Trong Thế chiến II, quân đội của phát xít Đức đã phá hủy các xe tăng của Liên Xô với tốc độ chưa từng thấy. Song, dù Hồng quân đã mất tới 80.000 xe tăng nhưng sức mạnh công nghiệp của Liên Xô cho phép họ kết thúc cuộc chiến với nhiều xe tăng hơn so với thời điểm đầu chiến sự.
Các xe tăng ngày nay phức tạp và đắt tiền hơn nhiều. Do đó, chúng được quân đội các nước triển khai với số lượng ít hơn đáng kể. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga được tin đã mất một số lượng lớn xe tăng. Các lực lượng Kiev tuyên bố đã tiêu diệt hơn 3.250 xe tăng của đối phương. Trong khi, Oryx, một blog tình báo nguồn mở ghi nhận con số tổn thất của Nga là 1.700 chiếc. Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế thống kê, khoảng một nửa trong dàn xe tăng T-72 trước xung đột của Nga, ước tính khoảng 2.000 chiếc và chiếm phần lớn lực lượng xe tăng, đã bị phá hủy.
Theo tạp chí The Economist, mặc dù các xe tăng không mang lại lợi thế nổi bật cho Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, nhưng binh lính của họ sẽ phải vật lộn để thực hiện một cuộc tấn công lớn nếu không có đủ sự hỗ trợ của chúng.
Kiev bắt đầu nhận được xe tăng chiến đấu do các đồng minh phương Tây chuyển giao trong những tuần gần đây và có thể sẽ sử dụng chúng cho một cuộc phản kích vào mùa xuân. Moscow sẽ cần củng cố lực lượng xe tăng nếu muốn giữ vững các vùng đất họ đã giành được quyền kiểm soát. Câu hỏi đặt ra là, phía Nga có thể thay thế những xe tăng bị mất nhanh đến mức nào.
Vào những năm 1940, các nhà máy của Liên Xô có thể xuất xưởng hơn 1.000 xe tăng mỗi tháng. Các nhà máy chuyên sản xuất máy kéo và động cơ đường sắt cũng được lệnh chế tạo xe tăng cho Hồng quân.
Ngày nay, việc tăng cường sản xuất khó khăn hơn. Các thiết bị điện tử trong xe tăng hiện đại, phục vụ việc nhìn xuyên đêm, nhắm bắn súng và một loạt tính năng khác, rất phức tạp. Điều đó làm chậm quá trình chế tạo và khiến nhiều nhà máy được thiết kế cho các loại hình sản xuất khác không thể dễ dàng chuyển đổi mục đích sang sản xuất xe tăng.
Nga hiện chỉ còn lại một nhà máy sản xuất xe tăng là UralVagonZavod, tổ hợp khổng lồ được xây dựng vào những năm 1930. Song, việc quản lý tài chính yếu kém và các khoản nợ khổng lồ đã làm chậm quá trình hiện đại hóa nhà máy. Các công nhân nói đùa rằng họ đang lắp ráp xe tăng thủ công. Theo tờ báo Nga Novaya Gazeta, nhà máy chỉ chế tạo được 20 xe tăng/tháng.
Một quan chức phương Tây đánh giá, xét một cách tổng quát, nhu cầu về xe tăng của các lực lượng vũ trang Nga đang gấp 10 lần khả năng sản xuất.
Trong một nỗ lực để đáp ứng nhu cầu, Nga đã tăng tốc độ phục hồi xe tăng cũ, bao gồm hàng nghìn chiếc trong kho. Ở Ukraine, các xe tăng hiện đại của Nga, chẳng hạn như T-90, đang chiến đấu bên cạnh một số lượng lớn T-72b3, mẫu xe tăng được chế tạo từ nhiều thập kỷ trước, nhưng được nâng cấp bằng súng, giáp phản ứng (giúp giảm khả năng xe bị trúng đạn) và hệ thống liên lạc kỹ thuật số. Ngay cả với những cải tiến này, các xe tăng cũ vẫn kém hơn so với các mẫu mới và ít có khả năng chống chịu đòn tấn công từ lực lượng Ukraine hơn. Nhưng chúng vẫn hữu ích.
Theo truyền thông Nga, UralVagonZavod đang tu bổ khoảng 8 xe tăng/tháng, trong khi 3 nhà máy sửa chữa xe bọc thép khác đang giúp tân trang khoảng 17 chiếc/tháng/nhà máy. Thêm 2 nhà máy nữa có quy mô tương tự sẽ được đưa vào hoạt động trong vài tháng tới.
Điều này có nghĩa, dù Nga chỉ có thể chế tạo 20 xe tăng mới mỗi tháng, nhưng nước này có thể sớm phục hồi 90 chiếc hoặc nhiều hơn mỗi tháng từ các xưởng của mình. Song, điều đó tạm thời chưa thể bù đắp cho ước tính 150 xe tăng họ bị mất mỗi tháng, theo phân tích của Oryx. Ngoài ra, việc sản xuất có thể gặp trở ngại do sự thiếu hụt trầm trọng các linh phụ kiện như vi xử lý điều khiển xe tăng hiện đại vì hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh.
Ủy ban châu Âu tuyên bố, Moscow thậm chí đang sử dụng vi xử lý từ máy rửa bát và tủ lạnh nhập khẩu cho phần cứng quân sự. Một số xe tăng mới được tân trang lại cho chiến dịch ở Ukraine chứa rất nhiều phần cứng từ các mẫu xe khác nhau và thiếu thiết bị công nghệ cao, chẳng hạn như cảm biến tốc độ gió, giúp bắn chính xác.
Tuy nhiên, không phải mình Nga gặp phải các vấn đề trên. Ukraine và các đồng minh cũng thiếu khả năng sản xuất xe tăng một cách nhanh chóng. Nhà máy sản xuất xe tăng duy nhất của Ukraine, gần Kharkiv, đã sớm bị phá hủy trong xung đột với Nga. Mỹ, quốc gia hứa cung cấp 31 xe tăng M1A2 Abrams cho Kiev, có một nhà máy với khả năng chế tạo 15 xe/tháng.
Việc sản xuất ở những nước phương Tây cũng chậm chạp tương tự, dẫn đến tình trạng cuống cuồng tìm xe tăng cũ để viện trợ Kiev. Song, nhìn chung, bên tấn công vẫn sử dụng nhiều xe tăng hơn bên phòng thủ.
Giới quan sát vẫn đang chờ xem Nga tận dụng và phát triển thế mạnh của lực lượng xe tăng ra sao trong cuộc xung đột đang tiếp diễn ở bên kia biên giới.
>> Đọc tin quân sự thế giới trên báo VietNamNet