Chủ tịch Lê Phước Vũ lên núi sống tĩnh tâm
Ông Vũ cho hay: “Nếu đang làm Cà Ná thì phải đứng công trường từ sáng đến tối ròng rã 1 tháng 30 ngày. Vì không làm Cà Ná nên giờ tôi ở trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui lắm, tâm an thì trí sáng, quý vị nào thích lên tắm suối, suối của tôi tuyệt vời”.
Lên núi rồi, người đứng đầu Hoa Sen chia sẻ ngộ nhận một điều rằng: "Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui".
Ông Vũ cho biết thêm, mặc dù ở xa nhưng bản thân vẫn nắm hết công việc, bởi không thể Chủ tịch hai mươi mấy năm nay đi đòi nợ, đi bán hàng, đi kiểm kê kho, đi xuống công trường,.. đến lúc cũng phải được nghỉ nếu không "chết sớm thì sao". Ngày xưa tay chân yếu giờ tay chân khỏe rồi, ông Vũ cho biết chỉ còn dùng cái đầu thôi, như vậy mới là Chủ tịch!
Ông Vũ cho biết ông đang ở ẩn trên núi, nếu ai có muốn gặp thì hãy lên núi. Ở Đà Lạt, ngay dưới chân đèo Bảo Lộc, có một ngọn núi ở đó.
Câu chuyện hôm nay của ông chủ Lê Phước Vũ Hoa Sen khiến ta nhớ ngay đến một lãnh đạo khác - ông Đặng Lê Nguyên Vũ của Tập đoàn Trung Nguyên. Cũng đột ngột biến mất và 5 năm trở lại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ mang một phong thái hoàn toàn khác.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng không tiếc tiền đầu tư
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng rót hàng tỷ USD vào dự án Vinfast và đang triển khai rầm rộ kéo dài về hướng Cát Bà. Bất động sản vẫn là mảng sinh lời chủ lực nhưng Vingroup cũng bắt đầu những dự án trăm tỷ đồng cho công nghệ.
Ngay sau khi công bố chiến lược mới với công nghệ là cốt lõi, thay vì gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ bất động sản như hiện tại, Vingroup đã thành lập công ty VinTech để tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.
Mảng bất động sản vẫn là mảng sinh lời chủ yếu cho Vingroup. Năm 2018, ông Vượng cũng đã tách mảng bất động sản thành thương hiệu Vinhomes (VHM) và đưa hàng tỷ cổ phiếu VHM lên sàn. Vinhomes trở thành DN địa ốc số 1 Việt Nam với tổng vốn hóa có lúc ước tính lên tới gần 15 tỷ USD.
Lần đầu lộ diện của thiếu gia tỷ phú Trần Đình Long
Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong (Đại Phong) vừa có thông báo giao dịch gửi sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HPG của công ty CP Tập đoàn Hòa Phát. Đáng lưu ý, ông Trần Vũ Minh, Giám đốc công ty Đại Phong, chính là con trai của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát.
Trước đó, ông Minh chưa nắm giữ cổ phiếu nào tại tập đoàn của cha mình. Điều này có nghĩa là nếu thương vụ mua 1 triệu cổ phiếu HPG thành công, thiếu gia nhà tỷ phú Trần Đình Long sẽ chính thức lộ diện ở tập đoàn Hòa Phát với tỷ lệ sở hữu 0,05%.
Tính đến ngày 30/6/2018, ông Long đang trực tiếp sở hữu hơn 534,17 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền hiện cũng nắm giữ 7,29% cổ phần tập đoàn này.
Bầu Đức tiền sẽ lại về như nước
Giá cao su thế giới bất ngờ tăng rất mạnh, đây là một thông tin tốt lành cho các doanh nghiệp ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vốn đã bỏ ra số tiền cả chục ngàn tỷ đồng để đầu tư trồng cao su với diện tích khoảng 40 ngàn hecta tại vùng đất Attapeu khô cằn ở Nam Lào.
Sau 5 năm, những vườn cao su đầu tiên đã cho mủ và cho tới nay diện tích khai thác hiện lên tới khoảng 18 ngàn hecta. Việc giá cao su tăng mạnh trong 2 tháng qua hứa hẹn HAGL Agrico và HAGL của Bầu Đức sẽ có những khoản thu lớn và lợi nhuận cao ngay trong năm 2019.
Đại gia Việt mất 400 triệu USD
CTCP Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng (thường được gọi với cái tên “Năng Do Thái”) vừa công bố biên bản họp HĐQT thông qua các giao dịch năm 2019 về việc mua bán hàng hóa/dịch vụ giữa VCS và các công ty liên quan. Đây đều là các doanh nghiệp liên quan tới ông Hồ Xuân Năng, do ông Năng làm chủ tịch HĐQT hoặc là thành viên có lợi ích liên quan.
Tỷ phú Hồ Xuân Năng trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 120 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá khoảng 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD).
Tuy nhiên, khối tài sản của ông Năng giờ chỉ còn hơn 7 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 320 triệu USD. Gần đây, VCS gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt về giá của các sản phẩm đá Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
Vợ hồi két vài trăm tỷ, chồng sang Mỹ làm lớn
Năm 2019, Minh Phú cũng đón nhận khá nhiều tin vui với việc giá tôm nguyên liệu có thể còn giảm thấp nữa nhờ công nghệ nuôi mới, quy mô ao của người dân mở rộng; MPC không thuộc diện bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Gần đây, MPC cũng đã hé lộ thông tin hợp tác với đối tác Nhật, vừa có thêm một nguồn vốn lớn (vài trăm triệu USD) vừa có thêm đối tác để mở rộng thị trường tại Nhật.
Trước đó, gia đình ông Lê Văn Quang bà Chu Thị Bình cũng đón nhiều tin vui. Giấc mơ tỷ USD đang dần trở thành hiện thực sau nhiều năm gặp khó khăn. Bà Chu Thị Bình cũng rút về vài trăm tỷ đồng sau vụ bị thụt két tại Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM).
Ngày của tỷ phú Trịnh Văn Quyết
Bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC Faros đã bán xong toàn bộ hơn 26,66 triệu cổ phiếu ROS tương ứng 4,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của FLC Faros như đã đăng ký và chính thức không còn là cổ đông của công ty này. Theo lý thuyết, vợ của ông Trịnh Văn Quyết sẽ thu về số tiền rất lớn, lên tới cả ngàn tỷ đồng tiền mặt.
Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 382 triệu cổ phiếu ROS, chiếm tỷ lệ 67,34% vốn doanh nghiệp. Tổng tài sản quy ra từ cổ phiếu (chủ yếu là ROS, thêm FLC và ART) của ông Quyết có lúc lên tới vài tỷ USD, nhưng giờ ở mức hơn 14 ngàn tỷ đồng, tương đương 620 triệu USD).
Bà Nguyễn Thanh Phượng thương vụ 500 tỷ
Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng tiếp tục phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng sau khi thành công thương vụ bán 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn tương tự cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước (hơn 620 tỷ đồng) và ngoài nước (gần 179 tỷ đồng).
Đầu năm 2019, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng đón nhận tin vui với việc vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới trong quý 4/2018, bất chấp mọi thứ không còn thuận lợi, thị trường không sôi động như trước đây và cổ phiếu chìm sâu ở đáy hơn 1 năm qua. Đột biến này có thể nhờ thương vụ CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang bán toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc, thu về 470 triệu USD.
Nỗi lòng tỷ phú Vietjet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet bày tỏ mong muốn có được sự "tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân xấu xí, ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp, ý chí của DN tư nhân".
Lấy dẫn chứng vụ máy bay Vietjet hạ cánh nhầm đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giãi bày: "Vietjet là công ty có chứng chỉ an toàn khai thác quốc tế, chúng tôi cũng có Chỉ số an toàn chất lượng thuộc nhóm các DN hàng không dẫn đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương".
Nhưng chúng ta ứng xử với cùng một sự cố đáp xuống sân bay Cam Ranh của hai hãng hàng không lại khác nhau. Cách nhau khoảng 4-5 tháng gì đó nhưng chúng ta thấy giữa DN tư nhân và DN nhà nước nhận được những phản ứng khác nhau.
“Tất nhiên ở đây có thể là sự kỳ vọng, là mong muốn, hoặc là sự quan tâm với DN tư nhân, nhưng chúng tôi mong muốn có một cái nhìn tin tưởng hơn và công bằng hơn giữa doanh nghiệp tư nhân và các DN khác”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ.
Chia đôi tài sản, Đặng Lê Nguyên Vũ phản pháo không biết gì
Đại diện Trung Nguyên cho biết, nguyên đơn Bà Lê Hoàng Diệp Thảo không nộp cho tòa án và không gửi cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Trung Nguyên bất kỳ phương án phân chia tài sản nào.
Khối tài sản và thương hiệu Trung Nguyên, G7 sẽ được giải quyết như thế nào để hai thương hiệu này tiếp tục phát triển là điều mà dư luận hết sức quan tâm.
Sau nhiều lần hoà giải nhưng mối tình của vợ chồng đại gia Trung Nguyên vẫn chưa đi tới hồi kết. Cuối năm 2015, bà Thảo lần đầu gửi đơn ly hôn ra tòa, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng tại tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn.
TAND TP.HCM đã mở 3 phiên hòa giải dành cho vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên. Theo đó, ông Vũ và bà Thảo đã thuận tình ly hôn nhưng chưa thống nhất được việc cấp dưỡng nuôi con và phân chia tài sản.
Bảo Anh (Tổng hợp)