Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna với hãng truyền thông RMF24 hôm 26/3.

Ông Szejna cho hay, "Nga biết rằng nếu tên lửa di chuyển xa hơn vào trong lãnh thổ Ba Lan, nó sẽ bị bắn hạ. Sẽ có hành động phản công. Nhiều kịch bản đang được NATO phân tích bao gồm bắn hạ những tên lửa, khi chúng tới rất gần đường biên giới NATO". 

Cũng theo ông, hành động bắn hạ tên lửa Nga sẽ cần sự chấp thuận từ phía Ukraine. 

nga ten lua.jpg
Tên lửa được phóng từ hệ thống phòng không Patriot PAC-3. Ảnh: mil.in.ua

Trước đó, Ba Lan đã điều động các máy bay chiến đấu để bảo vệ không phận, trong lúc Nga tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào Ukraine hôm 24/3. Theo đó, một tên lửa hành trình của Nga đã bay vào không phận Ba Lan trong 39 giây.

Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreyev đã được Bộ Ngoại giao Ba Lan triệu tập để yêu cầu đưa ra lời giải thích. Tuy nhiên, ông Andreyev đã từ chối tới gặp với lý do Warsaw không cung cấp bằng chứng cho lời cáo buộc tên lửa Nga bay vào không phận Ba Lan.

Sau sự việc, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz tuyên bố nước này sẽ bắn hạ tên lửa Nga, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tên lửa hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Ba Lan.

Trong các cuộc tấn công Ukraine trước đây, tên lửa Nga từng bay vào không phận Ba Lan. Vào ngày 29/12/2023, một tên lửa Nga đã bay vào không phận Ba Lan, khiến hệ thống phòng thủ của Ba Lan đặt trong tình trạng báo động cao.

Trong một sự cố khác vào ngày 15/11/2022, một tên lửa đã bay vào lãnh thổ Ba Lan và khiến 2 dân thường thiệt mạng. Sau đó, các nhà điều tra Ba Lan kết luận đây là tên lửa của Ukraine được phóng để đánh chặn cuộc tấn công của Nga, nhưng nó đã bay lạc sang Ba Lan.