngày từng giờ.
Mặc dù LSCB dường như không còn gắn với thời cuộc nhưng tình hình tài chính-tiền tệ của Việt Nam vẫn có những bước chuyển biến đáng ghi nhận.
Năm 2014, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB-.
Sự ổn định của Việt Nam được Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, cho biết: "Chúng tôi nghĩ việc đánh giá gần đây của tổ chức Fitch là một bước tiến tốt đối với Việt Nam". NHNN thể hiện rõ vai trò điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng nội tệ được duy trì ổn định; Dự trữ ngoại tệ tăng; Tài khoản thanh toán được bảo đảm cân đối, quan trọng nhất là lạm phát giảm và lãi suất cũng giảm xuống đáng kể trong thời gian 12 tháng liên tục...
Lãi suất cơ bản đang là một vấn đề gây tranh cãi lớn vì có sự vênh nhau giữa các luật. |
Từ thực tế này có thể thấy, LSCB hầu như không có vai trò trong bước tiến quan trọng này.
Tuy nhiên, cách đây chưa lâu, khi thị trường có biến động thì LSCB đã là một trong những công cụ tham gia vào quản lý kinh tế vĩ mô trong lĩnh vực tín dụng.
Các chuyên gia phân tích cho hay, vào đầu năm 2008, khi xuất hiện dấu hiệu của cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới mà khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ. Tại Việt Nam, nguy cơ lạm phát đang gia tăng mạnh.
Khi đó, LSCB xuất hiện. NHNN đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ- NHNN, việc điều hành lãi suất đã được thắt chặt. Theo quyết định này, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Cơ chế lãi suất này đã có tác động tích cực bình ổn thị trường trong thời kỳ khủng hoảng và các cú sốc bởi những thay đổi chính sách để chống lạm phát và suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, vai trò lịch sử đó đã đến lúc phải dừng lại cho phù hợp với những diễn biến mới của tình hình thị trường khi mà những tác động tích cực đã giảm dần và những tác động bất lợi đã xuất hiện, đó là lãi suất đã không phản ánh được quan hệ cung - cầu trên thị trường; các TCTD đã lách "trần cho vay" bằng các khoản phí...
Như vậy, qua những phân tích trên có thể thấy rằng, LSCB chỉ có tác dụng khi xuất hiện với vai trò để xử lý tình thế. Và vấn đề đặt ra ở đây là, một công cụ xử lý tình thế mang tính chuyên ngành cao có nhất thiết phải đề cập trong BLDS?
Tranh luận trái chiều
Trong các buổi thảo luận về vấn đề này, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ: "Nên có LSCB để chúng ta có một cái khung, một khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh những chính sách liên quan đến vấn đề lãi suất, tránh xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi, hoặc lợi dụng để trốn thuế".
Trên thực tế, khái niệm lãi suất cơ bản gần như không tồn tại trong hoạt động tín dụng. |
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu từng là Thống đốc lại có ý kiến: "Thực tế không có LSCB, các nước cũng không có... Về LSCB theo quy định tại Điều 483, đây là vấn đề khó. Hiện nay, chúng ta không có LSCB. Nói trung thực là như thế".
Phó Chánh án Tòa án NDTC Tống Anh Hào lại yêu cầu phải có LSCB để Tòa án có cơ sở giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp.
Ông phân tích: "Theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất theo thỏa thuận quy định không được vượt quá 150% LSCB. Ở Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng thì lãi suất theo thỏa thuận. Đối với các tranh chấp trong tổ chức tín dụng, hiện Tòa án giải quyết theo lãi suất thỏa thuận, còn ngoài tổ chức tín dụng thì giải quyết theo Điều 476"...
Những ý kiến này đã đặt vấn đề 'lãi suất cơ bản' trước đòi hỏi phải xem xét thận trọng và kỹ lưỡng để phù hợp với thực tế.
Trong khi đó, với các TCTD Việt Nam thì đã có hẳn một Bộ luật điều chỉnh là Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010.
Trong đó, Điều 91 nêu rõ: "2- Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. 3- Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng".
Nguyễn Minh Vân