Với 107/193 phiếu thuận, Đại hội đồng LHQ hôm 10/10 quyết định sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai, thay vì bỏ phiếu kín về một dự thảo nghị quyết lên án "cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp" và "âm mưu thôn tính bất hợp pháp" của Nga. Chỉ có 13 nước bỏ phiếu phản đối công khai trưng cầu về dự thảo nghị quyết, trong khi 39 nước khác bỏ phiếu trắng và phần còn lại, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, không tham gia bỏ phiếu.
Nga lập luận rằng, các nỗ lực vận động hành lang của phương Tây đồng nghĩa "có thể rất khó khăn nếu các quan điểm được thể hiện một cách công khai". Tại cuộc họp của LHQ đầu tuần này, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia đã đặt câu hỏi về việc thúc đẩy lên án Moscow. Ông Nebenzia cáo buộc đây là "một bước nữa tiến đến sự chia rẽ và leo thang", không vì hòa bình và an ninh của các nước hay cố gắng giải quyết xung đột.
Moscow đã sáp nhập 4 khu vực Ukraine mà các lực lượng Nga đang nắm quyền kiểm soát một phần, gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia sau khi tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh cáo buộc những cuộc bỏ phiếu là "bất hợp pháp và mang tính ép buộc".
Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ kêu gọi các quốc gia không công nhận động thái của Nga cũng như tái khẳng định chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Các nhà ngoại giao cho biết, cuộc bỏ phiếu công khai của tổ chức về dự thảo nghị quyết này có thể sẽ diễn ra vào ngày 12/10 hoặc 13/10.
Belarus triển khai quân cùng Nga gần Ukraine
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 10/10 thông báo, ông đã ra lệnh triển khai binh sĩ cùng các lực lượng Nga gần Ukraine nhằm đáp trả những gì Minsk coi là "mối đe dọa rõ ràng từ Kiev và các đồng minh phương Tây đối với Belarus".
"Các cuộc tấn công vào lãnh thổ của Belarus không chỉ được thảo luận ở Ukraine hôm nay, mà còn đang được lên kế hoạch. Các chủ nhân của họ đang thúc đẩy họ bắt đầu một cuộc chiến chống Belarus để lôi kéo chúng ta đến đó", ông Lukashenko phát biểu tại một cuộc họp về an ninh quốc gia.
Ông Lukashenko nói, Belarus đã nhận được cảnh báo qua các kênh không chính thức rằng Ukraine đã lên kế hoạch về "cầu Crưm 2", nhưng không cung cấp bằng chứng cho tuyên bố. Lãnh đạo Minsk tiết lộ, bản thân đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình trong khi tham dự một cuộc họp ở St. Petersburg.
Theo Reuters, phát biểu của ông Lukashenko, người nắm quyền ở Belarus từ năm 1994, ám chỉ cuộc xung đột ở Ukraine có khả năng leo thang hơn nữa, có thể là với một lực lượng chung Nga - Belarus ở phía bắc nước láng giềng.
Theo tổng thống Belarus, ông đã nhất trí với người đồng cấp Nga về việc triển khai một nhóm quân sự trong khu vực và đã bắt đầu tập hợp lực lượng cách đây 2 ngày, dường như sau vụ tấn công vào cầu đường bộ và đường sắt của Nga tới Crưm sáng sớm 8/10.
Quân đội Belarus hiện bao gồm khoảng 60.000 quân nhân tại ngũ. Đầu năm nay, nước này đã triển khai 6 nhóm chiến thuật với tổng cộng vài nghìn binh sĩ, tới các khu vực biên giới. Hôm 9/10, lãnh đạo lực lượng biên phòng Belarus cáo buộc Ukraine đang có các hành động khiêu khích ở biên giới.
Tuấn Anh