Ông Putin hôm 14/6 tuyên bố, Moscow có thể ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán ngay khi Ukraine rút hết quân khỏi 4 vùng mới sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Lãnh đạo Điện Kremlin cũng lưu ý, một nền hòa bình lâu dài có thể đạt được nếu Ukraine cam kết duy trì tình trạng trung lập và từ bỏ các yêu sách trước đây đối với cả 5 vùng đã chọn sáp nhập vào Nga, bao gồm cả bán đảo Crưm.
Ông Putin nói thêm, tất cả những điều khoản trên cùng với một số điều khoản khác cần được quốc tế công nhận, tiếp sau đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Cả Kiev và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều bác bỏ lời đề nghị trên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khăng khăng đòi Nga rút quân về khu vực biên giới với Ukraine năm 1991 như một điều kiện tiên quyết cho hòa đàm, đồng thời gọi đề xuất hòa bình của ông Putin là “tối hậu thư”.
Phát biểu trước các phóng viên hôm nay (17/6), giám đốc SVR Sergey Naryshkin cho rằng Kiev tốt hơn nên chấp nhận đề xuất hiện giờ của ông Putin. “Các điều khoản tiếp theo nhằm đạt lệnh ngừng bắn và ký kết một số loại thỏa thuận hòa bình sẽ khó khăn hơn đối với Ukraine”, ông Naryshkin cảnh báo.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đưa ra khuyến cáo tương tự. Bình luận về phản ứng của Tổng thống Putin trước việc Kiev từ chối chấp nhận lời đề nghị mới nhất từ Moscow, ông Peskov cho hay, ông Putin coi đó là điều "khá dễ đoán" nhưng lưu ý "ngay cả trong chính quyền Ukraine cũng có những người bắt đầu cân nhắc xem liệu có đáng để chờ đợi những điều kiện thậm chí còn tồi tệ hơn nữa hay không”.
Trao đổi với báo chí tại hội nghị hòa bình do Thụy Sỹ đăng cai hôm 16/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho hay, Kiev gần như sẵn sàng thương lượng với Moscow, nhưng chỉ khi họ ở vị thế đàm phán “mạnh nhất”.