Theo báo Guardian, một số cường quốc chủ chốt trong khu vực bao gồm Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Ảrập Xêút đã không ký vào thông cáo chung được đưa ra vào cuối hội nghị hòa bình do Thụy Sỹ đăng cai cuối tuần trước. Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 15 – 16/6 này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Nga không được mời dự hội nghị nói trên, trong khi Trung Quốc từ chối tham gia sự kiện.
Chia sẻ với truyền thông hôm nay (17/5), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Nếu nói về kết quả của hội nghị đó, họ chỉ đạt được con số 0. Nhiều quốc gia hiểu rằng, bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào cũng thiếu triển vọng nếu không có sự hiện diện của đất nước chúng tôi (Nga)”.
Ông Peskov lưu ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin "vẫn sẵn sàng đối thoại và thảo luận nghiêm túc".
Trước câu hỏi liệu việc các nước như Hungary, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia hội nghị và ký tuyên bố chung có làm hỏng mối quan hệ của họ với Nga hay không, người phát ngôn đáp: “Không, việc đó sẽ không phá hỏng các mối quan hệ. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tính đến quan điểm của các quốc gia này. Điều đó rất quan trọng đối với chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích lí do của mình cho họ”.
Ukraine tuyên bố cầu Crưm hiện ít giá trị quân sự
Cùng ngày, phát ngôn viên của Hải quân Ukraine khẳng định, các lực lượng Moscow hiện hiếm khi sử dụng cầu Kerch nối bán đảo Crưm với phần đất liền Nga (còn được gọi là cầu Crưm). Song, Kiev vẫn coi cây cầu là mục tiêu tấn công quân sự hợp pháp của quân Ukraine.
Theo đài RT, các quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần giải thích rằng, Kiev nhiều lần nỗ lực phá hủy cầu Kerch vì công trình này có giá trị hậu cần quan trọng đối với Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, Dmitry Pletenchuk, phát ngôn viên Hải quân Ukraine, đã làm suy yếu quan điểm đó trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RBK của Ukraine hôm 17/6.
Khi được hỏi về các ảnh hưởng của việc phá hủy cây cầu đối với hoạt động của Nga, ông Pletenchuk thừa nhận là “không đáng kể”.
“Cầu Kerch hiện gần như không được dùng cho hoạt động hậu cần quân sự của Nga. Chưa đầy 1/4 khối lượng hậu cần cho binh lính Moscow ở tiền tuyến là đi qua cầu. Phần còn lại qua các tuyến phà”, ông Pletenchuk nhấn mạnh.
Dù không đưa ra bằng chứng, nhưng phát ngôn viên Hải quân Ukraine nói, thực tế trên bắt nguồn từ thiệt hại do một cuộc tấn công của máy bay không người lái của Kiev gây ra.
Moscow hiện chưa lên phản hồi trước các thông tin trên.