Đã chi gần 10.400 tỷ đồng tiền bồi thường

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa báo cáo kết quả triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, tổng chiều dài 76,34km, đi qua địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. 

Tại TP.HCM, dự án Vành đai 3 có chiều dài 47,51km, đi qua địa bàn TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Để triển khai dự án, TP.HCM sẽ phải thu hồi hơn 410ha đất. 

Trong tổng số 1.679 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, có 406 trường hợp đủ điều kiện tái định cư và 252 trường hợp bị giải toả trắng không đủ điều kiện tái định cư. 

Theo Sở TN&MT, kết quả bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án đoạn qua địa bàn TP.HCM rất đáng ghi nhận, vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, TP.HCM đã giải phóng mặt bằng 89,95% diện tích. Đến cuối tháng 12/2023, tiến độ giải phòng mặt bằng đạt 97,23% diện tích.

W-vanh-dai-3-2.jpg
Một hạng mục thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đang được thi công. Ảnh: Nguyễn Huế

Đến nay, TP.HCM đã bàn giao 98,22% diện tích đất cho chủ đầu tư để triển khai các gói thầu xây lắp, cơ bản đáp ứng về yêu cầu tiến độ do Chính phủ đề ra. Trong đó, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100% công tác thu hôi đất, bồi thường. 

“Tiến độ ban đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, càng về cuối thì tiến độ càng chậm dần, đến nay còn 7,32ha chưa bàn giao mặt bằng, chiếm 1,78% diện tích dự án tại TP.HCM”, đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho hay. 

Những trường hợp chưa bàn giao mặt bằng có các nguyên nhân chính như: Vướng mắc về thủ tục kê khai thừa kế; nguồn gốc đất do lấn chiếm; chưa đồng ý về vị trí đất để tính bồi thường; người sử dụng đất đang khiếu nại hoặc khởi kiện; chưa đồng ý với mức giá bồi thường. 

Về tình hình bố trí vốn và kết quả giải ngân, tổng chi phí bồi thường hơn 410ha đất tại TP.HCM dự kiến 18.906 tỷ đồng. Năm 2022, TP.HCM đã chi bồi thường 85 tỷ đồng và năm 2023 đã chi 10.288 tỷ đồng.

Lo thiếu cát phục vụ thi công dự án 

Nhằm đảm bảo vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua thành phố, tổ công tác của UBND TP.HCM đã làm việc với các tỉnh lân cận và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo thống kê nguồn cung vật liệu dự kiến, đất đắp nền đường khoảng 1,7 triệu m3, vượt 106% nhu cầu; đá xây dựng khoảng 6,2 triệu m3, vượt 141% nhu cầu; cát xây dựng khoảng 1,1 triệu m3, đạt 73% nhu cầu; cát đắp nền đường khoảng 5,8 triệu m3, đạt 63% nhu cầu. 

Sở TN&MT TP.HCM cho biết việc đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cát đắp nền đường do các tỉnh không có chủ trương cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM mà đang cung cấp cát cho các dự án triển khai tại các tỉnh miền Tây.

vanh dai 3 1.jpg
TP.HCM lo thiếu cát phục vụ thi công dự án Vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại cuộc họp vào tháng 12/2023, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre thống nhất chủ trương cung cấp một phần trữ lượng các mỏ cát tại địa phương để phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM nếu kết quả thí nghiệm các mẫu cát đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án. 

Trong khi đó, các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang cần xin ý kiến do khó khăn về nguồn cung cấp cát phục vụ các dự án cao tốc đang triển khai, các công trình của tỉnh và chủ trương không cấp cát cho công trình ngoài tỉnh.

Cuối tháng 2/2024, Sở TN&MT Tiền Giang thống nhất sẽ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ, chia sẻ cho dự án Vành đai 3 TP.HCM khoảng 6,3 triệu m3 cát. 

Tỉnh Bến Tre đang chuẩn bị thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các mỏ cát. Sau khi lựa chọn được đơn vị trúng đấu giá, Sở TN&MT sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần khối lượng cát để phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. 

Từ những khó khăn trên, ngày 1/3, Sở TN&MT TP.HCM đã kiến nghị UBND TP có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức làm việc với các bộ, ngành và địa phương để điều phối nguồn cát đắp nền đường phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.