- Trước 2008, nhiều DN vận tải biển Việt Nam ồ ạt vay tiền mua sắm hàng loạt tàu vận tải. Nhưng ít ai ngờ rằng, chỉ vài năm sau đó, nhiều con tàu có giá trị trên sổ sách cả chục triệu USD được bán với giá vài ba triệu USD.

Bán chịu lỗ, không bán càng chết

Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam - Vitranschart (VST) đầu năm mới 2015 thông báo đã hoàn tất việc bán tàu VTC Sky (24.260 DWT, đóng 1997). Số tiền thu được từ thương vụ thanh lý chưa được VST tiết lộ. Mặc dù vậy, giá bán VTC Sky có lẽ không thể cao trong bối cảnh "thị trường mua bán tàu đã qua sử dụng trong vài năm qua suy giảm khôn lường".

VST lên kế hoạch bán thanh lý hai tàu VTC Sky và Viễn Đông 3 từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, trong cả năm 2014, Vitranschart đã không thể thực hiện được mong muốn này để giảm lỗ, giảm áp lực vay vốn lưu động. Cho tới thời điểm này, chiếc Viễn Đông 3 (6.600 DWT, sản xuất 2004) vẫn còn nằm trong diện mời chào tìm khách hàng mua với giá khởi điểm hơn 2 triệu USD.

Trước đó, Vitranschart đã mất cả năm 2012 chào bán tàu VTC Light (21.964 DWT, đóng 1995) nhưng vẫn không thành công do bị đánh giá thấp, dưới 4,5 triệu USD. Kế hoạch bán tàu để cải thiện kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của công ty đã không thực hiện được.

Cuối năm 2014, CTCP Vận tải Biển Việt Nam - Vosco (VOS) cũng đã bán tàu Silver Star (21.967 DWT, 1995) với giá 5,1 triệu USD và bán Diamond Star (27.000 DWT, 1990) với giá 5,4 triệu USD.

CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) hồi giữa tháng 1/2015 đã bán tàu Hà Tiên (trọng tải 7.018 DWT, đóng năm 1986) với giá 17,3 tỷ đồng và dự kiến bán 2 tàu tương tự với kỳ vọng mức giá khoảng như vậy.

{keywords}

Nhiều con tàu có giá trị trên sổ sách cả chục triệu USD được bán với giá vài ba triệu USD.

Hầu hết DN vận tải biển đều khá công khai cho rằng, quyết định bán tàu nằm trong kế hoạch tái cơ cấu, trẻ hóa đội tàu và giảm áp lực lãi vay, bổ sung vốn lưu động, tránh nguy cơ thua lỗ kéo dài. Một số con tàu đưa ra bán đã hết khấu hao.

Tuy nhiên, không ít con tàu đã và đang được đưa ra chào bán vẫn còn khá mới. Giá trị sổ sách một số tàu thậm chí vẫn còn rất lớn, trên chục triệu USD và vẫn đang mua bảo hiểm với giá trị lên đến một hai trăm tỷ đồng.

Quyết định chấp nhận bán với giá tốt nhất có thể trong thời điểm hiện nay một phần là để giải quyết áp lực vay vốn, một phần là bởi nhiều tàu rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Có tàu thua lỗ liên tục kể từ khi được đưa vào hoạt động.

Mua đắt bán rẻ: Bế tắc đủ đường

Làn sóng bán tàu trong 2-3 năm nay đánh dấu thời kỳ đen tối nhất của ngành vận tải biển, trái ngược với thời kỳ vàng son khi mà hàng loạt các doanh nghiệp ồ ạt vay tiền ngân hàng mua sắm, đóng mới tàu các loại.

Từ những năm 2000, Vosco đã nổi như cồn với hàng loạt "cái nhất", với đội tàu ngày càng lớn mạnh, với rất nhiều tuyến mới được mở. Trong khoảng thời gian này, Vosco đầu tư mua sắm hàng loạt tàu hiện đại, từ tàu container cho tới tàu hàng rời chuyên dụng... Tới 2008, DN này vẫn còn ghi nhận lãi khủng gần 300 tỷ đồng.

{keywords}

Một chuyên gia trong ngành cho biết, đội tàu của các DN trong nước hầu hết được hình thành từ vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, những khoản lợi nhuận lớn nhất thời không che được hết những rủi ro từ những khoản nợ thường cao gấp trên 3 lần so với vốn chủ sở hữu. Vosco đã dần rơi vào khủng hoảng khi mà nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cước vận tải biển liên tục đi xuống trong khi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao trong 2-3 năm trước đây.

Từ 2012, DN này bắt đầu lỗ nặng. Khấu hao tàu thuyền lớn và lãi vay ngân hàng cao cùng nhiều khoản chi phí khác tăng vọt đã đẩy Vosco vào tình trạng khó khăn, phải bán hàng loạt các con tàu như Vĩnh Long, Sông Tiền, Ocean Star, Đại Việt, Silver Star, Diamond Star... Trong đó, có tàu khá hiện đại được đóng mới trong thời kỳ đầu những năm 2000.

Một DN vận tải biển gần đây cho biết, hãng có những con tàu trị giá 11-12 triệu USD trên sổ sách nhưng ước tính giá trị thị trường "còn rất thấp". Và để vừa đảm bảo lợi ích hợp lý của các cổ đông, vừa chủ động tiết giảm chi phí bảo hiểm, DN đã chọn phương án mua bảo hiểm thân tàu với giá trị 7,5 triệu USD.

Khá nhiều DN đổ tiền mua và đóng mới tàu, thậm chí mua cả tàu cũ trong giai đoạn thị trường phát triển bùng nổ trước 2008.

Theo đánh giá của VST, thị trường mua bán tàu gần đây rất khó đoán. Xu hướng đi xuống của chỉ số BDI cùng với dự đoán rằng thị trường ngắn và trung hạn không mấy hứa hẹn, nhiều người mua tiềm năng có khuynh hướng chờ cho giá tàu giảm thêm nữa khi mùa hè đang đến gần. Trong khi đó, một số người bán tin rằng giá tàu sẽ thật sự giảm sâu thêm nữa do vậy đành miễn cưỡng chấp nhận giá chào mua tốt nhất mà họ hiện có.

Báo cáo của tổng giám đốc Vitranschart cho biết, thị trường mua bán tàu đã qua sử dụng chỉ riêng trong năm 2012 đã suy giảm khôn lường. Một số loại tàu cùng loại, cùng tuổi có giá giảm tới 25%. Hồi cuối 2011, Vitranschart bán tàu VTC Star (22.273 DWT, đóng 1989) được 7,7 triệu USD nhưng tàu VTC Light gần cuối 2013 chỉ bán được 4,205 triệu USD.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, đội tàu của các DN trong nước hầu hết được hình thành từ vốn vay ngân hàng. Do vậy, mỗi biến động từ lãi suất, tỷ giá, chi phí đầu vào khác... đều khiến DN lao đao. Bên cạnh đó, không ít tàu mua ở thời kỳ giá cao, giờ giá thấp, nếu tàu khấu hao hết thì tiền đầu tư cũng đã hạch toán vào các khoản lỗ các năm trước đó. Ngược lại, lỗ sẽ hình thành khi bán tàu. Bán tàu là biện pháp được các DN sử dụng để cứu cánh cho doanh thu và giảm áp lực vốn lưu động.

Mạnh Hà